TIẾP TỤC THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH

15/04/2016 20:49
Kinh tế Việt Nam chịu những tác động trực tiếp từ biến động của bối cảnh thế giới và trong nước. Do vậy, quý I/2016, tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,46% song tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại, nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Kinh
Theo dòng sự kiện

Tăng trưởng kinh tế ở tương lai

Về tổng thể, trong quý I/2016, nền kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tình hình thu hút khách du lịch quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá. Thị trường trong nước nhìn chung ổn định, cung cầu hàng hóa được đảm bảo. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. 

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong quý I/2016, mặc dù vẫn đạt được những kết quả tích cực về ổn định kinh tế vĩ mô, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng ước đạt 5,46%, lạm phát được kiểm soát (Chỉ số giá tiêu dùng - CPI tháng Ba tăng 0,57%), song nền kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn do tác hại nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thiên tai đã làm giảm mạnh giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (sản lượng lúa cả nước giảm khoảng 700 ngàn tấn; năng suất lúa ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long giảm 4 tạ/ ha, tương đương 5,6%).

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn như hiện nay trong bối cảnh sản lượng dầu thô chỉ khai thác khoảng 14,02 triệu tấn như kế hoạch đề ra thì tốc độ tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt khoảng 5,45%, thấp hơn so với mục tiêu do Quốc hội đề ra là 6,7%. 

Phân tích kỹ thành phần của GDP quý I/2016, theo con số của Tổng cục Thống kê, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,72%, đóng góp 2,33 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,13%, đóng góp 2,48 điểm phần trăm; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23%, làm giảm 0,16 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm nay cao hơn mức tăng của quý I các năm 2012 - 2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015.

Số liệu trên cho thấy, khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Bán buôn, bán lẻ tăng 7,52%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,99%; vận tải, kho bãi tăng 5,56%; thông tin và truyền thông tăng 8,21%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 4,75%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,43%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây. 

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,27% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 1,2%, trong khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,9%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015. Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng trong quý I tăng 9,94% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây. Tính chung quý I năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2015. 

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh. Trong tháng Ba, cả nước có 9.863 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 72,9 nghìn tỷ đồng, tăng 76,6% về số doanh nghiệp và tăng 35,7% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Tuy nhiên, số vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 3 đạt 7,4 tỷ đồng, giảm 23,1%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng là 123,7 nghìn người, tăng 66,3%.

Cũng theo con số của Tổng cục Thống kê, quý I năm nay, cả nước có 23.767 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 186 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8% về số doanh nghiệp và tăng 67,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 34,5%. 

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong quý I năm nay là 9.376 doanh nghiệp, tăng 84,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2016 cho thấy: Có 29,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay khả quan hơn quý trước; 27,1% số doanh nghiệp đánh giá là gặp khó khăn và 43,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ vẫn ổn định.

Trong tháng 3/2016, lạm phát cơ bản giảm 0,09% so với tháng trước và tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2016 tăng 1,76% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.

Dự báo về quý II so với quý I năm nay, có 53,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. 

Về số lượng đơn đặt hàng, có 29% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng trong quý I năm nay cao hơn quý IV/2015; 27,1% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng giảm và 43,9% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý II so với quý I tiếp tục khả quan với 50,5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng cao hơn; 11,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 38,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định. 

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng Ba ước tính đạt 275,4 nghìn tỷ đồng, giảm 3,4% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính đến thời điểm 21/3/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,08% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 2,09%). Huy động 
vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng 2,26% (cùng kỳ năm trước tăng 0,94%); tăng trưởng tín dụng đạt 1,54% (cùng kỳ năm trước tăng 1,25%).

Hoạt động xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực trong những tháng đầu năm. Các doanh nghiệp tiếp tục đẩy nhanh việc thi công những công trình chuyển tiếp, đồng thời triển khai thực hiện các hợp đồng mới. 

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I năm nay theo giá hiện hành ước tính đạt 273,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,2% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 96,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng vốn và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 100,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,7% và tăng 11,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,9% và tăng 13,5%. 

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2016 ước tính đạt 182,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 152,1 nghìn tỷ đồng, bằng 19,4%; thu từ dầu thô đạt 7,2 nghìn tỷ đồng, bằng 13,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 22,8 nghìn tỷ đồng, bằng 13,2%. Đáng chú ý, trong các khoản thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt 31,8 nghìn tỷ đồng, mới bằng 12,4% dự toán năm 2016, chủ yếu do giảm thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất vì giá dầu giảm. Tổng chi NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2016 ước tính đạt 227,7 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9% dự toán.

Tính chung quý I năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 37,9 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 0,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 27,1 tỷ USD, tăng 5,8%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I đạt 39,8 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu quý I ước tính đạt 37,1 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 14,9 tỷ USD, giảm 3,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,2 tỷ USD, giảm 5,7%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I năm nay đạt 40,7 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2015. 

Tính chung quý I/2016 xuất siêu đạt 776 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,05 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,83 tỷ USD. 

Chỉ số CPI tháng 3/2016 tăng 0,57% so với tháng trước, chủ yếu do tác động của giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tăng. CPI tháng 3/2016 tăng 0,99% so với tháng 12/2015 và tăng 1,69% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý I năm nay tăng 1,25% so với bình quân cùng kỳ năm 2015, tuy cao hơn so với mức tăng 0,74% của cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI trong quý I của một số năm gần đây. 

Cũng trong tháng 3/2016, lạm phát cơ bản giảm 0,09% so với tháng trước và tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2016 tăng 1,76% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.

Nhiệm vụ trọng tâm: Thái gỡ khó khăn cho sản xuất

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, về tổng thể kinh tế có chuyển biến tốt, song vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đạt thấp, tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ bám sát tình hình để kịp thời giải quyết những nảy sinh để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2016. 

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, Chính phủ cần hết sức chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cả trong công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đây cũng là nhiệm vụ trung tâm của Chính phủ trong thời gian này.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) và nâng cao hiệu quả DNNN; khẩn trương trình, ban hành theo thẩm quyền điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định hiện hành; tập trung rà soát, bổ sung danh sách doanh nghiệp thuộc diện CPH, thoái vốn nhà nước, xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý II/2016. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 trình Chính phủ; thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN); tập trung nghiên cứu, xây dựng Luật hỗ trợ DNVVN. 

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN; tổ chức triển khai thi hành có hiệu quả các chính sách thuế đối với sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước. 

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường quản lý, phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước; tập trung triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững; tổ chức kết nối giữa thị trường trong và ngoài nước để định hướng sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa. 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng gắn với bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn ngân hàng; tiếp tục triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 với lãi suất ưu đãi cho đến khi giải ngân hết; đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Thông tin về gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người mua nhà thu nhập thấp, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, đến thời điểm này, các NHTM đã tiến hành ký kết các hợp đồng với tổng giá trị đạt 29.600 tỷ đồng (đạt 99%); đã giải ngân được 21.000 tỷ đồng trên thực tế (71%). 

Về những biện pháp tín dụng tiếp theo, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay, trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội có một chương trình khá phù hợp với hình thức gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng trên và có thể nâng cấp lên thành chương trình quốc gia sau khi được Chính phủ phê duyệt.

UBCKNN
Tìm kiếm