ĐIỂM SÁNG 2013 VÀ THÁCH THỨC 2014

15/01/2014 09:00
Lượt xem: 450
Nhìn lại năm 2013, bức tranh kinh tế Việt Nam mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng có những điểm sáng. Đó là kinh tế vĩ mô cơ bản giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi dần, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất khẩu tăng nhanh, cân đối thương mại theo hướng tích cực...… Tuy nhiên, trên bình diện vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức mà chúng ta tiếp tục phải đối mặt trong năm 2014.

Điểm sáng năm 2013

Bước vào năm 2013, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng từ những yếu tố không thuận khi kinh tế thế giới đang phục hồi trở lại sau suy thoái nhưng triển vọng chưa vững chắc, nhất là đối với các nền kinh tế phát triển. Ở trong nước, những khó khăn, bất cập chưa được giải quyết đã gây áp lực lớn cho sản xuất kinh doanh như: Hàng tồn kho ở mức cao, sức mua yếu, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở mức đáng lo ngại, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể... 

Mặc dù vậy, nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là về những tháng cuối năm. Theo đó, tính chung cả năm 2013, kinh tế Việt Nam cũng đạt được những kết quả tương đối khả quan. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012, trong đó quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5%; quý III tăng 5,54%; quý IV tăng 6,04%. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định: “Trong bối cảnh kinh tế thế giới những năm qua có nhiều bất ổn, sản xuất trong nước gặp khó khăn, lạm phát tăng cao, Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp thực hiện ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên đây là mức tăng hợp lý”. 

Trong mức tăng 5,42% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,67%, xấp xỉ mức tăng của năm trước, đóng góp 0,48 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,43%, thấp hơn mức tăng 5,75% của năm trước, đóng góp 2,09 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,56%, cao hơn mức tăng 5,9% của năm 2012, đóng góp 2,85 điểm phần trăm. 

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tuy mức tăng chung của ngành công nghiệp không cao (5,35%) nhưng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá ở mức 7,44% (năm 2012 tăng 5,80%) đã tác động đến mức tăng chung. Ngành xây dựng mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn nhưng đạt mức tăng 5,83%, cao hơn nhiều mức tăng 3,25% của năm trước cũng là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế năm nay. 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 12/2013 ước tính tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2013, IIP ước tính tăng 5,9% so với năm trước, cao hơn mức tăng của năm 2012. Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng dẫn đến tồn kho giảm dần. Mặc dù mức giảm chưa nhiều nhưng đây là tín hiệu tốt đối với sản xuất công nghiệp trong thời gian tới.

Về xuất khẩu hàng hóa, năm 2013, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012.  Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2013 đạt 131,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Cũng như hoạt động xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) những năm gần đây có xu hướng tăng mạnh và kim ngạch chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch nhập khẩu. 

Tính chung cả năm 2013, xuất siêu đạt 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,1 tỷ USD; khu vực có vốn ĐTNN xuất siêu gần 14 tỷ USD. Như vậy xuất siêu năm nay hoàn toàn thuộc về khu vực ĐTNN. 

Năm 2013, ngành Tài chính thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong điều kiện phát sinh nhiều khó khăn. Tính đến ngày 31/12/2013, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm (kể cả ghi thu - ghi chi ngoài dự toán) đã vượt qua mốc 100% dự toán (loại trừ số ghi thu - ghi chi, thì thu cân đối đạt khoảng trên 97% dự toán), tăng thêm trên 16.000 tỷ đồng so với con số đã báo cáo Quốc hội. Ngành Tài chính đảm bảo giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã cho phép điều chỉnh là 5,3% GDP. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng trước đó và tăng 6,04% so với tháng 12/2012, bình quân năm 2013, CPI tăng 6,6%. Đây là năm có CPI tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. 

Sức ép cho 2014

Mặc dù trong năm 2013, tình hình kinh tế đã được cải thiện hơn so với năm 2012 nhưng tốc độ phục hồi còn chậm và chưa vững chắc khi vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, những yếu kém nội tại vẫn chưa được giải quyết triệt để, những điểm nghẽn lớn của nền kinh tế vẫn còn tồn tại. Đây thực sự là thách thức cho kinh tế Việt Nam trong năm 2014 này. Xuất khẩu mặc dù có nhiều cải thiện nhưng ưu thế thuộc về khu vực có vốn ĐTNN với những mặt hàng gia công là chủ yếu, giá trị gia tăng thấp… Đây là khu vực làm giảm mức nhập siêu của nền kinh tế trong hai năm trở lại đây. Theo GS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phát triển tốt, hỗ trợ xuất khẩu hỗ trợ tăng trưởng nhưng cũng có thể làm lệch lạc cơ cấu kinh tế trong khi đường lối của chúng ta là phát huy nội lực. 

Mặt khác, kim ngạch nhập khẩu giảm, nhất là giảm trong nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào đã cho thấy hoạt động sản xuất còn chưa thực sự hồi phục. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu của nước ta vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài do ngành công nghiệp phụ trợ còn quá yếu.

Cân đối ngân sách còn khó khăn trong điều kiện tốc độ phục hồi của sản xuất kinh doanh trong nước còn chậm. Lãi suất giảm nhưng việc tiếp cận vốn vẫn khó khăn. Mặc dù đã có những tín hiệu tốt, tăng trưởng tín dụng vào những tháng cuối năm 2013 có những cải thiện rõ rệt nhưng hoạt động ngân hàng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ lệ nợ xấu dù đã có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao; chất lượng tín dụng chưa thực sự được cải thiện; nợ xấu chưa được phân loại và đánh giá đầy đủ, chính xác. Các ngân hàng muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, doanh nghiệp cũng mong tiếp cận được nguồn vốn, thế nhưng cung cầu vẫn không thể gặp nhau.

Hàng tồn kho tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao. Từ đầu năm 2013, tỷ lệ tồn kho luôn ở mức cao trên 70% mặc dù đã có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, tỷ lệ tồn kho ở mức an toàn trong điều kiện sản xuất và tiêu thụ bình thường là khoảng 65%. Lạm phát thấp có một phần nguyên nhân do tổng cầu yếu. 

Theo TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chỉ ra rằng, tiêu dùng chưa thể cải thiện ngay trong năm 2014. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa, trong khi lãi suất khó có thể giảm hơn nữa bởi nếu giảm nữa có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Chương trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng năng suất của nền kinh tế chưa thể cải thiện ngay trong một hai năm tới, nhất là năng suất của khu vực nông nghiệp đang phải đối mặt với quy luật năng suất cận biên giảm dần. 

Trong năm 2013, kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có chuyển biến 
tích cực, song theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thì ổn định kinh tế vĩ mô còn thiếu vững chắc. Thách thức lớn nhất đối với ổn định kinh tế vĩ mô là từ khu vực tài khóa với thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao, có thể tác động đến thị trường tiền tệ, qua đó tác động đến lạm phát. Với những khó khăn kể trên, TS. Vũ Viết Ngoạn cho rằng, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm 2014 cần có sự cố gắng rất lớn của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp. Hiệu lực chính sách điều hành sẽ là nhân tố quan trọng tạo bước đi vững chắc cho Việt Nam giai đoạn sắp tới.

Chia sẻ quan điểm này, TS. Võ Trí Thành cho rằng, lựa chọn chính sách của Chính phủ năm 2014 là củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, và với thông điệp đó, cần có những nỗ lực nhất định để từng bước phục hồi nền kinh tế, đồng thời tăng cường thực hiện chương trình tái cấu trúc nền kinh tế. Đây thực sự là thời khắc hệ trọng đối với Việt Nam. “Thực tiễn đang đòi hỏi cơ chế mới, đang thúc đẩy sự thay đổi rất mạnh về thể chế và đòi hỏi cách làm mới. Phải thực sự đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế, phân bổ lại nguồn lực” - TS. Trần Đình Thiên  khẳng định. Trong hai năm 2014 - 2015, kinh tế Việt Nam cũng có nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi khi kinh tế thế giới dự báo có sự phục hồi ổn định. Theo nhóm nghiên cứu của Ban phân tích dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng thương mại thế giới năm 2014 dự báo đều đạt mức tăng đáng kể so với năm 2013. Vốn ĐTNN vào Việt Nam nhiều khả năng khả quan hơn do sự phục hồi nhẹ của dòng vốn thế giới. Ở trong nước, các chính sách hỗ trợ sản xuất được thúc đẩy, phát huy hiệu quả, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, dòng vốn được khai thông,… sẽ thúc đẩy sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế. 

Trong phiên họp cuối năm 2013, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác chỉ đạo, điều hành năm 2013 còn có mặt hạn chế, yếu kém; phải khẩn trương khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Tin tưởng rằng, khi đã nhận thấy được điểm mạnh - yếu và quyết tâm tái cơ cấu thì sẽ tìm được hướng đi phù hợp, theo đó nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tạo tiềm lực cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo

Nguyễn Thanh
Tìm kiếm