UPCoM – “Viên ngọc thô” cần được gọt giũa

29/08/2024 06:00
Thị trường UPCoM – thị trường giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết, mặc dù chỉ được coi là nơi quy tụ các cổ phiếu với chất lượng không cao, hoặc các cổ phiếu bị hủy niêm yết phải “xuống hạng” cùng thanh khoản và vốn hóa thua kém HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh) và HNX (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội), nhưng hiện tại mọi thứ đã có sự thay đổi trên sàn UPCoM...

Các cổ phiếu trên UPCoM được ví như những “viên ngọc thô” khi được nhà đầu tư ngày càng quan tâm săn đón, đặc biệt là những cổ phiếu của những doanh nghiệp có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên “viên ngọc thô” đó cũng cần phải được gọt giũa, để hấp dẫn hơn và tạo niềm tin cho công chúng đầu tư. Phóng viên của Tạp chí Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán (TTCK), ông Chu Tuấn Linh, Tiến sĩ Kinh tế, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, để có một góc nhìn rõ hơn về thị trường này.

Ông Chu Tuấn Linh, Tiến sĩ Kinh tế, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi.

 

PV: Là nhà đầu tư đã tham gia TTCK lâu năm, theo góc nhìn của ông, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của thị trường UPCoM những năm vừa qua? Mức độ hấp dẫn và rủi ro của thị trường này là gì?

Ông Chu Tuấn Linh: Theo tôi, hoạt động của thị trường UPCoM  là rất cần thiết bên cạnh hai sàn niêm yết chính là HOSE và HNX. Điều này tạo thêm cơ hội, sân chơi, hàng hóa cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó cũng tạo điều kiện được giao dịch cổ phiếu tập trung cho các công ty chưa đủ điều kiện niêm yết hoặc các công ty bị hủy niêm yết bắt buộc, giúp giao dịch thuận tiện, cũng như giảm sự quá tải, áp lực đối với hai sàn niêm yết chính.

Về tính hấp dẫn thì mỗi nhà đầu tư có khẩu vị khác nhau nên tùy nhà đầu tư sẽ nhìn nhận cổ phiếu ở sàn nào hấp dẫn hơn. Theo tôi thì cổ phiếu ở thị trường UPCoM do chưa đủ điều kiện niêm yết nên nhiều công ty vẫn đang trong giai đoạn phát  triển, nên tiềm năng cũng rất lớn, có thể kỳ vọng đầu tư để hưởng lợi suất cao hơn theo nguyên tắc rủi ro cao đi kèm với lợi nhuận cao (high risk, high return). Bên cạnh đó, mức biên độ giá cổ phiếu lớn hơn so với hai thị trường niêm yết chính thức cũng mang lại tiềm năng tăng giá lớn hơn. Đặc biệt, các cổ phiếu ở thị trường UPCoM còn có cơ hội mang lại từ tiềm năng chuyển sang niêm yết trên hai thị trường niêm yết chính thức là HOSE và HNX.

Còn rủi ro của UPCoM  thì do các cổ phiếu chưa đủ điều kiện niêm yết nên chắc chắn các cổ phiếu trên UPCoM cũng có rủi ro cao hơn so với các thị trường niêm yết chính thức. Một rủi ro nữa là thị trường giao dịch tập trung có tiêu chuẩn giao dịch thấp nhất và tiêu chuẩn thấp hơn HOSE và HNX nên nếu cổ phiếu bị hủy giao dịch thì sẽ phải chuyển qua giao dịch OTC gây rủi ro và rất khó khăn cho giao dịch đối với nhà đầu tư.

PV: Mặc dù có khá nhiều rủi ro nhưng cũng có ý kiến cho rằng sàn UPCoM cũng rất hấp dẫn với biên độ lớn và các cổ phiếu trên thị trường này giống như những viên ngọc thô chưa được gọt giũa. Ý kiến của ông về nhận định này như thế nào?

Ông Chu Tuấn Linh: Lâu nay, sàn UPCoM vẫn bị nhiều nhà đầu tư lãng quên, phần vì chất lượng hàng hoá về tổng thể thua kém so với sàn HOSE, phần vì biên độ biến động của sàn này quá lớn, lên đến 15%/phiên, khiến nhà đầu tư khó kiểm soát rủi ro. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng mức rủi ro cao hơn đi kèm với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn chính là đặc trưng nhưng cũng mang lại tính hấp dẫn của thị trường UPCoM đối với một bộ phận phân khúc nhà đầu tư. Các cổ phiếu trên UPCoM chưa đủ điều kiện để niêm yết, do đó cũng mang lại rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai và các cơ hội đến từ việc chuyển sàn niêm yết.

Cơ hội lớn như vậy nhưng điều quan trọng là các nhà đầu tư cần có năng lực để nhận ra cổ phiếu nào có nhiều tiềm năng phát triển và có cơ hội chuyển sàn trong thời gian ngắn. Do đó, mặc dù cơ hội có nhiều, nhưng do số lượng cổ phiếu trên thị trường này là rất nhiều nên cũng không dễ để tìm ra cổ phiếu tiềm năng và kịp thời tận dụng cơ hội đầu tư. Các nhà đầu tư cần tránh ngộ nhận việc toàn bộ thị trường UPCoM đều mang lại cơ hội lớn mà chỉ có một số cổ phiếu mới đúng là những viên ngọc thô thật sự, và nhà đầu tư cần có kỹ năng đầy đủ mới có thể nhận ra được.

PV: Vậy theo ông, để thị trường UPCoM hấp dẫn hơn nữa, an toàn hơn nữa thì cần giải pháp như thế nào?

Ông Chu Tuấn Linh: Theo tôi, để thị trường UPCoM hấp dẫn và an toàn hơn nữa thì vai trò rất lớn nằm ở các cơ quan thẩm định đăng ký giao dịch và thanh tra giám sát đối với thị trường này. Các đơn vị thẩm định cần đảm bảo đúng các nguyên tắc, các cổ phiếu đạt đủ tiêu chuẩn đã đưa ra thì mới được lên giao dịch trên UPCoM.

Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra, giám sát cũng cần phát huy vai trò của mình, thường xuyên sàng lọc để kịp thời phát hiện các hành vi thao túng, hoặc các cổ phiếu không còn đủ điều kiện được giao dịch để có biện pháp xử lý kịp thời, bảo vệ nhà đầu tư.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Nếu như cuối năm 2013, vốn hóa sàn UPCoM chưa bằng 1/4 sàn HNX, chỉ ở mức gần 26.000 tỷ đồng thì đến năm 2016 đã tăng vọt lên hơn 300.000 tỷ đồng, gấp đôi sàn HNX. Tại thời điểm cuối tháng 7/2024, tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường đạt 876 doanh nghiệp, giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 440 nghìn tỷ đồng. Giá trị vốn hóa thị trường tại ngày cuối tháng 7/2024 đạt hơn 1.491 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và lên giao dịch trên UPCoM, với nhiều tên tuổi “đình đám” như  Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEA),  Vietnam Airlines (HVN), Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), Becamex (BCM), Việt Tiến (VGG), Vinatex (VGT), Viettel Post (VTP), Viettel Global, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), PV Oil (OIL), VIMC (MVN)… Một vài mã cổ phiếu đã chuyển niêm yết sang HOSE, nhưng đa phần vẫn còn ở lại UPCoM và là trụ cột của sàn. Ngoài nhóm doanh nghiệp nhà nước, sàn UPCoM còn đón thêm nhiều doanh nghiệp “khủng” khối tư nhân, có thể kể đến như Masan Consumer, Masan High-Tech Materials (MSR), Masan MEATLife (MML), Gelex Electric (GEE), Đường Quảng Ngãi (QNS), Thủy sản Minh Phú (MPC), Gỗ An Cường (ACG) hay “kỳ lân” công nghệ VNG (VNZ),… Những cái tên này cũng đã góp phần thúc đẩy giao dịch trên UPCoM thêm phần sôi động.

Huyền Trang
(Tạp chí Chứng khoán)
Tìm kiếm