QUỸ ETF VÀNG TẠI ẤN ĐỘ

05/01/2019 20:54

Ấn Độ là quốc gia có lượng vàng tiêu thụ lớn nhất trên thế giới, chiếm 23% tổng nhu cầu vàng trên thế giới. Theo thống kê từ trang web Mineweb. com, năm 2012, nước này nhập khẩu tới 1.080 tấn vàng, trong đó 56% là nhập qua các ngân hàng. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC1), nhu cầu vàng của Ấn Độ và Trung Quốc dự kiến có thể chiếm đến 45 - 50% nhu cầu vàng của thế giới, với mức nhập khẩu tương đương từ 900 - 1.000 tấn/mỗi nước. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhu cầu vàng tăng cao, như: truyền thống sử dụng vàng trong xã hội, sử dụng vàng trong sản xuất công nghiệp, trong ngành chế tác trang sức và gần đây nhất là sử dụng vàng trong đầu tư. Người ta cho rằng, nhu cầu đầu tư vào vàng là nguyên nhân chính dẫn đến cầu về vàng tăng cao. Gần như mọi người đều muốn đầu tư vào vàng vì lợi nhuận tốt, rủi ro thấp và tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đầu tư vào vàng. Những nhà đầu tư nhỏ với khoản tiết kiệm hoặc vốn nhỏ sẽ không có khả năng đầu tư bởi đầu tư vàng yêu cầu lượng vốn đủ lớn mới thu được lợi nhuận. Để giúp việc đầu tư vào vàng trở nên thuận tiện đối với các nhà đầu tư nhỏ, Quỹ hoán đổi danh mục vàng (quỹ ETF vàng) đã ra đời.

Quỹ ETF vàng là loại quỹ hoán đổi danh mục dựa trên giá trị tài sản ròng của tài sản là vàng vật chất. Quỹ ETF vàng được chia nhỏ thành các chứng chỉ quỹ đại diện giá trị của vàng vật chất. Chứng chỉ quỹ có thể bằng giấy hoặc ở dạng phi vật chất. Các chứng chỉ này được giao dịch trên các Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) như cổ phiếu của các công ty. Chứng chỉ quỹ ETF vàng mang lại cho nhà đầu tư cơ hội để tham gia vào thị trường vàng mà không cần phải chuyển giao vàng vật chất. 

Lịch sử hình thành quỹ ETF vàng bắt đầu từ Canada. Sản phẩm đầu tiên là “Central Fund of Canada”, một quỹ đóng thành lập năm 1961. Sau này, quỹ sửa đổi điều lệ thành lập vào năm 1983 nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư một sản phẩm có thể hoán đổi là quyền sở hữu đối với vàng và bạc vật chất, có thể giao dịch được trên SGDCK. Chứng chỉ quỹ ETF vàng này được niêm yết trên SGDCK Toronto từ năm 1966 và SGDCK AMEX từ năm 1986. 

Ở Ấn Độ, ý tưởng thành lập quỹ ETF vàng lần đầu tiên được Công ty Quản lý quỹ (CtyQLQ) tư nhân Benchmark (Benchmark Asset Management Company Private Limited) đưa ra khi họ đệ trình lên Cơ quan Quản lý Chứng khoán của Ấn Độ (SEBI) vào tháng 5/2002. Tuy nhiên, hồ sơ đó đã không được phê duyệt. Cho đến năm 2007, hồ sơ này của CtyQLQ Benchmark mới được thông qua. Như vậy, Quỹ ETF vàng đầu tiên của Ấn Độ do CtyQLQ Benchmark thành lập vào ngày 15/02/2007, theo đó một chứng chỉ quỹ ETF vàng tương đương với 1 gram vàng và được niêm yết trên SGDCK New Dehli (NSE) với mã chứng khoán là GOLDBEES. Tiếp theo đó, CtyQLQ UTI cũng thành lập quỹ ETF vàng vào ngày 1/3/2007 với mã số giao dịch trên SGDCK NSE là GOLDSHARE. Tính đến tháng 8/2014, trên SGDCK NSE của Ấn Độ, có 14 Quỹ ETF vàng được niêm yết. Tổng tài sản do các quỹ ETF vàng quản lý tăng ổn định từ 960 triệu Rupee vào tháng 3/2007 đến 87,84 tỷ Rupee vào tháng 12/2013, chiếm 1% tổng tài sản quản lý của toàn ngành quỹ của Ấn Độ. Tính đến tháng 12/2013, tổng lượng vàng do các quỹ ETF vàng quản lý đạt 30,2 tấn. Tổng khối lượng giao dịch (KLGD) chứng chỉ ETF vàng trên NSE cũng gia tăng, đạt mức trung bình 259,2 triệu Rupee năm 2013 (254,4 triệu Rupee năm 2012; 410,9 triệu Rupee năm 2011 và 144,3 triệu Rupee năm 2010) cho thấy KLGD lớn của ngành ETF vàng của Ấn Độ2

Chứng chỉ ETF vàng là một lựa chọn đầu tư hấp dẫn trên thị trường Ấn Độ. Việc giá vàng tăng cao và dòng vốn đầu tư đổ vào vàng đã khiến số lượng chứng chỉ ETF vàng được các nhà đầu tư nắm giữ tăng cao chưa từng có (trị giá hơn 111 tỷ Rupee vào tháng 9/2012). Cũng trong năm 2012, chỉ trong vòng vài tháng, số tiền đổ vào các chứng chỉ ETF vàng trị giá hơn 5 tỷ Rupee. Giai đoạn 2011 - 2012, ETF vàng đã thu hút được hơn 36 tỷ Rupee so với mức 22,5 tỷ Rupee giai đoạn 2010 - 2011. Các số liệu trên cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư đối với các chứng chỉ ETF vàng3.

Quỹ ETF vàng mang lại cho các nhà đầu tư cơ hội tham gia vào thị trường vàng miếng mà không cần thiết phải chuyển giao vàng vật chất, giúp các nhà đầu tư mua và bán “tư cách tham gia” này thông qua việc giao dịch trên SGDCK. Quỹ ETF vàng là một cách thức đầu tư thụ động, vì thế, khi giá vàng tăng, giá của chứng chỉ quỹ ETF vàng cũng tăng, tương tự, khi giá vàng giảm, giá của chứng chỉ quỹ ETF vàng sẽ giảm. Khi nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ ETF vàng cũng giống với việc họ mua vàng nhưng thực hiện như mua một loại cổ phiếu của công ty. Mỗi đơn vị chứng chỉ quỹ ETF vàng sẽ được đảm bảo bởi một đơn vị vàng vật chất. 

Quỹ ETF vàng theo sát hoạt động của thị trường vàng miếng. Quỹ ETF vàng mang lại lợi tức, sau khi trừ đi chi phí, khá gần với mức lợi tức của vàng vật chất. Tại Ấn Độ, mỗi đơn vị quỹ ETF vàng tương đương với giá của 1 gram vàng. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có loại quỹ ETF vàng có mức giá 1 đơn vị chứng chỉ quỹ tương đương ½ gram vàng. Biểu đồ 2 và Biểu đồ 3 cho thấy, giá vàng ít biến động hơn và mang lại hiệu suất sinh lời ổn định hơn về dài hạn so với việc đầu tư vào thị trường cổ phiếu. Về dài hạn, đầu tư vào vàng mang lại hiệu quả cao hơn đầu tư vào cổ phiếu hay gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.

Một số quy định của Ấn Độ về quỹ ETF vàng 

(1) Yêu cầu đối với nhà đầu tư trong giao dịch quỹ ETF vàng

+ Có tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán thành viên của SGDCK; + Có tài khoản điện tử cho chứng chỉ ETF vàng.

(2) Quy định về thuế đối với chứng chỉ quỹ ETF vàng: Chứng chỉ quỹ ETF vàng được xem là chứng chỉ quỹ mở và tuân thủ các quy định về thuế đối với chứng chỉ quỹ mở.

+ Nhà đầu tư vào chứng chỉ quỹ ETF vàng không phải chịu 
thuế tài sản. Nhà đầu tư phải trả thuế sau khi bán chứng chỉ quỹ ETF như thuế đối với chứng chỉ quỹ mở. Tuy nhiên, sau khi nhà đầu tư bán chứng chỉ quỹ ETF và nhận lại vàng vật chất thì sẽ áp dụng thuế như thuế đối với vàng vật chất.

+ Chứng chỉ quỹ ETF vàng được nắm giữ dưới 12 tháng được coi là một khoản lợi vốn ngắn hạn. Khoản lợi vốn ngắn hạn này được cộng vào tổng thu nhập của nhà đầu tư và sẽ chịu các mức thuế theo quy định. (Trong trường hợp vàng vật chất, nếu nắm giữ dưới 36 tháng thì khoản lợi tức được coi là lợi tức ngắn hạn).

+ Nếu chứng chỉ quỹ ETF vàng được nắm giữ trên 12 tháng thì được coi là một khoản lợi vốn dài hạn. Lợi vốn dài hạn chịu thuế 20% (sau khi tính toán lợi nhuận) hoặc 10% (nếu nộp trước khi tính toán lợi nhuận).

+ Chứng chỉ ETF quỹ vàng không chịu thuế giá trị gia tăng, thuế giao dịch chứng khoán (Securities Transaction Tax)

Cơ chế hoạt động của quỹ ETF vàng ở Ấn Độ 

(1) Thành viên lập quỹ (Authorized Participants - AP): CtyQLQ chỉ định các tổ chức tạo lập thị trường trên TTCK để thực hiện tất cả các giao dịch thay mặt CtyQLQ. Các tổ chức tạo lập thị trường hay còn gọi là thành viên lập quỹ đóng vai trò là cầu nối giữa các nhà đầu tư nhỏ và CtyQLQ đứng ra lập quỹ ETF (ETF sponsor) thông qua SGDCK. AP mua lô chứng chỉ quỹ (Creation Unit) từ công ty lập quỹ bằng vàng vật chất. Một lô chứng chỉ quỹ thường bao gồm 1.000 gram vàng vật chất. AP sau đó sẽ cung cấp các chứng chỉ quỹ ETF vàng theo nhu cầu của thị trường. Một chứng chỉ quỹ ETF vàng thường đại diện cho 1 hoặc ½ gram vàng để các nhà đầu tư nhỏ có thể mua được.

(2) Ngân hàng lưu ký (Custodians): CtyQLQ lập quỹ ETF vàng thường chọn ngân hàng lưu ký để lưu giữ vàng vật chất. Thông thường ngân hàng lưu ký sẽ thu phí khi cung cấp dịch vụ này, CtyQLQ chịu trách nhiệm về chất lượng và sự an toàn của vàng vật chất bằng cách mua bảo hiểm cho vàng vật chất. Các ngân hàng như Bank of Nova Scotia, Scotia Macotta hoặc Deutsche Bank AG là một trong số các ngân hàng lưu ký cho sản phẩm quỹ ETF vàngở Ấn Độ.

(3) Cơ hội phòng ngừa rủi ro: Vì giá của quỹ ETF vàng do cung cầu thị trường điều chỉnh nên chứng chỉ quỹ ETF vàng có thể được giao dịch với mức giá cao hơn hoặc thấp hơn so 
với giá trị tài sản ròng (NAV) của nó. Vai trò của CtyQLQ là giữ cho giá của chứng chỉ quỹ ETF vàng tiệm cận với NAV (với sự hỗ trợ của các thành viên lập quỹ - AP). Các AP sẽ tận dụng bất kỳ cơ hội nào khi giá thị trường của chứng chỉ quỹ chênh lệch đáng kể so với NAV bằng cách giao dịch hoán đổi giữa chứng chỉ quỹ ETF và tài sản cơ sở. Khi chứng chỉ quỹ có giá thị trường thấp hơn NAV, AP sẽ mua chứng chỉ quỹ sau đó hoán đổi với CtyQLQ, sau khi nhận được vàng, AP sẽ bán vàng trên thị trường để kiếm lời. Khi giá thị trường của chứng chỉ quỹ cao hơn NAV thì hành động ngược lại. Cơ chế hoán đổi này đảm bảo rằng không có chênh lệch quá lớn với NAV, đồng thời, lượng cung hoặc cầu chứng chỉ quỹ trên thị trường sẽ được bổ sung phù hợp.

(4) Ai sẽ đảm bảo độ nguyên chất của vàng? Các ngân hàng lưu ký sẽ truy nguồn gốc vàng từ Hiệp hội Thị trường Vàng London (LBMA) để đảm bảo độ nguyên chất của vàng cho các nhà đầu tư. Lượng vàng vật chất do các ngân hàng lưu ký nắm giữ của tất cả các quỹ ETF vàng phải đạt 99,5% nguyên chất. Vàng được lưu ký ở các ngân hàng này đã được bảo hiểm toàn bộ. Chứng chỉ quỹ ETF vàng đang trở thành một sự lựa chọn đầu tư hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Ấn Độ. Việc đầu tư vào quỹ ETF vàng mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, kể cả đối với thị trường Ấn Độ. Do đó, cơ quan quản lý cũng như các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhận thấy việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng đối với sản phẩm này, thu hút được họ tham gia vào thị trường này là cực kỳ quan trọng ở một đất nước mà thói quen sở hữu vàng vật chất đã có truyền thống lâu đời. Có nhiều lý do dẫn đến sự phát triển của quỹ ETF vàng ở Ấn Độ, trong đó rõ ràng nhất có thể kể đến là sự biến động về giá trên thị trường cổ phiếu, giá trị ngày càng yếu đi của đồng Rupee so với đồng USD và sự lo ngại ngày càng gia tăng về tình hình kinh tế thế giới. Tất cả những lý do trên khiến cho quỹ ETF vàng ở Ấn Độ là một sản phẩm đầu tư mạnh. Mặt khác, quỹ ETF vàng mang lại cơ hội cho cả các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đầu tư vào vàng thông qua chứng chỉ quỹ ETF vàng. Ngoài ra, quỹ ETF vàng giúp người nắm giữ có lợi về thuế khi phải trả mức thuế thấp hơn so với sở hữu vàng vật chất.

G20 tìm quyết sách thúc đẩy tăng trưởng

Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi giữa tháng 11 tại Brisbane, Australia diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức và triển vọng chưa được sáng sủa. Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản hoặc là đang trong cảnh tăng trưởng suy giảm, hoặc trì trệ, hoặc đang suy thoái.

Hiện chỉ có kinh tế Mỹ và Anh duy trì được tốc độ tăng trưởng khá và thời gian kéo dài bao lâu còn tùy thuộc vào mức độ khó khăn mà các đối tác thương mại của họ đang phải đối mặt. Trong bối cảnh đó, Hội nghị đã đặt trọng tâm thảo luận vào tăng trưởng kinh tế, với mục tiêu tìm ra quyết sách thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển mạnh, bền vững và cân bằng. Tuyên bố chung của Hội nghị đặt mục tiêu tham vọng nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhóm thêm ít nhất 2% trong 5 năm tới. 

Tuyên bố chung cũng nêu rõ, các biện pháp đẩy mạnh đầu tư, cạnh tranh, thương mại, tạo việc làm và các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ hỗ trợ cho sự phát triển. Tuyên bố này cũng khẳng định mục tiêu xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, có sức đề kháng tốt hơn và thúc đẩy các thể chế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo G20 đã đề ra hàng loạt biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm như: nhất trí triển khai Sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu, đặt mục tiêu giảm chênh lệch lao động nam - nữ xuống 25% vào năm 2025, nhất trí Kế hoạch hành động chống tham nhũng giai đoạn 2015 - 2016, tăng cường sức mạnh của các tổ chức tài chính toàn cầu, trong đó ưu tiên tiến trình cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hối thúc Mỹ thông qua Kế hoạch cải tổ IMF năm 2010. 

Các hành động để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm chất lượng đã được hoạch định trong “Kế hoạch hành động Brisbane” và các chiến lược tăng trưởng toàn diện của G20. “Kế hoạch hành động Brisbane” gồm một kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng, thỏa thuận thành lập trung tâm cơ sở hạ tầng toàn cầu ở Sydney, thúc đẩy các biện pháp chống trốn thuế và tạo ra hệ thống các quy định về ngân hàng chặt chẽ hơn. Kế hoạch này được đánh giá là sự cải tổ kinh tế “toàn diện và chặt chẽ”, có thể tạo ra “hiệu ứng lan tỏa tích cực” cho các nước ít phát triển hơn nằm ngoài G20. Kế hoạch này cũng sẽ tạo ra áp lực để tất cả các nền kinh tế phát triển thực hiện khoảng 800 biện pháp cải cách kinh tế, từ cải cách thị trường lao động tới giảm bớt các hàng rào thương mại.

Cũng tại Hội nghị, các lãnh đạo G20 nhất trí cho rằng an ninh năng lượng là vấn đề ưu tiên của khối, khi nhấn mạnh rằng sự ổn định của thị trường năng lượng thế giới có ý nghĩa quan trọng đối với triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế. Các thành viên G20 tin tưởng rằng sự ổn định về dài hạn của thị trường dầu mỏ được coi là yếu tố then chốt đảm bảo sự thành công của những cải cách mà G20 đã cam kết để có thể đạt được mục tiêu về tăng trưởng kinh tế. Các nền kinh tế thành viên G20   hiện chiếm tới 80% tiêu thụ năng lượng toàn cầu, 60% sản lượng dầu và khí đốt và hơn 90% sản lượng than của thế giới.

Các phân tích của IMF và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng nếu cam kết của G20 được thực hiện đầy đủ, GDP của nhóm có thể tăng thêm 2,1% từ nay đến năm 2018, từ đó sẽ tạo thêm hơn 2.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu và tạo thêm hàng triệu việc làm. Với những cam kết cải cách kinh tế mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đánh giá Hội nghị G20 lần này đã đạt được những kết quả tích cực và sự đồng thuận là chìa khóa để tạo ra sự tăng trưởng bền vững và tạo nhiều việc làm. Cùng chung nhận định lạc quan trên, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho rằng việc các nước G20 tập trung thúc đẩy tăng trưởng là một dấu hiệu tốt đối với nền kinh tế thế giới, đồng thời hy vọng sẽ nhìn thấy kết quả tích cực nếu các nước kiên trì theo đuổi các cải cách cơ cấu mạnh mẽ.  

Nền kinh tế toàn cầu còn bất ổn 

 

Chỉ vài giờ sau khi Lãnh đạo G20 nhóm họp, Nhật Bản thông báo nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái, gia nhập vào danh sách dài và ngày một tăng của các nền kinh tế đang gặp khó khăn. Trong quý III/2014, GDP của Nhật Bản giảm 0,4% so với quý trước đó và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã giảm ở các mức tương ứng là 1,8% và 7,3% trong quý II. “Thủ phạm” khiến kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái được cho là do quyết định tăng thuế tiêu dùng của Chính phủ Nhật Bản có hiệu lực từ tháng 4/2014, với tác động tiêu cực đến sức mua của người dân. Sự yếu kém của kinh tế Nhật Bản có thể tác động bất lợi tới các nền kinh tế khác trên thế giới, nếu các doanh nghiệp nước này cắt giảm đầu tư và giảm nhập khẩu các mặt hàng như máy móc, hàng điện tử và nguyên liệu thô. 

Trong khi đó, các số liệu mới đây cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục có dấu hiệu mất đà. Trong tháng 10 vừa qua, hoạt động sản xuất công nghiệp tại nước này tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 8% trong tháng 9. Doanh số bán lẻ trong cùng tháng, số liệu cho thấy hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng, tăng 11,5%, mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm 2006. Trong 10 tháng đầu năm nay, đầu tư vào tài sản cố định, một trong những động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2001. Trong quý III/2014, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,3%, mức tăng chậm nhất kể từ quý I/2009. Tăng trưởng của kinh tế nước này – “gã khổng lồ” về ngành chế tạo - dự kiến sẽ chậm lại từ mức tăng 10,4% năm 2010 xuống còn khoảng 7,5% năm 2014. Đà tăng trưởng mạnh của kinh tế Trung Quốc là một trong những động lực cơ bản của kinh tế thế giới trong thập niên vừa qua, nên sự giảm tốc này sẽ gây ra những tác động tiêu cực. 

Sự giảm tốc không chỉ xảy ra đối với kinh tế Trung Quốc mà còn cả khá nhiều nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ và Braxin… Phần lớn trong số những nền kinh tế mới nổi này trong nhiều năm qua đã hưởng lợi từ luồng vốn đầu tư ổn định từ các nền kinh tế phát triển. Do lãi suất đã giảm xuống các mức thấp kỷ lục tại Mỹ và châu Âu, nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở các thị trường mới nổi với lãi suất cao hơn. Tuy vậy, điều này đang thay đổi. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang xem xét tăng lãi suất sẽ kéo các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào thị trường nước này hoặc rút vốn khỏi những thị trường mới nổi. 

Nền kinh tế Eurozone vẫn đang trong tình trạng trì trệ kể từ khi thoát khỏi suy thoái hồi năm ngoái. Nền kinh tế khu vực trong quý III năm nay chỉ tăng 0,2% so với quý trước đó. Nguy cơ giảm phát gia tăng khi giá cả giảm lại đang làm trầm trọng thêm những thách thức mà các nền kinh tế khu vực phải đối mặt. Đà tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng bởi việc người tiêu dùng sẽ có tâm lý tạm ngừng chi tiêu với hy vọng giá hàng hóa sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt lẫn nhau của Nga và phương Tây bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tại Ucraina cũng đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Eurozone.

Cần thêm sự hỗ trợ

Sau khi số liệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản lại rơi vào suy thoái, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông báo quyết định hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng lần hai lên 10% cho đến tháng 4/2017, chậm hơn 18 tháng so với dự kiến ban đầu là vào tháng 10/2015. Ông cho biết, nếu tiếp tục tăng thuế như dự kiến thì mục tiêu đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi gần hai thập niên giảm phát có thể không đạt được, nhưng khẳng định việc tăng thuế chắc chắn vẫn sẽ được thực hiện sau khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Ông cũng thông báo giải tán Hạ viện, chuẩn bị cho cuộc bầu cử trước kỳ hạn vào tháng 12/2014, một quyết định được cho là để tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng đối với những biện pháp cải cách kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng. 

Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết soạn thảo ngân sách bổ sung cho tài khóa 2014 (kết thúc vào tháng 3/2015) để thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm vực dậy nền kinh tế. Theo một quan chức Chính phủ Nhật Bản, quy mô ngân sách bổ sung ước khoảng 3.000 tỷ Yên. Ngân sách này cần để thực hiện các biện pháp thúc đẩy chi tiêu của tư nhân và tạo động lực cho kinh tế địa phương, một nhiệm vụ mà Thủ tướng Abe dành ưu tiên hàng đầu. Cũng để hỗ trợ nền kinh tế, tại cuộc họp trong tháng 11, Ngân hàng Trung ương (NHTW) Nhật Bản (BoJ) quyết định tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ (CSTT) siêu nới lỏng gắn với việc mua tài sản của các ngân hàng để tăng nguồn cung tiền và đưa lạm phát lên 2% trong tài khóa 2015. 

Trong khi đó, tại cuộc họp chính sách hàng tháng diễn ra trong tháng 11, NHTW châu Âu (ECB) cũng giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục gần 0% nhằm ngăn chặn nguy cơ giảm phát, đồng thời tuyên bố sẵn sàng có thêm hành động để hỗ trợ nền kinh tế Eurozone. Quyết định này được đưa ra vào thời điểm lạm phát trong tháng 10 tại Eurozone chỉ ở mức 0,4% và đây là tháng thứ 13 liên tiếp lạm phát trong khu vực này ở dưới ngưỡng 1% và cách xa mục tiêu được đặt ra là 2%. Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch ECB, Mario Draghi, cho biết ngân hàng này sẽ tiến hành các biện pháp “khác thường” như mua trái phiếu chính phủ (TPCP) quy mô lớn để bơm tiền vào nền kinh tế nếu thấy cần thiết để đối phó với những nguy cơ nảy sinh từ việc lạm phát ở mức thấp trong một thời gian dài. 

Trong phát biểu mới đây, ông Draghi đã nói ECB sẽ sử dụng mọi công cụ có thể trong quyền hạn cho phép để đưa lạm phát lên mức mục tiêu và sẽ không có bất kỳ sự trì hoãn không cần thiết nào. Còn Phó Chủ tịch ECB Vitor Constancio đã nói, vào quý I/2015, ngân hàng này sẽ đánh giá hiệu quả của các biện pháp kích thích đã thực hiện và nếu kết quả không như mong muốn, ECB sẽ phải cân nhắc việc mua các tài sản khác, trong đó có TPCP trên thị trường thứ cấp.

Với Trung Quốc, NHTW Trung Quốc (PBoC) đã quyết định điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi và cho vay bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) của các tổ chức tài chính từ ngày 22/11. Đây là lần đầu tiên PBoC điều chỉnh lãi suất chuẩn kể từ tháng 7/2012. Thông báo hạ lãi suất gây bất ngờ của PboC đã cho thấy sự chuyển hướng từ chỗ kiên trì các biện pháp kích thích nhỏ đến chỗ thực hiện biện pháp CSTT cần thiết để ổn định nền kinh tế. Nhiều nhà kinh tế nước này đã kêu gọi những hành động chính sách mạnh mẽ hơn khi số liệu gần đây cho thấy nền kinh tế nước này đang để mất nhiều động lực hơn trong quý IV và lạm phát giá tiêu dùng đang giảm.  

Theo các nhà kinh tế thuộc các cơ quan tham mưu cho Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề chính sách, các nhà lãnh đạo và NHTW nước này sẵn sàng hạ thêm lãi suất và nới lỏng các biện pháp

Tìm kiếm