SÓNG GIÓ KHÔNG LÀM NHÀ ĐẦU TƯ CHÙN BƯỚC

08/11/2018 18:01
Trong tháng 10 vừa qua, lo ngại chi phí vay mượn tăng cao, căng thẳng thương mại toàn cầu tăng nhiệt và lợi nhuận doanh nghiệp không được như kỳ vọng đã thôi thúc nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, nhất là các mã cổ phiếu ngành công nghệ, làm thị trường chứng khoán (TTCK) nhiều phiên lao đao. Nhà đầu tư nhiều phen hoảng loạn khi TTCK có lúc lao dốc không phanh, nhưng họ vẫn không nao núng và biết chớp thời cơ săn tìm cổ phiếu giá hạ để chờ thời "bung lụa".

Tuần đầu từ ngày 01/10 đến 5/10: Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) và kế hoạch ngân sách của Italy chi phối TTCK

Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo khởi đầu tháng mới (1/10) đầy hứng khởi khi tiếp tục ghi điểm và xác lập kỷ lục mới 24.245,76 điểm nhờ nhà đầu tư tỏ ý lạc quan sau khi chính phủ các nước Mỹ và Canada đạt thỏa thuận về sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) thành NAFTA 2.0 hay còn gọi là USMCA. Đà tăng vẫn tiếp diễn ngay phiên kế tiếp (2/10) để đưa chỉ số Nikkei-225 lên mức cao mới trong 27 năm qua khi đạt mức 24.270,62 điểm, một phần còn do đồng Yên giảm giá, tạo đà cho cổ phiếu của các công ty xuất khẩu hàng hóa tăng giá.

Phố Wall và các sàn châu Âu cùng khởi động tháng mới (01/10) trong sắc xanh nhờ vào sự lạc quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng USMCA sẽ đưa Bắc Mỹ trở lại vị thế là một khu vực chế tạo lớn mạnh, đồng thời sẽ giúp nước Mỹ lấy lại chuỗi cung ứng từng bị chuyển ra nước ngồi do những vấn đề thương mại bất bình đẳng

Tuy nhiên, các sàn châu Á lại để mất đà khi bước sang phiên 3 và 4/10 do nhà đầu tư quay sang lo ngại về kế hoạch ngân sách năm 2019 gây tranh cãi của Italy vấp phải chỉ trích từ Ủy ban châu Âu và làn sóng các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu chính phủ (TPCP).

Điểm sáng trong tuần là chỉ số DJ bất ngờ lập đỉnh mới trong phiên 3/10 khi thị trường đón nhận các số liệu khả quan của nền kinh tế Mỹ (khu vực tư nhân tạo được 230.000 việc làm trong tháng 9/2018) và lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Mỹ chạm mức cao nhất trong bảy năm (3,18%). Lợi suất trái phiếu tăng đơi khi có thể kích hoạt hoạt động bán tháo cổ phiếu trên phố Wall vì điều này thường đi kèm với lãi suất cho vay kinh doanh và vay thế chấp tăng. Các chỉ số DJ tăng 0,2% lên 26.828,39 điểm; S&P 500 ghi thêm 0,1% lên 2.925,51 điểm và Nasdaq tăng 0,3% lên 8.025,09 điểm. 

Các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại châu Âu đều tăng điểm sau khi các quan chức Italy phát đi thông điệp ôn hòa hơn về kế hoạch chi tiêu của Rome. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại sàn London (Anh) tăng 0,5%  lên 7.510,28 điểm và chỉ số CAC 40 trên sàn Paris (Pháp) ghi thêm 0,4% và đóng phiên ở mức 5.491,40 điểm. 

Nhưng chính phố Wall lại hòa vào xu thế mất điểm cùng các sàn châu Á trong phiên 4/10 khi các mã cổ phiếu công nghệ trượt giá do lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất càng đẩy lợi tức TPCP kỳ hạn 10 năm lên cao hơn (3,2%). Phiên 4/10, các chỉ số DJ và S&P cùng giảm 0,8% xuống lần lượt xuống 26.627,48 điểm và 2.901,61 điểm. Còn chỉ số Nasdaq hạ tới 1,8% xuống 7.879,51 điểm.

Tới phiên cuối tuần 5/10, chứng khoán châu Á vẫn chưa thể đổi màu mà nguyên nhân là do quan ngại về lộ trình tăng lãi suất của Mỹ, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng cao và xung đột thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc vẫn chưa “hạ nhiệt”. Chốt phiên này, chỉ số Nikkei-225 mất thêm 191,90 điểm, hạ còn 23.783,72 điểm. Chỉ số Nikkei-225 mặc dù trong tuần có lúc lên mức cao nhất trong 27 năm, song tính chung cả tuần vẫn giảm 1,39%. 

Tại phiên này, phố Wall ghi nhận phiên giảm thứ hai liên tiếp khi lợi suất TPCP Mỹ tăng lên 3,248%. Do đó, chỉ số DJ giảm 180,43 điểm xuống 26.447,05 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 16,04 điểm xuống 2.885,57 điểm, còn chỉ số Nasdaq mất 91,06 điểm xuống 7.788,45 điểm. 

Tuần thứ hai từ 8/10 đến 12/10: Xu thế đỏ sàn tràn ngập

Đà xuống dốc vẫn đeo bám các sàn châu Á khi bước sang phiên đầu tuần mới (8/10). Việc kinh tế Mỹ đón nhận thêm nhiều tín hiệu lạc quan với tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất của 49 năm còn 3,7% càng làm gia tăng đồn đoán FED sẽ nâng lãi suất với tốc độ nhanh hơn. 

Chưa dừng lại ở đó, phiên 9/10 còn chứng kiến sàn Tokyo rơi vào vùng âm phiên thứ tư liên tiếp, do đồng Yên mạnh cùng với những lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Chỉ số Nikkei-225 giảm 314,33 điểm xuống 23.469,39 điểm.

Phố Wall cũng khởi động tuần mới (8/10) theo xu thế đi xuống của các sàn châu Á và tiếp tục để mất đà trong phiên sau đó sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 và 2019 xuống 3,7%, viện dẫn những rủi ro ngày càng gia tăng trong thương mại toàn cầu, nguy cơ khủng hoảng tiền tệ tại các thị trường mới nổi và dấu hiệu “giảm tốc” của các nền kinh tế lớn. Theo sau đó, chỉ số DJ giảm 0,2% xuống 26.430,57 điểm trong khi chỉ số S&P 500 hạ 0,1% xuống 2.880,34 điểm

 Sau phiên 10/10 phục hồi nhờ làn sóng “săn” cổ phiếu giá hạ, các sàn châu Á lại trượt dốc trong phiên 11/10, sau khi chứng kiến phiên giao dịch tồi tệ nhất trong nhiều tháng qua của phố Wall trước đó. Chỉ số Nikkei-225 của sàn Tokyo để mất tới 915,18 điểm còn 22.590,86 điểm. Hai sàn chủ chốt khác của châu Á là Thượng Hải và Hồng Kong cũng chứng kiến mức "đáy" trong vòng 4 năm qua với chỉ số Hang Seng giảm 926,70 điểm xuống 25.266,37 điểm và chỉ số SCI mất 142,38 điểm xuống 2.583,46 điểm.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu trên diện rộng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích chính sách của FED đã khiến các chỉ số chủ chốt của phố Wall mất hơn 3% trong phiên 10/10. Cụ thể, DJ giảm 3,2% xuống 25.598,74 điểm, S&P 500 hạ 3,3% còn 2.785,68 điểm và Nasdaq lùi 4,1% xuống còn 7.422,05 điểm.

Chưa dừng lại ở đó, phiên 11/10, thị trường phố Wall tiếp tục giảm sâu hơn trong bối cảnh giới đầu tư, vốn đã bị tác động bởi quá nhiều lo ngại về tình hình kinh tế càng đẩy mạnh bán tháo những cổ phiếu được cho là đã được định giá quá cao. Cuối phiên này, chỉ số DJ hạ 2,1% xuống 25.052,83 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 2,1% xuống 2.728,37 điểm, còn chỉ số Nasdaq để mất 1,3% xuống 7.329,06 điểm. 

Description: http://tapchichungkhoanvietnam.vn/KND/TT/PublishingImages/241/38.jpg?width=1000

Mãi tới phiên 12/10, chứng khoán châu Á mới phục hồi, nhưng mức tăng không lớn do nhà đầu tư vẫn có tâm lý thận trọng. Chỉ số Nikkei-225 tại sàn Tokyo tăng 103,80 điểm lên 22.694,66 điểm. Chỉ số SCI trên sàn Thượng Hải tăng 23,45 điểm lên 2.606,91 điểm và chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kong ghi được 535,12 điểm lên 25.801,49 điểm.

Phố Wall xanh sàn trở lại vào phiên 12/10 kéo chỉ số DJ tăng 287,16 điểm lên 25.339,99 điểm; chỉ số S&P 500 tiến 38,76 điểm lên 2.767,13 điểm và chỉ số Nasdaq cộng thêm 167,83 điểm lên 7.496,89 điểm, mức tăng cao nhất kể từ ngày 26/3.

Tính chung cả tuần, chỉ số DJ giảm 4,2%, S&P 500 mất 4,1% và chỉ số Nasdaq hạ 3,7%. Đây là mức giảm mạnh nhất của ba chỉ số này kể từ tháng 3/2018. Như vậy, cả hai chỉ số DJ và S&P 500 đều chứng kiến tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp, trong khi đối với chỉ số Nasdaq là tuần thứ hai liên tiếp

Tuần thứ ba từ 15/10 đến 19/10: Thị trường le lói sắc xanh

Nỗi ám ảnh về một tuần giao dịch gần như trong sắc đỏ trước đó đã đẩy các sàn châu Á rơi trở lại vùng âm vào phiên 15/10. Trên sàn Tokyo, chỉ số Nikkei-225 sụt gần 2% giá trị còn do bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin rằng Mỹ muốn đưa một điều quy định về việc ngăn chặn thao túng tiền tệ trong các cuộc đàm phán thương mại với Nhật Bản trong tương lai. Chỉ số Nikkei-225 giảm 423,36 điểm xuống 22.271,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kong giảm 356,43 điểm xuống 25.445,06 điểm và chỉ số SCI trên sàn Thượng Hải hạ 38,81 điểm xuống 2.568,10 điểm.

Phố Wall cũng rơi lại vùng âm trong phiên 15/10, rồi lại bất ngờ bứt phá phiên sau đó để có một phiên giao dịch khởi sắc nhất kể từ tháng 3/2018. Chốt phiên, các chỉ số DJ và S&P 500 đều tăng 2,2% lên các mức lần lượt là 25.798,42 điểm và 2.809,92 điểm. Trong khi chỉ số Nasdaq còn tăng mạnh hơn lên tới 2,9% và khép phiên ở mức 7.645,49 điểm. Tâm lý của giới đầu tư ở phố Wall được cải thiện sau một loạt các báo cáo lợi nhuận lạc quan từ các ngân hàng lớn như Goldman Sachs, Morgan Stanley và các công ty lớn Johnson & Johnson và UnitedHealth Group. 

Và sau khi đỏ sàn vào phiên 18/10, tới phiên 19/10, phần lớn các sàn châu Á phục hồi, trong đó dẫn đầu là sàn Thượng Hải nhờ tâm lý lạc quan vào những bình luận trấn an của một số quan chức kinh tế Trung Quốc sau đợt đổ dốc gần đây của thị trường do kinh tế quý III/2018 chỉ tăng với tốc độ thấp nhất kể từ năm 2009 (6,5%). Chỉ số SCI của sàn Thượng Hải tăng 64,05 điểm lên 2.550,47 điểm, song vẫn giảm 2,1% tính chung cả tuần. Còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kong tăng 106,85 điểm, lên 25.561,40 điểm

Ba chỉ số chính của phố Wall đã khép lại phiên cuối tuần trong thế giằng co với biến động ngược chiều bởi các báo cáo lợi nhuận lạc quan từ công ty Procter&Gamble chưa thể làm nhà đầu tư "quên đi" những lo ngại dai dẳng về đà tăng của lãi suất và nguy cơ các chính sách thương mại ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ. Chỉ số DJ tăng 64,89 điểm (0,26%), lên 25.444,34 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 lại mất 1 điểm xuống 2.767,78 điểm và chỉ số Nasdaq lùi 36,11 điểm về 7.449,03 điểm. 

Hai tuần cuối từ 22/10 đến 31/10: Sự phục hồi mong manh

Sang đầu tuần mới (22/10), TTCK châu Á vẫn giữ được đà đi lên, trong đó sàn Thượng Hải tăng hơn 4% lên 2.654,88 điểm, mức tăng nhiều nhất của một ngày kể từ đầu tháng 3/2016 dù nhà giao dịch vẫn thận trọng trước những căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu. Chỉ số Hang Seng tại TTCK Hồng Kong tăng 591,75 điểm lên 26.153,15 điểm và chỉ số Nikkei-225 có thêm 82,74 điểm lên 22.614,82 điểm.

Nhưng những rủi ro địa chính trị ở các khu vực trên thế giới gia tăng (căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ với Nga và Saudi Arabia, bất đồng Italy và EU về kế hoạch ngân sách của Rome) lại làm các sàn châu Á đồng loạt mất điểm phiên 23/10. Chỉ số Nikkei-225 của sàn Tokyo trượt xuống 22.010,78 điểm, còn chỉ số SCI của sàn Thượng Hải giảm 2,3% xuống 2.594,83 điểm và Hang Seng của Hồng Kong hạ 806,60 điểm xuống 25.346,55 điểm.

Các sàn châu Âu và Mỹ cùng hòa chung xu thế mất điểm với các sàn châu Á trong phiên 23/10 và phố Wall còn lao dốc mạnh hơn trong phiên 24/10, "thổi bay" mọi thành quả mà hai chỉ số DJ và S&P 500 đạt được từ đầu năm do cổ phiếu công nghệ trượt dốc. Chốt phiên 24/10, chỉ số DJ giảm 608,01 điểm xuống còn 24.583,42 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 84,59 điểm còn 2.656,10 điểm, chỉ số Nasdaq mất 329,14 điểm xuống 7.108,40 điểm và ghi dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2011.

Sau một phiên 25/10 phục hồi, phố Wall rơi lại vùng âm vào phiên 26/10, chỉ số S&P 500 rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng Năm, do sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ và Internet. Trong phiên, chỉ số này đã giảm hơn 10% từ mức cao kỷ lục hôm 20/9. Chốt phiên, chỉ số DJ giảm 296,24 điểm xuống 24.688,31 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 46,88 điểm xuống 2.658,69 điểm, chỉ số Nasdaq mất giảm 151,12 điểm xuống 7.167,21 điểm.

Sau vài phiên lên xuống đan xen trên các sàn giao dịch chứng khoán châu Á, từ phiên 26/10, các sàn liên tục chứng kiến sắc đỏ và mãi tới hai phiên cuối tháng (30 - 31/10), sắc xanh mới le lói trở lại khi nhà đầu tư hy vọng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận thương mại, giúp làm dịu những lo ngại về khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị áp thuế tiếp lên hàng hóa Trung Quốc. Chốt phiên cuối tháng (31/10), chỉ số Nikkei-225 của sàn Tokyo tăng 463,17 điểm lên 21.920,46 điểm.  

Dù nỗ lực ghi điểm hai phiên cuối tháng, song phố Wall vẫn khép lại một tháng nhiều biến động với chỉ số S&P 500 giảm tới 6,9%, mức giảm tính theo tháng lớn nhất kể từ năm 2011. Chỉ số Nasdaq mất 9,2%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2008. Chỉ số CAC 40 ở thị trường Paris cũng mất hơn 7%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8/2015. Theo S&P Dow Jones Indices, các mức giảm trong tháng Mười tương đương với mức thiệt hại khoảng 5.000 tỷ USD mà các nhà đầu tư trên toàn cầu hứng chịu. Thiệt hại này đã làm dấy lên câu hỏi liệu thời kỳ "đen tối" đã qua hay tương lai ảm đạm còn đang ở phía trước?

Hoàng Hà
Tìm kiếm