Phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến giám sát tăng cường thực thi pháp luật trên thị trường chứng khoán

19/08/2024 15:22
Nhằm góp phần ổn định hoạt động và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) lành mạnh, hiệu quả, thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát TTCK. Tạp chí Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Hương - Chánh Thanh tra UBCKNN về công tác thanh, kiểm tra của UBCKNN trong thời gian qua và những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trên TTCK trong thời gian tới.

Bà Phạm Thị Thanh Hương

PV: Thưa bà, bà có thể cho biết một số kết quả nổi bật của Thanh tra UBCKNN trong 6 tháng đầu năm 2024?

Bà Phạm Thị Thanh Hương:  Thời gian qua, Lãnh đạo UBCKNN đã chỉ đạo quyết liệt trong tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật trên TTCK.

Mặc dù các đoàn thanh kiểm tra theo kế hoạch năm thường bắt đầu từ quý II/2024 sau khi các doanh nghiệp hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 nhưng đến tháng 6/2024, UBCKNN đã triển khai 14 đoàn thanh tra kiểm tra, gồm 06 đoàn thanh tra theo kế hoạch, 08 đoàn kiểm tra theo kế hoạch/đột xuất.

Trên cơ sở kết quả giám sát thường xuyên của UBCKNN và các Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), kết quả triển khai thanh kiểm tra, trong 6 tháng đầu năm 2024, UBCKNN đã ban hành 296 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt 37,5 tỷ đồng. Cùng với hình thức xử phạt bằng tiền, các đối tượng vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử lý: Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 02 tháng đến 4,5 tháng đối với 04 trường hợp vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin (CBTT) khi giao dịch của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 21 tháng đối với 01 trường hợp người hành nghề thực hiện hành vi bị cấm về giao dịch thao túng; Áp dụng Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cải chính hoặc hủy bỏ thông tin đối với 05 trường hợp vi phạm CBTT sai lệch, buộc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch đối với 02 trường hợp vi phạm nghĩa vụ đăng ký giao dịch.

Ngoài các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, trong 6 tháng đầu năm 2024, UBCKNN đã áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm theo Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định số 155/2020/NĐ-CP) đối với 06 cá nhân thực hiện hành vi thao túng TTCK và 32 cá nhân thực hiện hành vi cho mượn tài khoản dẫn đến hành vi thao túng TTCK bằng biện pháp cấm giao dịch có thời hạn, cấm đảm nhiệm chức vụ tại CTCK, công ty quản lý quỹ có thời hạn từ 2 - 3 năm.

UBCKNN cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật thông qua công tác trao đổi thông tin, cung cấp hồ sơ, tài liệu, dữ liệu theo yêu cầu của các cơ quan điều tra; thực hiện các biện pháp phong tỏa, ngăn chặn giao dịch trên tài khoản chứng khoán của các bị can trong các vụ án; trao đổi thông tin về các vụ việc để tăng cường phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm...

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Lãnh đạo UBCKNN, sự phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến giám sát và đẩy mạnh hoạt động xác minh, thanh kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật đã góp phần tăng cường thực thi pháp luật trên TTCK.

PV: Với những sai phạm xảy ra thời gian qua, nguyên nhân chủ yếu là gì, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Các vụ việc vi phạm trên TTCK thời gian qua cho thấy vi phạm có xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân khách quan là do một số doanh nghiệp gặp khó khăn về hoạt động, cắt giảm nhân sự dẫn tới không có đủ nguồn lực để thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp, bao gồm nghĩa vụ báo cáo, CBTT theo quy định. Về nguyên nhân chủ quan, một bộ phận tổ chức, cá nhân tham gia TTCK có ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao; các cá nhân, tổ chức mới tham gia TTCK thiếu hiểu biết về pháp luật chứng khoán, dẫn đến không nắm rõ hoặc không biết phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định, có cá nhân/tổ chức hiểu chưa đúng quy định dẫn đến có thực hiện nghĩa vụ nhưng chưa đầy đủ, chưa đúng theo quy định nên vẫn vi phạm.

Thời gian qua, để tăng cường phòng ngừa, răn đe vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, hệ thống chế tài xử lý vi phạm đã được ban hành đầy đủ, nâng cao mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Hệ thống chế tài xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, hiện nay là Nghị định số 156/2020/NĐ-CP1 và Nghị định số 128/2021/NĐ-CP2. Theo đó quy định mức phạt tiền tối đa đến 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 03 tỷ đồng đối với tổ chức và 05 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác, mức phạt có thể tối đa đến 03 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. So với chế tài xử phạt hành chính trước đây và với một số lĩnh vực khác thì mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán cao hơn khá nhiều (mức phạt tiền tối đa trước đây trong lĩnh vực chứng khoán và mức phạt tiền tối đa hiện nay trong nhiều lĩnh vực đối với tổ chức là 02 tỷ đồng, đối với cá nhân là 01 tỷ đồng).

Về chế tài xử lý hình sự, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 đã quy định hành vi và hình phạt đối với 04 tội phạm về chứng khoán. Cá nhân phạm tội bị các hình phạt: phạt tiền, cải tạo không giam giữ có thời hạn, phạt tù có thời hạn, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có thời hạn.

Ngoài chế tài xử phạt hành chính, chế tài xử lý hình sự, Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP đã quy định các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn TTCK trong phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK, theo đó cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bị nghiêm cấm như hành vi thao túng TTCK thì ngoài bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như cấm thực hiện một hoặc một số hoạt động về chứng khoán và TTCK, cấm đảm nhiệm chức vụ tại CTCK, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn từ 2 - 5 năm; trường hợp đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà tiếp tục thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán thì bị cấm vĩnh viễn.

PV: Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Để hạn chế vi phạm, cần thiết giải pháp hướng tới giảm thiểu nguyên nhân dẫn tới vi phạm. Thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý răn đe vi phạm, theo đó:

- Giải pháp về cơ chế chính sách: trên cơ sở phát triển của thị trường, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật chứng khoán, tạo cơ sở đầy đủ, rõ ràng cho các hoạt động chứng khoán, quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân tham gia TTCK; một mặt giúp các tổ chức, cá nhân nắm rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình; mặt khác giảm rủi ro vi phạm trong quá trình thực hiện các hoạt động chứng khoán.

- Giải pháp về thông tin, tuyên truyền: UBCKNN tiếp tục phối hợp với các SGDCK, các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế chính sách mới để các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường biết, thực hiện đúng, giảm thiểu vi phạm do không nắm được quy định; thông tin thường xuyên về việc xử lý các vụ việc vi phạm để cảnh báo đến thị trường.

- Giải pháp về tăng cường giám sát, thực thi pháp luật:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát tại các tuyến giám sát từ SGDCK đến UBCKNN đối với việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia TTCK.

Tăng cường phối hợp giữa UBCKNN với các lực lượng công an trong xác minh, làm rõ các vụ việc vi phạm pháp luật trên TTCK, điều tra xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Thời gian qua, nhiều vụ án khởi tố trên TTCK có sự phối hợp chặt chẽ từ UBCKNN với các cơ quan công an, từ việc cung cấp kết quả giám sát, kiểm tra, thông tin, dữ liệu, tài liệu đến trao đổi xác định tính chất vụ việc, làm rõ thông tin, phối hợp tham gia giám định vụ việc. Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa UBCKNN với cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm thao túng, vụ việc vi phạm có tính chất phức tạp.

PV: Được biết UBCKNN hiện đang xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và Nghị định số 128/2021/NĐ-CP, bà có thể cho biết một số thay đổi đáng chú ý trong Nghị định mới này?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Thời gian qua, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và Nghị định số 128/2021/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK, bảo đảm thực thi Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn, kịp thời giải quyết vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK.

Tuy nhiên, hiện nay, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán đang được đề xuất sửa đổi, bổ sung. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi, chế tài xử phạt tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán để đảm bảo thực thi các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, năm 2022, Luật Phòng, chống rửa tiền mới đã được ban hành, cùng với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống khủng bố với các quy định mới về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, nhiều điều khoản đã thay đổi nên cần thiết phải nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các hành vi phù hợp với thực tiễn hoạt động thị trường, thống nhất với quy định pháp luật mới, thống nhất với các quy định xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng3 (Nghị định số 88/2019/NĐ-CP và Nghị định số 143/2021/NĐ-CP4). Mặt khác, quá trình thi hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và Nghị định số 128/2021/NĐ-CP đến nay cũng cho thấy một số quy định về mức xử phạt, hình thức xử phạt bổ sung qua thực tiễn xử phạt cần rà soát, đánh giá việc sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tính chất, mức độ của một số hành vi vi phạm hành chính.

Do vậy, vừa qua, UBCKNN đã báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và được đồng ý về việc bổ sung Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và Nghị định số 128/2021/NĐ-CP vào Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ. Hiện nay, UBCKNN đang tập trung xây dựng dự thảo Nghị định trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ, triển khai các thủ tục thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Phạm Hương
(Tạp chí Chứng khoán, số 310)
Tìm kiếm