TÂM LÝ BỊ THỬ THÁCH

08/11/2018 17:17
Thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 10 chìm trong sắc đỏ với 15 trong tổng số 23 phiên giao dịch sụt giảm. Đặc biệt, vào cuối tháng 10, chỉ số VN Index trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) đã có chuỗi 9 phiên giảm điểm liên tiếp, mất tổng cộng 82,91 điểm. Tính chung trong tháng 10, VN Index mất hơn 100 điểm, đồng thời HNX Index trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng giảm 10,93 điểm. Vốn hóa thị trường bốc hơi gần 400.000 tỷ đồng trên cả hai sàn, kèm theo đó là các mã cổ phiếu trụ cột cũng sụt giảm với biên độ lớn.

Diễn biến chung của TTCK cơ sở

Diễn biến giao dịch trong phiên đầu tiên của tháng 10 đã trái ngược với nhận định của giới phân tích khi chìm trong sắc đỏ trước áp lực chốt lời của các nhà đầu tư. Các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán nhìn chung đều bị bán mạnh, ngoại trừ một vài cổ phiếu ngược dòng đáng chú ý như STB, HDB, EIB, HCM, BVS, BSI, VIB... đã khiến VN Index giảm 4,25 điểm.

Mặc dù TTCK duy trì được sắc xanh trong 3 phiên giao dịch liên tiếp sau đó (phiên ngày 2, 3, 4/10), nhưng thị trường phải trải qua các nhịp giằng co liên tục trước tâm lý chốt lời của nhà đầu tư đã khiến nhiều nhóm cổ phiếu giảm điểm. Các bảng giao dịch điện tử tràn ngập sắc đỏ và thanh khoản thị trường kém đã kéo chỉ số VN Index sụt giảm liên tiếp từ phiên 5/10 đến 11/10 (ngoại trừ phiên 9/10 VN Index tăng nhẹ 0,07%). Điển hình cho sự đảo chiều trong cung đoạn này là phiên giao dịch 11/10, khi chỉ số VN Index giảm tới 48,07 điểm, tương đương 4,84% so với phiên liền trước, VN Index sụt xuống dưới ngưỡng 950 điểm, thị trường đóng cửa ở mức 945,89 điểm. Cũng trong phiên này, trên sàn HNX, chỉ số HNX Index giảm 6,59 điểm tương đương 5,79% về mức 107,17 điểm.

Phiên giao dịch ngày 12/10 thị trường có sự hồi phục khá mạnh nhưng cũng chưa thể xóa tan đi nỗi lo sợ của các nhà đầu tư trước sự sụt giảm của TTCK trong nước, cũng như diễn biến sụt giảm mạnh của các TTCK trong khu vực châu Á khác như: Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông. Chính vì vậy, tại phiên giao dịch ngày 15/10, VN Index lại quay đầu giảm 18,44 điểm.

Cho dù diễn biến TTCK trong hai phiên giao dịch tiếp theo (ngày 16 và 17/10) tương đối khả quan về mặt điểm số khi VN Index tăng lần lượt 11,73 và 8,23 điểm, nhưng đà tăng này vẫn chưa có được sự ủng hộ của dòng tiền mạnh thể hiện qua thanh khoản vẫn sụt giảm so với mức bình quân. Trước áp lực bán ra khá mạnh trở lại đã khiến VN Index chìm trong sắc đỏ trong 9 phiên giao dịch liên tiếp (từ phiên 18/10 đến 30/10) với tổng số điểm bị mất lên đến 82,91 điểm, VN Index đóng cửa phiên giao dịch 30/10 ở mức 888,69 điểm, mức thấp nhất kể từ hồi tháng 11 năm ngối cho đến nay.  

Tuy phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10 (ngày 31/10), VN Index đã phục hồi thêm 26,07 điểm lên 914,76 nhưng vẫn giảm 10,12% so với tháng 9 (tương đương với số điểm bị mất là 102,97 điểm), theo đó vốn hóa thị trường trên sàn HOSE giảm 9,7% so với tháng trước. Ngồi ra, nhiều phiên VN Index giảm sâu như phiên ngày 5/10 giảm 15,23 điểm, ngày 15/10 giảm 18,44 điểm, ngày 24/10 giảm 17 điểm...

Việc các chỉ số chính giảm điểm sâu trong tháng 10/2018 đã khiến hàng loạt các mã cổ phiếu lớn nhỏ giảm mạnh. Điển hình như cổ phiếu của Công ty cổ phần Vinhomes (mã VHM) giảm 18.400 đồng/cổ phiếu chỉ trong 1 tháng (tương đương mất 21,6% giá trị. Một mã cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup khác là VRE của CTCP Vincom Retail cũng mất tới 12.100 đồng/cổ phiếu từ mức 41.900 đồng/cổ phiếu xuống còn 29.800 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu của CTCP Thế giới Di động (mã MWG) cũng giảm 14.400 đồng/cổ phiếu xuống còn 112.800 đồng/ cổ phiếu… Mặc dù có kết quả kinh doanh tương đối tốt nhưng sắc đỏ vẫn phủ kín nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tháng 10. Theo đó, VCB giảm 7.400 đồng/cổ phiếu từ 63.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 55.600 đồng/cổ phiếu; CTG giảm 4.150 đồng/cổ phiếu, VPB giảm 5.400 đồng/cổ phiếu, BID giảm 5.700 đồng/cổ phiếu.

Tương tự trên HOSE, tại HNX, diễn biến thị trường cũng không nằm ngồi xu hướng giảm điểm. HNX Index đạt 101,72 điểm (ngày 31/10), giảm gần 12,4% so với phiên cuối tháng trước. Giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 190 nghìn tỷ đồng, giảm 8,5% so với thời điểm cuối tháng 9/2018. Động thái giao dịch của các nhà đầu tư có phần thận trọng hơn khiến thanh khoản không mấy tích cực. Thống kê trên HNX cho thấy, tổng KLGD đạt hơn 1,1 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 15 nghìn tỷ đồng, giảm 9,7% so với tháng trước. GTGD bình quân đạt hơn 650 tỷ đồng/phiên, giảm 9,3%. Tổng KLGD của nhóm cổ phiếu HNX30 đạt hơn 644 triệu cổ phiếu, tương ứng với GTGD đạt gần 11,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,5% về KLGD và 75,43% GTGD toàn thị trường.

Trên thị trường giao dịch chứng khoán dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM), chỉ số UPCoM-Index đạt mức 51,21 điểm tại thời điểm đóng cửa ngày 31/10, giảm 5,5% so với tháng trước. Thanh khoản trên thị trường cũng giảm nhẹ, toàn thị trường có hơn 475 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng với GTGD đạt hơn 8,7 nghìn tỷ đồng. KLGD bình quân đạt 20,68 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng GTGD bình quân hơn 379 tỷ đồng/phiên (lần lượt giảm 11,8% và 5,5% so với tháng 9/2018). Tính đến ngày 31/10/2018, có 17 doanh nghiệp đăng ký giao dịch (ĐKGD) cổ phiếu mới và 2 doanh nghiệp hủy ĐKGD, nâng tổng số doanh nghiệp ĐKGD trên thị trường này lên 793 doanh nghiệp.

Nhận định tình trạng này, đa số các chuyên gia đều cho rằng TTCK trong nước bị ảnh hưởng lớn từ diễn biến của TTCK thế giới, trong đó có thể kể đến các yếu tố như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có hồi kết…

Giao dịch trên TTCK phái sinh

Diễn biến trên TTCKPS trong tháng 10 tương đối tích cực với hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (98,83%). Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/10, so với tháng 9/2018, KLGD phái sinh đạt 2.551.535 hợp đồng, tăng 63,85%, KLGD bình quân đạt 110.936 hợp đồng/phiên, tăng 35,35%. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 50.956 tài khoản (thời điểm cuối tháng 10), tăng 9,45% so với tháng 9/2018. Tổ chức nhà đầu tư trong nước chỉ chiếm khoảng 1% KLGD toàn thị trường, trong đó hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán chiếm 0,6% KLGD, tăng gần gấp đơi so với tháng 9. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngồi (ĐTNN) chiếm không đáng kể (0,17%) so với tổng KLGD trên thị trường.

Giao dịch của nhà ĐTNN

Trái ngược với sự sụt giảm trên TTCK trong tháng 10, nhà ĐTNN vẫn mua ròng trên cả hai sàn, với giá trị mua ròng đạt 9.334 tỷ đồng. Đây cũng là tháng mua ròng mạnh thứ 2 trong năm, chỉ đứng sau tháng 5 với hơn 22.400 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, nhà ĐTNN đã mua ròng 9.364 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp chủ yếu là phiên ngày 2/10 do giao dịch đột biến tới hơn 10.881 tỷ đồng cổ phiếu MSN, khiến khối này có phiên mua ròng khủng lên tới hơn 11.114,45 tỷ đồng. Trong khi đó trên sàn HNX, tháng này, nhà ĐTNN giao dịch tổng cộng 59,3 triệu cổ phiếu, tăng 0,3% so với tháng trước, GTGD đạt xấp xỉ 976 tỷ đồng, tăng 22,3% so với tháng trước, trong đó tổng GTGD mua vào đạt hơn 474 tỷ đồng, tổng GTGD bán ra đạt hơn 504 tỷ đồng. Tính chung trong cả tháng, trên thị trường cổ phiếu niêm yết, nhà ĐTNN đã bán ròng hơn 30 tỷ đồng trên HNX. 

Trên sàn UPCoM, nhà ĐTNN giao dịch tổng cộng 160,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,87 nghìn tỷ đồng, tính chung cả tháng nhà ĐTNN đã mua ròng hơn 87 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.

Tính đến hết tháng 10, VSD đã cấp 28.491 mã số giao dịch chứng khoán cho nhà ĐTNN gồm 4.010 tổ chức và 24.484 cá nhân.

Tác động từ yếu tố tâm lý sẽ nhanh chóng qua đi?

Trong bối cảnh tình hình chính trị, thương mại quốc tế có nhiều biến động phức tạp và với những gì đã diễn ra trên TTCK trong tháng 10 cho thấy, có nhiều lý do khiến tâm lý nhà đầu tư có thể bị chi phối trong ngắn hạn. Những bất ổn địa chính trị trên thế giới, biến động khó lường về giá dầu, lạm phát, cũng như tỷ giá vẫn sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. Tuy nhiên, với số liệu kinh tế vĩ mô tích cực của quý III và dự báo tiếp tục khả quan trong quý IV, bên cạnh hoạt động kinh doanh khởi sắc của nhóm doanh nghiệp niêm yết, kéo theo tăng trưởng EPS ở mức cao và qua đó tác động tích cực đến mặt bằng giá cổ phiếu, các chuyên gia vẫn duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng TTCK Việt Nam trong trung hạn. Các chuyên gia cho rằng chỉ số chứng khoán VN Index trong giai đoạn điều chỉnh về ngưỡng trên dưới 900 điểm trong những phiên giao dịch tháng 10 vừa qua thật sự là cơ hội tích lũy những cổ phiếu có giá trị, những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng ổn định và chia cổ tức cao. Những nhận định này hoàn toàn là có cơ sở khi giá của các cổ phiếu trong rổ VN30 đã xuống thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2018, nhiều cổ phiếu bluechips đã giảm về mức đáy trong vịng hơn 1 năm qua.

Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành dệt may, xây dựng, bất động sản, bán lẻ giữ vững sự tăng trưởng trong năm rất tốt và kể cả ngành ngân hàng trong năm nay đã có những bước đi hoàn thiện quá trình tăng vốn và thu hẹp tỷ lệ nợ xấu.

Mặc dù hai đợt điều chỉnh mạnh của thị trường trong tháng 7 và tháng 10/2018 đã ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và ngân sách của nhà đầu tư, tuy nhiên ở góc nhìn tích cực, chính sự điều chỉnh này mà thị trường đã dị tìm được giá trị thực của doanh nghiệp và là cơ hội để có những đợt sàng lọc cổ phiếu. Theo đó, các doanh nghiệp có nền tảng, năng lực cạnh tranh tích cực sẽ duy trì đà tăng trưởng bền vững.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm 2018 ước tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011. Kết quả tăng trưởng kinh tế cao cho thấy tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018. Bên cạnh đó sắp tới sẽ là khoảng thời gian các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III cũng như tổng kết 9 tháng đầu năm 2018. Kết quả này được kỳ vọng sẽ giúp nhà đầu tư vững tin hơn vào nền tảng của TTCK. Với những yếu tố nội lực vững vàng, các chuyên gia cho rằng còn nhiều dư địa tăng trưởng cho TTCK Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Khôi Châu
Tìm kiếm