TTCK THẾ GIỚI THÁNG 3/2016 - KỲ VỌNG ĐAN XEN LO ÂU

15/04/2016 21:08
Sau hai tháng đầu năm nhiều sóng gió, các nhà đầu tư chứng khoán đã phần nào mạo hiểm hơn trong tháng Ba khi mạnh tay đổ tiền vào thị trường chứng khoán (TTCK) theo sau gam màu tươi hơn từ bức tranh kinh tế toàn cầu cũng như những động thái chính sách của các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn. Nhưng có lẽ tâm lý thận trọng khi đầu tư vào chứng khoán châu Á đã làm các sàn này chưa thể thăng hoa như kỳ vọng, trong khi phố Wall vẫn có sức hút mạnh mẽ từ chính sự mạo hiểm.
Theo dòng sự kiện

Hai tuần đầu từ 1/3 đến 11/3: Thị trường không ngừng trồi sụt 

Chào sàn phiên đầu tháng (1/3) sắc xanh đã trở lại trên khắp các sàn chứng khoán thế giới do giới đầu tư kỳ vọng các biện pháp kích thích tăng trưởng mới của NHTW Trung Quốc (PBoC) sẽ có thể tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và bức tranh kinh tế Mỹ ngày càng “sáng” lên. Xu hướng tăng điểm của TTCK châu Á được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc, sau khi quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng thương mại 0,5 điểm phần trăm xuống 17% bắt đầu có hiệu lực từ 1/3. Đây là lần giảm RRR thứ 5 của PBoC kể từ tháng 2/2015 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đóng cửa phiên này, chỉ số SCI của Thượng Hải và Hang Seng của Hồng Kông lần lượt tăng 1,7% và 1,6%, lên 2.733,17 điểm và 19.407,46 điểm. Theo sau đó, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tăng 0,37% (58,75 điểm) lên 16.085,51 điểm. Tại Mỹ các số liệu kinh tế mới lạc quan (lĩnh vực chế tạo tăng trưởng vượt mong đợi, đầu tư cho xây dựng và doanh số bán ô tô tăng khá) cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang vững vàng đà phục hồi bất chấp kinh tế toàn cầu trì trệ đã đẩy phố Wall đi lên. Nhờ đó các chỉ số DJ, S&P 500 và Nasdaq lần lượt tiến 2,1%, 2,4% và 2,9% lên mức 16.865,08 điểm, 1.978,35 điểm và 4.689,60 điểm. Đặc biệt, chỉ số S&P 500 ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ ngày 06/01/2016. Còn tại châu Âu, các sàn chứng khoán chủ chốt cũng đồng loạt chuyển màu xanh với chỉ số FTSE 100 trên sàn London, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt và chỉ số CAC 40 của Paris lần lượt tăng 0,9%, 2,3% và 1,2%, chốt phiên ở các mức 6.152,88 điểm, 9.717,16 điểm, 4.406,84 điểm do nhà đầu tư trông đợi NHTW châu Âu (ECB) sẽ đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mới trong cuộc họp diễn ra ngày 10/3.

Tâm lý lạc quan càng tiếp sức cho các sàn chứng khoán từ châu Á tới phố Wall suốt ba phiên liên tiếp (2/3 - 4/3), trong đó, chỉ số Nikkei-225 tại Tôkyô và SCI tại Thượng Hải ghi nhận mức tăng mạnh hơn 4% trong phiên 2/3. Có thể nói, thị trường việc làm Mỹ được cải thiện, quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ (CSTT) của Trung Quốc và triển vọng về một thỏa thuận hạn chế sản lượng dầu mỏ giữa Saudi Arabia và các nhà sản xuất dầu mỏ khác là những lực đẩy mới của thị trường, tạo tâm lý hứng khởi cho các nhà đầu tư rằng TTCK đã bắt đầu xuất hiện xu hướng ổn định sau những phiên đầu năm biến động gây thiệt hại tới hàng nghìn tỷ USD. Phiên 4/3 ghi dấu phiên xanh sàn thứ tư liên tục của chỉ số Nikkei-225 tại Tôkyô khi đóng phiên ở mức 17.014,78 điểm. Còn ở phố Wall, sắc xanh trụ lại dài ngày nhờ vào tâm lý giới đầu tư đã phần nào ổn định trở lại và họ bắt đầu chuyển hướng sang các lựa chọn rủi ro hơn trong bối cảnh kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi những tín hiệu lạc quan và giá dầu phục hồi, chuyên gia phân tích thị trường Angus Nicholson từ hãng cung cấp các dịch vụ tài chính IG trụ sở tại Melbourne đã nhận định. Kết thúc phiên giao dịch 4/3 cả ba chỉ số chủ chốt của phố Wall đều ghi điểm, riêng DJ là điểm sáng khi lần đầu tiên kể từ ngày 5/1/2016 vượt ngưỡng 17.000 điểm (chốt ở mức 17.006,77 điểm) và S&P 500 áp sát ngưỡng 2.000 điểm (dừng tại 1.999,99 điểm). Mặc dù liên tục chứng kiến sức tăng trưởng mạnh mẽ của các TTCK, song Michael James, Giám đốc điều hành Công ty chứng khoán Wedbush Securities, cho rằng giới đầu tư vẫn còn thận trọng trước những lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất trong năm nay.

Các TTCK châu Á càng bị đẩy xuống dốc sang phiên 9/3 khi gam màu trong bức tranh xuất nhập khẩu của Trung Quốc chuyển sang màu xám (kim ngạch xuất khẩu trong tháng 2/2016 giảm hơn 25% và nhập khẩu hạ gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái), kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm trong quý IV/2015 và giá dầu trồi sụt càng làm dấy lên quan ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hệ quả là chỉ số SCI của Thượng Hải chấm dứt chuỗi sáu phiên lên điểm khi giảm 38,83 điểm xuống 2.862,56 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 15,32 điểm, xuống 19.996,26 điểm. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 140,95 điểm, chốt phiên ở mức thấp nhất trong một tuần 16.642,2 điểm.        

Bất chấp không khí ảm đạm tại các sàn giao dịch chứng khoán châu Á, các TTCK Mỹ và châu Âu đua nhau khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 9/3, nhờ đà bật tăng mạnh mẽ của giá dầu thế giới (chạm mức cao nhất trong 3 tháng) đã đẩy các mã cổ phiếu năng lượng đi lên. Cổ phiếu của các đại gia năng lượng như Anadarko Petroleum, Nabors Resources, Marathon Oil và Chevron đồng loạt tăng từ 2,4 - 4,6%. Kết phiên, DJ tăng 36,26 điểm lên 17.000,36 điểm; S&P 500 tiến thêm 10 điểm lên 1.989,26 điểm và Nasdaq ghi thêm 25,55 điểm lên 4.674,38 điểm. Tại thị trường London của Anh và Frankfurt của Đức, chỉ số FTSE 100 và DAX 30 đồng loạt tăng 0,3%, còn tại sàn giao dịch chứng khoán Paris của Pháp, chỉ số CAC 40 tiến 0,5%. 

Tới phiên 11/3, tâm lý “săn hàng giá rẻ” đã đưa chứng khoán Tôkyô thoát khỏi vùng đỏ và chốt phiên tăng 0,5% lên 16.938,87 điểm, bất chấp những quan ngại kéo dài về sự trì trệ của kinh tế toàn cầu. Cùng đà đi lên này, chỉ số SCI trên sàn Thượng Hải và chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông cũng lần lượt tiến 0,2% và 1,1% lên mức 2.810,31 điểm và 20.199,60 điểm.

Sau những phiên tăng giảm đan xen, phiên 11/3 phố Wall đã hòa vào sắc xanh bao phủ trên khắp các sàn chứng khoán châu Á và châu Âu trước đó do các nhà đầu tư đã đánh giá lại một cách tích cực gói kích thích kinh tế mới nhất mà ECB vừa đưa ra. ECB quyết định hạ lãi suất cho vay xuống thấp hơn và mở rộng quy mô chương trình nới lỏng định lượng trong một nỗ lực khởi động guồng máy kinh tế trì trệ của Eurozone. Nhà đầu tư thêm phấn chấn sau khi đón nhận báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định rằng giá dầu “có thể đã chạm đáy”. Chốt phiên 11/3, DJ tăng 218,18 điểm lên 17.213,31 điểm; S&P 500 tăng 32,62 điểm lên 2.022,19 điểm và Nasdaq bật 86,31 điểm lên 7.748,47 điểm. 

 Tuần thứ ba từ 14/3 đến 18/3: Thị trường dõi theo các NHTW 

Mở đầu tuần mới, các sàn chứng khoán toàn cầu vẫn giữ được đà đi lên khi giới đầu tư hướng sự chú ý vào hàng loạt cuộc họp chính sách của các NHTW chủ chốt (Nhật, Mỹ, Anh, ECB) và khả năng Trung Quốc sẽ có hành động để hỗ trợ TTCK đang trải qua nhiều biến động. 

 Đi ngược với xu hướng toàn cầu, bức tranh trên TTCK châu Á trong tuần này đã ngay lập tức đổi sang gam tối khi tại cuộc họp thường kỳ 14 - 15/3 của các NHTW chủ chốt, NHTW Nhật Bản (BoJ) đã đưa ra viễn cảnh đầy u ám về nền kinh tế lớn thứ ba thế giới khiến chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản dứt chuỗi ba phiên tăng điểm liên tiếp để xuống mức 17.117,07 điểm (giảm 116,68 điểm). Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng giảm 146,57 điểm xuống 20.288,77 điểm. 

Các TTCK Âu - Mỹ cùng cảnh ngộ sau khi giới chuyên gia cảnh báo các NHTW đã không còn giải pháp để vực dậy nền kinh tế toàn cầu trong khi nhân tố Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, ở phố Wall chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 0,2% và 0,5% xuống còn 2.015,93 điểm và 4.728,67 điểm. Còn tại châu Âu, các chỉ số FTSE 100 của Anh, DAX 30 của Đức và CAC 40 của Pháp lần lượt trượt 0,6%; 0,6% và 0,8% xuống tương ứng 6.139,97 điểm; 9.933,85 điểm và 4.472,63 điểm do thị trường lo ngại các NHTW đã ”cạn” các giải pháp để vực dậy nền kinh tế toàn cầu trong khi nhân tố Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Tuy nhiên, quyết định giữ nguyên lãi suất của FED khi khép lại hai ngày họp (15 - 16/3) lại là nhân tố vực dậy thị trường. Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, các quan chức FED chưa nâng tiếp lãi suất vào thời điểm này do nhiều yếu tố, trong đó có những quan ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc, châu Âu và các nền kinh tế đang nổi. Ngoài ra, việc ECB vừa đưa ra gói kích thích kinh tế, cùng với việc các NHTW trên toàn cầu vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh cũng khiến FED phải thận trọng trong chính sách tiền tệ. Nhờ đó, cuối phiên 16/3 DJ tăng 74,23 điểm lên 17.325,76 điểm; S&P 500 tăng 11,29 điểm lên 2.027,22 điểm và Nasdaq cộng 35,30 điểm lên 4.763,97 điểm. 

Cùng với xu hướng đó, chứng khoán châu Á cũng hòa nhịp đi lên trong phiên 17/3 và kéo dài cho tới phiên cuối tuần 18/3. Chỉ số SCI của Thượng Hải tăng 1,2% lên 2.904,83 điểm (phiên 17/3) và tăng tiếp 1,73% lên chốt phiên 18/3 ở mức 2.955,15 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sau khi tăng 1,2% lên 20.503,81 điểm lại ghi thêm 0,82% lên 20.671,63 điểm (phiên 18/3). Tuy nhiên, chứng khoán Nhật Bản lại giảm điểm phiên thứ tư liên tiếp trong bối cảnh đồng Yên mạnh lên so với đồng USD đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của “xứ hoa anh đào”, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô, bị ảnh hưởng nặng nề, khiến chỉ số Nikkei-225 để mất 1,3% còn 16.724,81 điểm khi thị trường đóng cửa phiên 18/3. 

Hai tuần cuối từ 21 đến 31/3: Phát biểu của Chủ tịch FED chi phối thị trường 

Mở cửa trở lại sau đợt nghỉ cuối tuần kéo dài, chỉ số Nikkei-225 của Tôkyô đã chấm dứt chuỗi mất điểm 4 phiên khi tăng gần 2% lên 17.048,55 điểm trong phiên 22/3 do giới đầu tư lạc quan về báo cáo doanh thu của khối doanh nghiệp, sắp được công bố, giữa lúc đồng Yên suy yếu. Trái lại với hoạt động bán ra chốt lời sau phiên tăng điểm mạnh trước đó, nhờ vào những thông tin về việc các nhà chức trách Trung Quốc thực hiện nới lỏng quy định vay tiền để mua cổ phiếu đã kéo chỉ số SCI của Thượng Hải xuống 2.999,36 điểm và Hang Seng của Hồng Kông về 20.666,75 điểm. 

Trong khi đó, loạt vụ tấn công khủng bố tại Brussels (Bỉ) ngày 22/3 làm ít nhất 35 người thiệt mạng và gần 200 người bị thương lại không tác động tiêu cực tới diễn biến của các TTCK thế giới. Dù cho cổ phiếu của các công ty lữ hành và các hãng hàng không ít nhiều bị ảnh hưởng, song chỉ số FTSE 100 tại London tăng 0,1% lên 6.192,74 điểm; chỉ số DAX 30 tại Frankfurt (Đức) tiến 0,4% lên 9.990 điểm; còn chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) nhích 0,09% lên 4.431,97 điểm. Hai trong ba chỉ số chủ chốt của phố Wall chỉ mất điểm nhẹ: DJ giảm 0,23% xuống 17.582,57 điểm và S&P 500 hạ 0,09% xuống 2.049,80 điểm. 

Có thể nói, mặc dù khá nhiều chỉ số chứng khoán đi xuống, song mức giảm là không quá lớn. Theo chuyên gia phân tích thị trường Bernard Aw từ Hãng cung cấp các dịch vụ chứng khoán IG thì “những tác động của các vụ tấn công khủng bố đối với thị trường tài chính đã không còn khủng khiếp như vụ ngày 11/9/2001 tại Mỹ”. Nhìn chung, không khí giao dịch trên các thị trường có phần ảm đạm khi nhiều nhà đầu tư nghỉ lễ Phục sinh (từ 25 - 28/3).

Đa số các TTCK châu Á mất đà khi các thị trường nối lại hoạt động giao dịch vào phiên 29/3, khi nhà đầu tư có ý chờ bài phát biểu của Chủ tịch FED Yellen để tìm kiếm các dấu hiệu mới về triển vọng tăng lãi suất tại Mỹ. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản chốt phiên giảm 0,18% xuống 1 7 . 1 0 3 , 5 6 điểm. Chỉ số SCI của Thượng Hải giảm 1,28%, xuống 2.919,83 điểm.

Một loạt các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của các NHTW trên khắp thế giới đã tạo ra lực đẩy mà các TTCK rất cần trong tháng Ba này. Theo Giám đốc phụ trách chiến lược đầu tư của Perpetual tại Sydney, Matthew Sherwood, đa phần sự phục hồi của phố Wall, cũng như của các thị trường toàn cầu trong 5 tuần qua là nhờ vào những nhận định về việc các NHTW trên thế giới tiếp tục CSTT nới lỏng. Theo ông, không có gì ngạc nhiên khi sự phục hồi có dấu hiệu đuối hơn, trong bối cảnh thị trường các tài sản rủi ro vẫn trong điều kiện thách thức. Còn theo nhà phân tích Yang Hai ở Kaiyuan Securities Co, các nhà đầu tư đã chịu thiệt hại bởi cú lao dốc của chứng khoán vào năm ngoái sẽ vẫn e dè khi tham gia vào thị trường và điều này giải thích tại sao có hiện tượng nhà đầu tư nhanh chóng chốt lời.     

 Một loạt các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của các NHTW trên khắp thế giới đã tạo ra lực đẩy mà các TTCK rất cần trong tháng Ba này. 

Bài phát biểu thể hiện thái độ khá bình tĩnh trong CSTT của bà Yellen giữa bối cảnh những lo ngại về rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa dứt đã giúp phố Wall ngập trong sắc xanh vào phiên 29/3. Theo đó, DJ tăng 97,72 điểm lên 17.633,11 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 17,96 điểm lên 2.055,01 điểm và Nasdaq ghi thêm 79,84 điểm lên 4.846,62 điểm. Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, các sàn châu Âu lại biến động không đồng nhất. Chỉ số CAC 40 của Pháp dẫn đầu đà tăng khi cộng thêm 0,9%, lên 4.366,67 điểm. 

Hầu hết các sàn châu Á khép lại phiên cuối cùng của quý I/2015 trong sắc đỏ, trong bối cảnh nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo sau đợt tăng giá cổ phiếu trước đó. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 120,29 điểm và đóng cửa phiên 31/3 ở mức 16.758,67 điểm, ghi nhận phiên hạ điểm thứ ba liên tiếp. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 0,13% xuống 20.776,7 điểm. Đi ngược với xu hướng trên, chỉ số SCI của Thượng Hải tăng 0,11% lên 3.003,92 điểm. Tính chung trong ba tháng đầu năm, các TTCK châu Á đều giảm điểm trước những quan ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc giảm tốc và giá dầu thấp, bất chấp sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng Ba, sau khi một số NHTW đưa ra các chính sách nới lỏng tiền tệ. Trong đó, các chỉ số chứng khoán của Thượng Hải và Tôkyô dẫn đầu đà đi xuống, với mức giảm lần lượt là 15% và 12% trong quý I/2016.

Phố Wall ghi nhận 3 phiên tăng điểm trong 4 phiên cuối tháng chủ yếu nhờ phát biểu của Chủ tịch FED Janet Yellen về CSTT thận trọng của FED và hàng loạt số liệu khả quan phát đi từ nền kinh tế đầu tàu thế giới này. Khép phiên 31/3, TTCK Âu - Mỹ cùng trượt xuống do giá hàng hóa giảm khi khép lại quý đầu năm với nhiều biến động trong bối cảnh đà phục hồi đến từ phát biểu của bà Yellen mất dần. DJ và S&P500 cùng giảm 0,2%, xuống 17.685,09 điểm và 2.059,74 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq tăng 0,01%, lên 4.869,85 điểm.         

Phố Wall mất điểm trong sáu tuần đầu của năm nay, với chỉ số S&P 500 giảm xuống dưới 1.850 điểm. Tuy nhiên, các chỉ số bắt đầu phục hồi vào giữa tháng Hai. Nhờ đó, trong cả quý I/2016, DJ tăng 1,5% và S&P 500 tăng 0,87%. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq lại mất 2,8% trong quý.
 

 

Hoàng Hà
Tìm kiếm