TỔNG QUAN DIỄN BIẾN THÔNG TIN TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ VIỆT NAM 2013

15/01/2014 09:00
Lượt xem: 429

Thị trường tiền tệ - ngân hàng

Trong năm 2013, chính sách tiền tệ (CSTT) đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành nhất quán, kiên định, linh hoạt, phù hợp với diễn biến của kinh tế vĩ mô. Theo đó, công tác điều hành CSTT trong năm qua đã đạt được những kết quả nổi bật và rõ nét trong việc ổn định giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Nổi bật nhất là lạm phát được giữ ổn định trong suốt cả năm 2013, đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% của Chính phủ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2013 đạt mức 6,6%, thấp hơn nhiều so với mức 9,21% của năm 2012.

Cùng với việc lạm phát được kiềm chế, mặt bằng lãi suất giảm cũng là một trong những kết quả đáng ghi nhận của NHNN. Trong năm 2013, NHNN đã giảm 2%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 3%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên; giảm 1% lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi và từ ngày 27/6 cho phép các TCTD tự ấn định lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Như vậy, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm 2 - 5%/năm so với năm 2012 và trở về ngang bằng với mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006. 

Thanh khoản của toàn hệ thống được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng ổn định ở mức thấp, nhờ đó đã hỗ trợ giảm các mức lãi suất huy động trên thị trường dân cư. Trong quý II và quý III, nhiều ngân hàng đã áp dụng các mức lãi suất huy động dưới mức trần cho thấy khả năng tự điều chỉnh lãi suất không cần sự can thiệp của NHNN. Tuy nhiên sang quý IV, do nhu cầu vốn tăng cao vào dịp cuối năm nên hiện tượng các ngân hàng lách luật, áp dụng các mức lãi suất huy động vượt trần xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt ở các kỳ hạn dài từ 1 năm trở lên. Dù NHNN đã thả nổi lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên nhưng một số ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn áp dụng các mức lãi suất vượt trần đối với các khoản tiền lớn ở các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng (từ 7,5 - 8,5%/năm). Đây chủ yếu là các ngân hàng yếu, thiếu vốn, nợ xấu và nợ mất vốn cao nên buộc phải tăng lãi suất huy động để bù đắp và đảm bảo thanh khoản cuối năm. Người gửi tiền cũng có ý thức hơn về sức khỏe tài chính của các ngân hàng nên thường không có xu hướng gửi tiền vào các NHTM nhỏ dẫn đến việc huy động vốn ở các ngân hàng này trở nên khó khăn hơn. Ngoài việc cộng thêm lãi suất cho khách gửi tiền (kể cả tiền VNĐ hay USD), các ngân hàng còn áp dụng nhiều chương trình khuyến mại với giải thưởng mang giá trị lớn để thu hút khách hàng mới cũng như giữ chân khách hàng cũ. Hiện tượng này vẫn liên tục xảy ra và có chiều hướng gia tăng vào giai đoạn cuối năm cho thấy sự chưa ổn định thực sự của hệ thống ngân hàng. Tình trạng dư thừa vốn chỉ xảy ra ở một số ngân hàng lớn vì thực tế hiện nay cho thấy nhiều ngân hàng vẫn phải tăng huy động vốn để trả cho khách hàng đã gửi tiền trước đó cũng như thanh toán các khoản công nợ đến hạn và bù đắp lại việc bị thâm hụt tài sản do nợ xấu. 

Diễn biến tích cực của mặt bằng lãi suất đi cùng với chính sách tín dụng được điều hành linh hoạt. Lãi suất cho vay mới ở kỳ hạn ngắn chỉ còn 8 - 9%/ năm, những doanh nghiệp có tài chính lành mạnh được vay với lãi suất từ 6,5 - 7%/ năm, những khoản vay cũ lãi suất cũng giảm về dưới 13%/năm và đây là những mức giảm nhiều so với giai đoạn đầu năm. Tăng trưởng tín dụng được cải thiện, tập trung vào tháng cuối cùng của năm; cơ cấu tín dụng chuyển dịch đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên (sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ...) và chất lượng tín dụng được nâng lên; nợ xấu từng bước được xử lý với tốc độ gia tăng bình quân giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lần lượt đạt 7,45% (ngày 25/11), 8,83% (ngày 12/12) và tăng lên hơn 11% (ngày 27/12), tiến sát tới mục tiêu 12% được đặt ra cho cả năm 2013. Công ty Quản lý Tài sản của các TCTD (VAMC) đã mua được trên 36.000 tỷ đồng nợ xấu từ các TCTD (chiếm 1% so với tổng dư nợ đầu năm) và nếu không trừ các khoản nợ xấu đã mua này thì tăng trưởng tín dụng đã vượt mức chỉ tiêu. 

Cùng với việc điều chỉnh lãi suất, NHNN cũng sử dụng các công cụ cung tiền hợp lý như thị trường mở, mua vào ngoại tệ… nên ngoài việc kiểm soát lạm phát thành công, CSTT trong năm nay còn giải quyết được những vấn đề nội tại tiềm ẩn của ngành Tài chính như chống hiện tượng đôla hóa, vàng hóa.

Mặc dù đã đạt những kết quả nổi bật nêu trên nhưng hoạt động ngân hàng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao; chất lượng tín dụng chưa thực sự được cải thiện; nợ xấu chưa được phân loại và đánh giá đầy đủ, chính xác; hiệu quả kinh doanh của các TCTD thấp so với các năm trước đây; chênh lệch giữa lãi suất đầu ra và lãi suất đầu vào giảm trong khi chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh do chất lượng tài sản giảm sút. 

Trước những kết quả tích cực trong việc điều hành CSTT tín dụng năm 2013, sang năm 2014 NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo hướng linh hoạt lãi suất ngang với mặt bằng lãi suất năm 2013 và sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm trong trường hợp CPI giảm để phù hợp với thị trường và tạo thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 cũng được đặt ra ở mức 12 - 14% cho thấy kỳ vọng của NHNN vào sự phục hồi của nền kinh tế. Việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC cũng là một nhân tố tích cực để thúc đẩy tín dụng trong năm sau. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng vẫn cần phải đặt lên ưu tiên hàng đầu để đảm bảo không để nợ xấu phát sinh đồng thời với việc xử lý nợ xấu. Và khi lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, bền vững, hệ thống ngân hàng được điều chỉnh và cơ cấu lại thì khả năng về tự do hóa lãi suất rất có thể sẽ xảy ra trong năm 2014. Đây chính là tiền đề để phát triển hệ thống ngân hàng lành mạnh trong nhiều năm tới.

 

Thị trường ngoại hối

Trong năm 2013, các giải pháp của NHNN về điều hành tỷ giá đã góp phần rất quan trọng trong việc ổn định thị trường ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối cho Nhà nước. NHNN đã đề ra mục tiêu duy trì tỷ giá trong biên độ không quá 2 - 3%, điều hành chặt chẽ theo tín hiệu thị trường, phù hợp với các cân đối vĩ mô và cán cân thanh toán quốc tế, thực hiện các biện pháp tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước và chống đô la hóa trong nền kinh tế (xem Biểu đồ 1). 

Tại một số thời điểm trong năm 2013, áp lực tỷ giá tăng nhẹ theo diễn biến trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế, phản ánh đúng quy luật vận động của tỷ giá. Trong đó, đợt tăng giá dài nhất xuất hiện vào quý II/2013, khi các NHTM phải tất toán trạng thái vàng theo hạn chót vào ngày 30/6/2013, chấm dứt nghiệp vụ huy động và cho vay bằng vàng. Cũng trong thời gian này, lãi suất tiền gửi VNĐ tiếp tục giảm, một số người có xu hướng găm giữ USD hơn là VNĐ và những tài sản khác. Tuy nhiên, ngày 27/6/2013, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% lên mức 21.036 VNĐ/USD, sau hơn một năm ổn định ở mức 20.828 VNĐ/USD. Sau thời gian đó, nhu cầu USD tại các NHTM bắt đầu có xu hướng giảm.

Trong những ngày cuối năm 2013, giá USD tại các NHTM ổn định quanh mức 21.140 VNĐ/USD. Tỷ giá ổn định đã góp phần tích cực trong việc ổn định lạm phát, thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN), tăng dự trữ ngoại hối. Như vậy, nhờ chính sách ổn định tỷ giá và chủ động can thiệp trong trường hợp cần thiết, thị trường ngoại tệ năm 2013 giữ được sự ổn định, tỷ giá dao động trong biên độ cho phép, không có đột biến về nhu cầu ngoại tệ trên thị trường, chênh lệch tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do được thu hẹp. 

Theo thông tin từ NHNN, trong năm 2014, NHNN sẽ tiếp tục áp dụng trần lãi suất tiền gửi bằng VNĐ để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; xem xét không quy định trần lãi suất huy động khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản được cải thiện vững chắc. Cùng với đó, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối, thường xuyên rà soát số liệu dự báo cán cân thanh toán quốc tế để có cơ sở đánh giá cung - cầu ngoại tệ. Theo đó, điều hành tỷ giá phù hợp, tiếp tục khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối cho Nhà nước. Song song với đó, NHNN phối hợp chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá và lãi suất theo hướng khuyến khích nắm giữ VNĐ, hạn chế sự dịch chuyển sang USD.

 

Thị trường vàng Trong năm 2013, thị trường vàng đã dần ổn định. Quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ; sự mất cân đối về cung cầu vàng miếng trong nước đã được thu hẹp đáng kể, từ đó làm giảm tác động của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tính chung cả năm 2013, giá vàng bán ra đã giảm 11,82 triệu đồng/lượng, tương đương giảm 25,34% (xem Biểu đồ 2).

Từ ngày 28/3/2013, NHNN bắt đầu thực hiện các phiên đấu thầu vàng, thực thi vai trò là người mua bán cuối cùng, điều tiết giá. Tính đến ngày 31/12/2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu, bán được tổng cộng 1.819.900 lượng vàng, tương đương 69,9 tấn vàng ra thị trường trên tổng số 1.932.000 lượng vàng chào thầu. Hoạt động can thiệp vào thị trường vàng của NHNN không vì mục tiêu lợi nhuận mà nhằm điều tiết và quản lý nhà nước đối với thị trường. Lượng tiền thu về từ hoạt động đấu thấu vàng được dùng để mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và điều hòa lượng tiền cung ứng theo mục tiêu đề ra. 

Bên cạnh đó, việc bóc tách toàn bộ vốn vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng đã được hoàn thành trong năm 2013. Đến tháng 7/2013, các ngân hàng trong nước đã tất toán xong lượng vàng huy động. Đây là một trong những thành công lớn của chính sách đối với thị trường vàng, Thông qua Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có hiệu lực từ giữa năm 2012. Quy định này cũng góp phần khiến giá vàng không còn tác động nhiều đến tỷ giá. Việc quản lý chặt cả hoạt động kinh doanh sản xuất vàng nữ trang, thay vì chỉ tập trung vào vàng miếng như năm ngoái cũng là một điểm mới của chính sách về thị trường vàng năm 2013. Theo đó, tình trạng vàng giả, vàng kém chất lượng đang dần được loại bỏ. 

Vai trò quản lý của Nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao trong năm qua, từng bước đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân; tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng đã được kiểm soát; vàng miếng không được sử dụng làm phương tiện thanh toán, tạo tiền đề tiến tới huy động nguồn lực vàng trong dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Thị trường chứng khoán (TTCK)

Năm 2013 có thể coi là một năm giao dịch khá thành công của TTCK Việt Nam. So với cuối năm 2012, chỉ số VN Index tăng trưởng ấn tượng với con số 23%, trong khi đó, HNX Index cũng đạt mức tăng gần 19%. Sự gia tăng của các chỉ số chứng khoán trong năm 2013 đã đưa TTCK Việt Nam trở thành một trong những thị trường có sự phục hồi mạnh nhất thế giới (xem Biểu đồ 3). 

Trong quý I/2013, chỉ số tăng khá trong khi thanh khoản và tâm lý nhà đầu tư đều được cải thiện đáng kể. Việc triển khai cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ nền kinh tế là yếu tố chủ yếu kích thích thị trường trong giai đoạn này. Các quyết định hoãn, giãn, miễn, giảm thuế đã phát huy tác dụng trong việc giải quyết phần nào áp lực về tài chính của các doanh nghiệp. Việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu trong ngành ngân hàng, bất động sản (BĐS) đang được triển khai mạnh mẽ. Các quyết định có những tác động trực tiếp đến TTCK như nới rộng biên độ giao dịch tại hai sàn, rút ngắn thời gian thanh toán… cũng được thị trường đón nhận khá tích cực. Hàng loạt các thông tin hỗ trợ tích cực như vậy đã giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và kích thích được dòng tiền quay lại thị trường. Bên cạnh đó, thị trường cũng đã tiếp nhận dòng tiền khá lớn từ phía nhà ĐTNN. 

Tuy nhiên, bước sang quý II/2013, TTCK Việt Nam đã có những biến động mạnh. Cả hai chỉ số VN Index và HNX Index đều có xu hướng đi xuống trong tháng 4, phục hồi mạnh trong tháng 5 và quay đầu giảm điểm trong tháng 6. Kèm theo sự giảm điểm của cả hai chỉ số chứng khoán là sự sụt giảm mạnh về thanh khoản. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng vẫn bao trùm thị trường. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm bắt nguồn từ áp lực bán mạnh của nhà ĐTNN, tập trung hầu hết ở nhóm cổ phiếu blue-chips. Việc nhà ĐTNN chuyển sang trạng thái bán ròng đã tác động khá lớn đến sức cầu và tâm lý toàn thị trường khi mà thời gian trước đó, khối này đã liên tục mua ròng. Phản ứng khá tiêu cực trước động thái này, các nhà đầu tư trong nước đã đẩy mạnh bán ra. Cung áp đảo cầu khiến cho giá giảm mạnh ở cả ba nhóm vốn hóa. Mặt khác, từ phía nền kinh tế, thị trường vẫn trong tình trạng thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Một yếu tố khác tác động xấu lên thị trường là biến động bất thường của giá vàng trong nước. Xu hướng giảm mạnh của giá vàng đã thu hút dòng vốn lớn chảy vào kênh này thay vì đầu tư vào kênh chứng khoán. Trong giai đoạn này, hoạt động cơ cấu lại danh mục đầu tư của các Quỹ hoán đổi danh mục đầu tư (ETF) cũng diễn ra mạnh mẽ khiến dòng tiền vào thị trường bị ảnh hưởng và thiếu tính tập trung. Trong tháng 5, nằm trong xu thế đi lên của TTCK thế giới, TTCK Việt Nam cũng tăng trưởng ngoạn mục. Tính thanh khoản được cải thiện rõ rệt với sự tăng mạnh của khối lượng giao dịch (KLGD) và giá trị giao dịch (GTGD). Dòng tiền đổ vào chứng khoán được chuyển từ các kênh khác như vàng, ngoại tệ, BĐS và tiết kiệm do các kênh đầu tư này đã tỏ ra kém hiệu quả hơn chứng khoán. Với mặt bằng giá thấp, chứng khoán trở thành một lựa chọn hấp dẫn. Hơn nữa, mức cổ tức mà các công ty chi trả cũng hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm. 

Trong quý III/2013, TTCK diễn biến khá phức tạp với những phiên tăng, giảm đan xen. Xu hướng biến động chủ đạo của hai chỉ số chứng khoán là giảm điểm. Cung cầu giằng co và thanh khoản hai sàn suy giảm khá nhiều so với trước đó khi mà các nhà đầu tư đều tỏ ra thận trọng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng giá xăng và giá gas cũng tác động xấu đến niềm tin của nhà đầu tư về một sự hồi phục ngắn hạn của thị trường. Trong khi lực cầu của khối nội vẫn yếu, thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực thì lực cung lại chịu áp lực bán ra của nhà ĐTNN. Đó chính là nguyên nhân khiến cho thanh khoản của thị trường luôn ở mức thấp. Cả ba nhóm vốn hóa đều giảm mạnh, trong đó nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn giảm mạnh nhất. Tất cả các ngành đều giảm điểm mạnh, trong đó giảm mạnh nhất là ngành Bảo hiểm và Tiêu dùng. Thị trường giảm sâu liên tiếp đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên lo ngại hơn về rủi ro của thị trường. Hoạt động bán ròng của nhà ĐTNN trong tháng 8 cũng góp phần khiến cho thị trường giảm sâu.

Sang quý cuối cùng của năm 2013, mặc dù có những giai đoạn tăng giảm điểm đan xen nhau nhưng nhìn chung, diễn biến của TTCK đã tích cực hơn. Trong giai đoạn này, VN Index đạt mức cao nhất tại 511,62 điểm (ngày 3/12), trong khi đó, HNX Index cũng xác lập mức đỉnh 68,3 điểm (ngày 23/12). Cùng với sự tăng lên về mặt điểm số, tính thanh khoản của thị trường cũng được cải thiện đáng kể. KLGD và GTGD tăng khá mạnh với động lực đến từ cả nhà đầu tư trong nước và nhà ĐTNN. Nhóm cổ phiếu chứng khoán có dấu hiệu nóng lên cả về điểm số và thanh khoản do trong thời gian gần đây, thanh khoản thị trường tăng khá tốt và ổn định, tạo tiền đề cho các công ty chứng khoán có kết quả kinh doanh tốt từ hoạt động môi giới và tự doanh. Nhóm cổ phiếu BĐS là tâm điểm của thị trường trong giai đoạn này. Dòng tiền được bơm mạnh vào thị trường, kéo nhiều mã BĐS tầm trung tăng mạnh. Điều này có thể lý giải bởi mặt bằng giá của nhóm cổ phiếu này trong thời gian trước đã lùi về mức khá thấp và chưa có diễn biến tăng giá mạnh, trong khi nhiều nhóm cổ phiếu khác đã có mức tăng khá tốt trong năm. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thuộc ngành này cũng nhận được một số thông tin có tác động tích cực nhất định như việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi, hay đề xuất cho người nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam. Trong giai đoạn cuối năm, dòng tiền đã dịch chuyển dần sang nhóm cổ phiếu có chỉ tiêu cơ bản tốt. Với kỳ vọng về sự phục hồi tốt hơn của nền kinh tế trong năm tới, rõ ràng, nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt là những cổ phiếu dẫn đầu và nổi trội hơn. Trong bối cảnh BĐS, vàng và ngoại tệ sẽ ở vào thế kém hấp dẫn nhà đầu tư trong năm 2014, thì kênh chứng khoán được kỳ vọng sẽ là kênh đầu tư hút tiền mạnh mẽ. Khi dòng tiền ít có cơ hội đầu tư vào BĐS, vàng và ngoại tệ, thì cùng với tín hiệu kinh tế vĩ mô đang ngày một tích cực hơn, nhiều khả năng chứng khoán sẽ là kênh đầu tư hút tiền mạnh nhất trong năm 2014. Nhìn ở một góc độ cụ thể hơn, các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên cả hai Sở Giao dịch Chứng khoán đang có những tín hiệu phục hồi tốt khi mà số lượng doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ giảm dần và số lượng doanh nghiệp kinh doanh có lãi có xu hướng tăng. Hàng tồn kho của các DNNY cũng có xu hướng giảm. Thời gian tới, diễn biến kinh tế chung có thêm tín hiệu tích cực, bức tranh lợi nhuận của DNNY sáng sủa hơn sẽ là những yếu tố căn bản giúp TTCK Việt Nam trong năm 2014 nhiều khả năng sẽ sôi động, tăng trưởng tốt hơn năm 2013

 

Phòng Phân tích & Dự báo Thị trường
Tìm kiếm