“Tẩy xanh” – mối quan tâm về phát triển bền vững hiện nay

17/09/2024 15:16
Với sự gia tăng nhận thức về biến đổi khí hậu và nhu cầu từ phía nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể tận dụng hoạt động tài chính bền vững để nâng cao vị thế cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư dài hạn. Điều này đặt ra những thách thức cho cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Đào tạo về Tài chính bền vững diễn ra ngày 17/9/2024.

Các nhà đầu tư ngày càng có xu hướng đầu tư vào các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ESG. Dựa trên các chỉ số ESG được công bố, các nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức) sẽ mua cổ phiếu của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp “tẩy xanh”. Điều này làm giá trị doanh nghiệp tăng lên, các cổ đông hiện tại của doanh nghiệp đó sẽ nhận thấy danh mục đầu tư và giá trị tài sản của mình tăng lên. Như vậy có thể thấy, hành vi “tẩy xanh” đã tạo điều kiện làm tăng giá trị tài sản doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp được định giá cao hơn giá trị thực. Tuy nhiên, khi có sự cố hoặc doanh nghiệp bị phát hiện có hành vi “tẩy xanh” thì sẽ làm cho giá trị doanh nghiệp giảm nhanh chóng, từ đó ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư và cổ đông. Có thể thấy, hành vi “tẩy xanh” khiến cho thị trường kém hiệu quả hơn và có thể gây tác động tiêu cực cho thị trường tài chính trong cả ngắn hạn và trung hạn. 

Hạn chế hành vi “tẩy xanh” cần thiết trong giai đoạn hiện nay

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp với Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia (ASIC) tổ chức vào ngày 17/09/2024, ông Ben Phillips, Chuyên gia cao cấp của ASIC cho rằng việc nâng cao nhận thức về “tẩy xanh” và ảnh hưởng của “tẩy xanh” đến lĩnh vực tài chính xanh là hết sức cần thiết cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc nhận diện “tẩy xanh” và đưa ra những giải pháp để hạn chế “tẩy xanh” giúp nâng cao chất lượng tài chính xanh trong giai đoạn hiện nay.

Ông chia sẻ, "tẩy xanh" là hành động không thể hiện đúng mức độ thân thiện với môi trường, bền vững hoặc đạo đức của một sản phẩm tài chính hoặc chiến lược đầu tư. Hiện luật pháp của Australia chưa quy định hành vi vi phạm cụ thể về hành động tẩy xanh hoặc ESG. Các biện pháp can thiệp đối với hành vi "tẩy xanh" chủ yếu dựa trên việc cưỡng chế thực thi các nghĩa vụ pháp lý hiện hành áp dụng cho các đối tượng chịu sự quản lý của ASIC – chủ yếu là cấm các hành vi gây hiểu lầm và lừa dối.

Các nhóm hành vi chính mà ASIC đã can thiệp liên quan đến: Đưa ra các tuyên bố và mục tiêu về giảm phát thải ròng về 0 (Net zero) không có cơ sở hợp lý hoặc không chính xác; Sử dụng các thuật ngữ như “trung hòa các-bon”, “sạch” hay “xanh” không có cơ sở hợp lý; Phóng đại hay áp dụng không nhất quán các tiêu chí đầu tư liên quan đến tính bền vững; Sử dụng các thuật ngữ dán nhãn không chính xác hoặc không rõ ràng trong quỹ đầu tư liên quan đến bền vững. Kết quả của hoạt động cưỡng chế thực thi quy định về hành vi “Tẩy xanh” tại Australia được ông Ben Phillips chia sẻ tại Hội thảo là yêu cầu các công ty niêm yết rút lại hoặc làm rõ các tuyên bố về giảm phát thải ròng về 0 hay các thuật ngữ mang tính thân thiện với môi trường trong các tài liệu công bố thông tin và các thông báo trên thị trường. Ngoài ra, các công ty quản lý các quỹ phải công bố thông tin bổ sung về sản phẩm để làm rõ phạm vi, quy trình đưa ra các tiêu chuẩn đầu tư của mình.

Phạm Hương
(Tạp chí chứng khoán)
Tìm kiếm