NỖ LỰC PHỤC HỒI ĐỂ VỮNG BƯỚC ĐI LÊN

15/01/2014 09:00
Lượt xem: 498
Nhìn lại năm 2013, nền kinh tế toàn cầu đã có những chuyển biến rõ rệt sau những nỗ lực của các nước nhằm phục hồi nền kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng. Ở châu Âu, khủng hoảng nợ công từng bước được giải quyết ổn thỏa, kinh tế trở lại con đường tăng trưởng. Còn tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế trên đà đi lên, ghi dấu ấn mạnh mẽ vào cuối năm, cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rút dần chương trình kích thích. Trong khi đó, chính sách kinh tế của Nhật Bản bước đầu mang lại kết quả tích cực. Các nền kinh tế mới nổi trong năm qua cũng vẫn được coi là động lực của toàn cầu, dù tốc độ tăng trưởng có giảm sút. Gam màu sáng ở các nền kinh tế lớn đã đưa đến những dự báo lạc quan cho một Năm Mới đang đến, song vẫn còn đó những rủi ro tiềm ẩn đối với kinh tế thế giới.

Những nỗ lực được đền đáp

       Trong năm qua, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chính thức thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất kể từ khi khối này được thành lập năm 1999, với GDP quý II/2013 tăng 0,3%. Tăng trưởng trở lại đã chấm dứt đợt suy thoái suốt 6 quý liên tiếp của Eurozone, mở ra thời kỳ phục hồi của nền kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone trong tháng 10/2013 giảm xuống 12,1% (trong khi tháng trước đó là 12,2%, mức cao kỷ lục kể từ khi liên minh tiền tệ này ra đời), ghi dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2011. Thất nghiệp cao là vấn đề đã làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách khu vực, bởi kèm theo đó là những hệ lụy về mặt xã hội. 

       Về tình hình các nền kinh tế thành viên, đáng chú ý nhất là việc Ireland đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Eurozone chính thức rời khỏi chương trình cứu trợ quốc tế trị giá 85 tỷ Euro đã được thực hiện suốt ba năm qua, sau khi tiếp nhận tổng cộng 68,4 tỷ Euro. Cùng với việc rời khỏi chương trình cứu trợ, Ireland dự định sẽ quay trở lại thị trường nợ quốc tế vào tháng 2/2014. Đồng thời, Ireland cũng được coi là quốc gia có triển vọng phục hồi nhất trong số các nước rơi vào khủng hoảng tại khu vực. Tăng trưởng kinh tế của nước này đã có bước đột phá trong quý III/2013, đạt 1,5%, sau khi tăng 1% trong quý II và giảm 1,1% trong quý I. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp chính thức trong những tháng gần đây cũng giảm xuống 12,5%, từ mức cao 15,1% của năm ngoái.  

       Với Tây Ban Nha, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng triển vọng kinh tế của nước này từ mức “tiêu cực” lên “ổn định”, cho thấy những thay đổi trong đánh giá của các thị trường vốn về nền kinh tế nước này. Cuối tháng 10/2013, Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha cũng đã tuyên bố nền kinh tế lớn thứ 4 Eurozone này chính thức thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài hai năm liên tiếp vào quý III, khi GDP tăng 0,1%. Mới đây, Thủ tướng Mariano Rajoy tuyên bố các chính sách cải cách và gói biện pháp khắc khổ mà chính phủ thi hành đã mang lại hiệu quả, và Tây Ban Nha sẽ không cần kéo dài gói cứu trợ quốc tế dành cho hệ thống ngân hàng nước này đến năm 2014.

       Trong khi đó, kinh tế Italia trong quý III cũng đã thoát khỏi giai đoạn tăng trưởng âm kéo dài hai năm liên tiếp, mặc dù các nhà kinh tế cảnh báo đà phục hồi còn mong manh do chính phủ phải tiếp tục tăng thuế và tiến hành cải cách. Nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone đã ngừng rơi tự do với mức tăng trưởng âm, thể hiện ở tăng trưởng quý III đứng ở mức 0%. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy nền kinh tế của “đất nước hình chiếc ủng” đang bước đầu phục hồi sau khi rơi vào suy thoái kể từ quý III/2011 - cuộc suy thoái dài nhất trong hai thập niên qua. 

       Nhìn sang nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay dự báo ở mức 1,7% được coi là một kết quả vượt mong đợi. Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III/2013 đạt đến con số 4,1% - mức tăng mạnh nhất trong gần hai năm qua, sau khi đã tăng tốc từ 1,1% trong quý I lên 2,5% trong quý II. Kinh tế tăng trưởng mạnh hơn đã góp phần hạ nhiệt thị trường lao động, với gần 600.000 việc làm đã được tạo ra trong quý III/2013 và tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm, chỉ còn là 7%. Kèm theo đó, lòng tin của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp Mỹ đều được cải thiện.

       Tin tưởng hơn vào đà phục hồi của nền kinh tế, trong cuộc họp định kỳ cuối cùng của năm, FED đã quyết định kể từ tháng 1/2014 sẽ cắt giảm quy mô chương trình nới lỏng định lượng lần ba (QE3) từ 85 tỷ USD/tháng xuống 75 tỷ USD/ tháng. Đây là chương trình mua trái phiếu mà FED đã bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2012 nhằm duy trì lãi suất dài hạn ở mức thấp và thông qua đó kích thích vay mượn cho chi tiêu và đầu tư. Tuy nhiên, FED cho biết việc cắt giảm quy mô chương trình này không phải là một lộ trình được ấn định sẵn mà sẽ tùy thuộc vào sự cải thiện của nền kinh tế và thị trường việc làm. 

       Một diễn biến tích cực khác đối với nền kinh tế Mỹ là kế hoạch chi tiêu ngân sách năm 2014 và 2015 đã được Hạ viện và Thượng viện trong Quốc hội thông qua và sau đó được Tổng thống Brack Obama ký ban hành. Theo đó, ngân sách cho tài khóa 2014, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/10/2013, là 1.012 tỷ USD và tài khóa 2015 là 1.014 tỷ USD. Sự thỏa hiệp của lưỡng đảng trong Quốc hội về kế hoạch ngân sách đã tạm khép lại những tranh cãi nội bộ về chi tiêu, cắt giảm thâm hụt ngân sách và thuế khóa kéo dài suốt 3 năm qua, với những tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế và cũng đã tránh cho Chính phủ liên bang phải ngừng hoạt động như hồi đầu tháng 10/2013. 

       Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản cũng được đánh giá là đang lấy lại đà tăng trưởng với tốc độ tăng GDP dự báo đạt gần 2% trong năm nay. Không chỉ lấy lại đà phục hồi ngay từ nửa đầu năm, nền kinh tế Xứ sở Mặt Trời mọc cũng xuất hiện những dấu hiệu tích cực nhờ chính sách Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe. Kinh tế nước này tăng trưởng 4,1% trong quý I, 3,8% trong quý II và 1,1% trong quý III. Cuộc chiến chống giảm phát cũng đã có những tiến triển, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,2% trong tháng 11 - đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, chỉ số CPI của Nhật Bản vượt con số 1%. Sự ổn định của kinh tế Nhật Bản cho dù vẫn là một câu hỏi lớn bởi những ảnh hưởng từ nhu cầu bên ngoài và những điều chỉnh kinh tế trong nước thời gian tới, song trước thềm Năm Mới, người dân Nhật Bản có thể tự tin hơn nhiều vào triển vọng của nền kinh tế so với năm 2012, khi nền kinh tế này được dự báo có thể rơi vào cuộc suy thoái thứ 5 trong vòng 15 năm, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu cũng như hậu quả của thảm họa động đất - sóng thần năm 2011. Với các nền kinh tế mới nổi, dù mức tăng trưởng không bằng năm ngoái, song cũng không thể phủ nhận nhóm này vẫn được coi là động lực của tăng trưởng toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong quý III/2013 đã phục hồi lên mức 7,8% so với cùng kỳ năm 2012, sau khi tăng trưởng chậm chạp trong nửa đầu năm và có thể đạt 7,6% cả năm. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngân hàng cũng như công cụ quản lý tài chính cấp địa phương đang trong tầm kiểm soát. Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ có thể đạt mức tăng trưởng 5% trong tài khóa 2013 - 2014, bằng với tốc độ tăng của tài khóa trước. Tăng trưởng GDP của Ấn Độ đã phục hồi từ 4,4% của quý II/2013 lên khoảng 4,8% trong quý III/2013.

Lạc quan vào triển vọng của

       Năm Mới Trong Báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 được công bố ngày 18/12, Liên hợp quốc nhận định: mặc dù 2013 là năm thứ hai tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới hầu như không khởi sắc, nhưng với những dấu hiệu tích cực vào cuối năm thì vẫn có thể lạc quan về triển vọng của năm 2014. Đánh giá tổng thể, Liên hợp quốc cho rằng việc Eurozone chấm dứt thời kỳ suy thoái kéo dài, kinh tế Mỹ cũng như một số nền kinh tế lớn đang nổi, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, đang hồi phục là những yếu tố kích thích kinh tế thế giới tăng trưởng. Báo cáo của Liên hợp quốc dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% năm 2014, cao hơn mức tăng ước khoảng 2,1% trong năm 2013.

       Báo cáo của Liên hợp quốc cũng dự báo, trong năm 2014, thị trường lao động và nhà ở sẽ hồi phục, tạo đà cho GDP của Mỹ có thể đạt tăng trưởng 2,5%. Trong khi đó, GDP của Tây Âu dự kiến chỉ tăng 1,5%, vì dù khu vực này đã thoát khỏi suy thoái trong năm 2013 nhưng triển vọng vẫn khá ảm đạm do phải tiếp tục áp dụng các biện pháp tài chính khắc khổ khiến tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng. Kinh tế Nhật Bản được cải thiện nhờ vào các gói kích cầu của chính phủ nhưng mức tăng trưởng dự kiến trong năm 2014 vẫn thấp, chỉ đạt khoảng 1,5%. Liên hợp quốc cho rằng hiệu quả của chương trình cải cách cơ cấu sắp tới vẫn chưa rõ ràng và chương trình tăng thuế tiêu thụ trong thời gian tới có thể làm giảm tăng trưởng. 

Đối với nhóm đang phát triển, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn được dự báo vẫn khá phức tạp. Tình hình kinh tế Trung Quốc được cải thiện với tăng trưởng dự kiến ở mức 7,5% trong vài năm tới. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ hồi phục lên mức trên 5%. Tăng trưởng kinh tế tại Brazil dự đoán sẽ khôi phục lên mức 3% trong năm 2014. Tuy nhiên, triển vọng này không chắc chắn, do nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh vẫn chịu tác động của việc giảm nhu cầu từ bên ngoài, thiếu ổn định trong hoạt động lưu thông vốn quốc tế và chính sách siết chặt tiền tệ. Kinh tế Nga được dự báo sẽ hồi phục ở mức vừa phải, lên 2,9% trong năm 2014.

Trong khi đó, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU- Economist Intelligence Unit) thuộc tập đoàn “Nhà Kinh tế” của Anh ngày 12/12 công bố báo cáo nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu đang trở nên sáng sủa hơn và GDP của các quốc gia trên thế giới sẽ tăng khá trong năm 2014. Kết quả này có được nhờ đà tăng trưởng của các “đầu tàu” như Mỹ và Nhật Bản, cũng như sự phục hồi khá ấn tượng ở Eurozone. EIU dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 3,6% trong năm 2014. Nếu điều này trở thành hiện thực thì nhịp độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu không chỉ cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2,9% đưa ra trước đó, mà còn đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2011.  

EIU dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng lên 2,6% trong năm tới. EIU nhận định GDP của Eurozone sẽ tăng 0,9% trong năm 2014, trong đó nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức đạt mức tăng trưởng 1,4% và nền kinh tế lớn thứ hai là Pháp tăng 0,7%. Đối với Nhật Bản, EIU cho rằng chương trình cải cách kinh tế tiếp tục tiến triển, giúp xuất khẩu tăng mạnh và sức ép giảm phát cũng dịu đi phần nào. EIU dự báo GDP của nước này sẽ tăng 1,7% trong năm 2014, tương đương mức tăng trưởng trong năm 2013. 

Theo EIU, lo ngại lớn nhất trong số các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới là sự giảm tốc ở Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng GDP của nước này sẽ giảm từ 7,6% trong năm 2013 xuống khoảng 7,3% năm sau, do Bắc Kinh thắt chặt tín dụng và tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Còn triển vọng kinh tế của Ấn Độ đang cải thiện sau vài năm gặp khó khăn. EIU nhận định GDP của Ấn Độ sẽ tăng 6% trong năm 2014 so với 4,9% trong năm 2013. 

Bên cạnh những dấu hiệu tích cực khiến dư luận lạc quan hơn về bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2014, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn. Liên hợp quốc đã nêu lên một trong những rủi ro đến từ việc FED sẽ dần tiến tới việc ngừng chương trình kích thích kinh tế, điều có thể đẩy các thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng bán tháo tài sản thế chấp, ảnh hưởng đến nguồn đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi. Những yếu tố tiêu cực khác là hệ thống ngân hàng còn yếu, thực lực kinh tế của Eurozone chưa ổn định. Những rủi ro này có thể khiến nền kinh tế thế giới chệch khỏi đà phục hồi vẫn còn mong manh. 

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các nền kinh tế mới nổi có thể phải hứng chịu những hậu quả từ chính sách tiền tệ (CSTT) thắt chặt của Mỹ. Đó là những quốc gia đang chứng kiến dòng vốn chảy ra ngoài hoặc bị tác động bởi việc Mỹ tăng lãi suất và các nước có chính sách tiền tệ kém linh hoạt trước các cú sốc. IMF cảnh báo Ấn Độ và Indonesia là những quốc gia có chính sách hạn chế hơn để đối phó với các ảnh hưởng của việc FED thắt chặt CSTT. Bên cạnh đó, lãi suất tăng có thể cũng sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nam Phi bởi động thái này có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi nước này. Theo các chuyên gia phân tích, việc FED thắt chặt CSTT có thể khiến dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi và làm tăng chi phí vay vốn ở những nền kinh tế này. Những tác động như vậy đã được cảm nhận vào giữa năm 2013, khi FED mới chỉ bắt đầu cân nhắc khả năng thu hẹp quy mô của chương trình mua trái phiếu thì thị trường cổ phiếu và thị trường hối đoái ở các thị trường mới nổi đã bị chấn động mạnh. Đồng Rupee của Ấn Độ và đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm giá kỷ lục so với đồng bạc xanh của Mỹ, trong khi các nước khác như Indonesia, Mexico và Brazil cũng phải đối mặt với các áp lực tương tự. Năm 2014, FED chính thức bắt đầu rút QE3, thị trường mới nổi khó tránh được sự chao đảo mạnh. 

Trong khi đó, các quốc gia là nạn nhân của cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu như Hy Lạp, Ireland, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đang đứng trước một năm 2014 đầy thách thức. Triển vọng kinh tế của các nước này sẽ phụ thuộc vào những bước đi mà Liên minh châu Âu và chính phủ từng nước thực hiện trong bối cảnh những số liệu kinh tế gần đây khá đa chiều. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), trừ Tây Ban Nha, tất cả các nước trên đều có tỷ lệ nợ/GDP ở mức thấp nhất là 100%. Bên cạnh đó, các nước này đều đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp cao và lĩnh vực ngân hàng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

 

Lê Minh
Tìm kiếm