VEPR đưa ra dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2024

16/10/2024 09:27
Ngày 15/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề “Phục hồi tăng trưởng: Tăng trưởng và thách thức” nhằm nhận diện những vấn đề lớn đang tác động đến mục tiêu ổn định vĩ mô và phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong cả năm 2024. Đồng thời, gợi mở một số kiến nghị chính sách để đạt được các chỉ tiêu kinh tế xã hội mà Quốc hội đã đề ra cho năm nay và cho cả giai đoạn 2021-2025.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR trình bày báo cáo tổng quan kinh tế Quý III/2024 tại Toạ đàm.

Tại Toạ đàm, báo cáo tổng quan kinh tế Quý III/2024 của VEPR đánh giá, kết thúc quý III, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cuối 2024 và năm 2025. Tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực là động lực tăng trưởng chính. Trong khi đó, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn so với dự kiến với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024. Tuy nhiên, báo cáo của VEPR cũng chỉ ra rằng, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2024 cũng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của vốn.

Đáng chú ý, trong báo cáo của mình, VEPR đưa ra nhận định, thu NSNN vượt kế hoạch trong khi chi tiêu công giảm so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến ngân sách tiếp tục đạt thặng dư cao, qua đó tạo dư địa cho các chính sách tài khoá tiếp tục trong năm 2024 như các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, nhất là trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão số 3 - Yagi.

Chương trình Tọa đàm được tổ chức ngay trước khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến vào ngày 21/10/2024. Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét 42 nội dung, trong đó có 30 nội dung về công tác lập pháp, 12 nhóm nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Do đó, báo cáo Kinh tế vĩ mô và các kiến nghị chính sách tại Tọa đàm này được kỳ vọng sẽ là một trong các nguồn thông tin tham khảo hữu ích, góp phần giúp các đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết sách đúng và trúng với các nhu cầu cấp bách của nền kinh tế hiện nay.

Cùng với đó, thương mại tăng trưởng tích cực, vốn FDI thực hiện đạt mức cao kỷ lục, du lịch phục hồi mạnh mẽ, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giá thấp hơn nhiều so với trần do NHNN quy định. Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng cũng phục hồi khá tốt đã góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, mặc dù vẫn thấp hơn nền trung bình trước đại dịch Covid-19. NHNN vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt tương đối thành công giai đoạn vừa qua để giảm các cú sốc và can thiệp thanh khoản, giúp hạ nền lãi suất, hỗ trợ chi phí vốn cho nền kinh tế mà không cần can thiệp lãi suất điều hành.

Theo đánh giá của VEPR, mặc dù nền kinh tế có nhiều điểm sáng tích cực, tuy nhiên vẫn còn có những rủi ro và thách thức ở phía trước, nhất là khi các chỉ số quản trị mua hàng PMI suy giảm và xuống dưới 50 điểm trong tháng 9. Ngoài ra, tỷ lệ DN rút lui so với DN gia nhập thị trường vẫn ở xu hướng cao, trong khi tiêu dùng trong nước lẫn giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng. Nhìn xa hơn, xu thế phân mảnh kinh tế - chính trị toàn cầu, hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu khiến cầu bên ngoài có thể suy giảm.

Mặt khác, chi phí đẩy khiến năng lực cạnh tranh xuất khẩu và khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu gặp nhiều thách thức. Trong khi đó, các yếu tố đầu vào trong sản xuất gặp nhiều rào cản cũng như tình thế khó khăn trong chuyển dịch mô hình tăng trưởng, đổi mới môi trường kinh doanh và cải cách thể chế mặc dù đạt một số tiến bộ nhưng vẫn chậm chạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đầu tư, kinh doanh, làm nản lòng cộng đồng DN trong và ngoài nước. Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, VEPR đã đưa ra 02 kịch bản cao và thấp.

“Với kịch bản cao, tăng trưởng sẽ quý IV sẽ đi ngang với mức 7,4%, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7,0% mà Chính phủ đề ra cho năm 2024. Với kịch bản thấp, tăng trưởng Quý IV sẽ ở dưới mức 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6,84%” - VEPR đưa ra phương án dự báo cụ thể.

(Nguồn: thuenhanuoc.vn)
Tìm kiếm