HNX SAU 8 NĂM HOẠT ĐỘNG THEO MÔ HÌNH SGDCK - DIỆN MẠO MỚI NĂNG ĐỘNG, HIỆN ĐẠI VÀ SÁNG TẠO

18/01/2019 23:00

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) kỷ niệm ngày chuyển đổi mô hình thành Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK)1 lần thứ 8 với hàng loạt các sự kiện như: ra mắt trang thông tin điện tử mới, phân bảng UPCoM2 theo quy mô vốn, ra mắt chỉ số UPCoM theo quy mô vốn, áp dụng cơ chế thành viên tạo lập thị trường. Đặc biệt hơn, HNX đã cơ bản hoàn tất các công việc chuẩn bị, sẵn sàng khai trương thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) Việt Nam.  

Thị trường cổ phiếu niêm yết hoạt động ổn định, đi vào chiều sâu

Thị trường cổ phiếu niêm yết HNX sau 8 năm (2009 - 2017) đã trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh để đi vào hoạt động ổn định và phát triển về chiều sâu. Từ 257 doanh nghiệp năm 2009, đến nay, HNX đã có 377 doanh nghiệp niêm yết với quy mô vốn hóa đạt 183 nghìn tỷ đồng, tăng gần 18,5% so với cùng kỳ năm trước (tính đến ngày 20/6/2017). 

Tỷ trọng các doanh nghiệp vốn hóa trên 100 tỷ đồng chiếm trên 50%, nhiều doanh nghiệp nghìn tỷ đã chọn HNX là nơi niêm yết cổ phiếu. Trong số này có thể kể đến các tên tuổi như Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Á Châu, Công ty cổ phần (CTCP) Cảng Hải Phòng, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS)...

Trong những thời điểm thị trường chứng khoán (TTCK) sôi động, thanh khoản trên sàn HNX có lúc đạt hơn 900 tỷ đồng/phiên giao dịch. Trong vòng 3 năm trở lại đây, thanh khoản thị trường được giữ ổn định ở mức 500 - 600 tỷ đồng/ phiên. Tính bình quân tháng, tỷ lệ quay vòng chứng khoán theo khối lượng (turnover ratio) trên thị trường này đạt mức 0.122, điều này có nghĩa là trong một tháng, có tới 12,2% khối lượng cổ phiếu niêm yết có giao dịch. Để thúc đẩy thanh khoản trên thị trường, trong thời gian tới, HNX sẽ áp dụng cơ chế thành viên tạo lập thị trường (market maker). Theo đó, các nhà tạo lập thị trường sẽ yết giá hai chiều, thực hiện các giao dịch cùng mua, cùng bán loại chứng khoán đã đăng ký tạo lập thị trường; kết nối cung cầu, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể dễ dàng bán hoặc mua một loại chứng khoán nào đó, nhất là những chứng khoán không có thanh khoản hoặc thanh khoản thấp.

Có thể thấy, trong 8 năm qua, HNX luôn phát huy được vai trò dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, với kết quả huy động vốn trên 69 nghìn tỷ đồng vốn cho đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp niêm yết (DNNY). 

Để có được kết quả này, HNX đã xây dựng nhiều chương trình quản trị công ty (QTCT) nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững và lâu dài của doanh nghiệp. Cùng với đó, HNX cũng đã tổ chức nhiều khóa học, hội nghị, hội thảo về chủ đề QTCT được các doanh nghiệp quan tâm như Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), hoạt động của Hội đồng quản trị… 

Song song với việc phát hành các ấn phẩm về QTCT như các sổ tay hướng dẫn tổ chức ĐHĐCĐ, sổ tay QTCT, sổ tay hướng dẫn công bố thông tin (CBTT) theo chuẩn bền vững EGS (môi trường, xã hội và quản trị)..., để lan tỏa những kinh nghiệm hay, khích lệ những gương mặt có nhiều nỗ lực trong QTCT, hàng năm HNX đều tổ chức đánh giá “CBTT và minh bạch” của DNNY theo phương pháp thẻ điểm được công bố từ năm 2013 và vinh danh 30 doanh nghiệp tiểu biểu nhất. Sau 7 năm triển khai và sau 4 kỳ chấm điểm, các DNNY đã có nhiều chuyển biến rõ rệt trong vấn đề minh bạch thông tin nói riêng và QTCT nói chung. Từ thành công bước đầu, kể từ năm 2017, HNX sẽ mở rộng nội dung đánh giá theo 5 nguyên tắc QTCT của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế).

Thị trường UPCoM bứt phá, quy mô gấp 2,4 lần thị trường niêm yết

UPCoM chính thức hoạt động từ năm 2009 với mục tiêu thu hẹp dần thị trường giao dịch tự do, mở rộng thị trường có quản lý của Nhà nước. 

Sau 8 năm, UPCoM đã có nhiều thay đổi linh hoạt nhằm thu hút doanh nghiệp, tăng tính hấp dẫn của thị trường với nhà đầu tư như thay đổi tiêu chí, thủ tục đăng ký giao dịch (ĐKGD) theo hướng nhanh, gọn hơn, nới rộng biên độ dao động giá, bổ sung phương thức khớp lệnh liên tục, áp dụng giao dịch trực tuyến, áp dụng Hệ thống quản lý thông tin trực tuyến (CIMS) trong hoạt động CBTT… 

Đến nay, thị trường UPCoM quy tụ 568 CTĐC ĐKGD với giá trị vốn hóa thị trường đạt 444 nghìn tỷ đồng (tính đến hết ngày 20/6/2017), tăng trên 296% so với cùng kỳ năm 2016; quy mô vốn hóa thị trường gấp 2,4 lần so với thị trường niêm yết. Cùng với sự bứt phá ngoạn mục về quy mô trong 2 năm trở lại đây, thanh khoản của thị trường này hiện đã vượt mức 197,7 tỷ đồng/phiên, bỏ xa mức 4 tỷ đồng/phiên năm 2009. Với UPCoM, ngoài sự hậu thuẫn về mặt chính sách như gắn hoạt động đấu giá cổ phần hóa với ĐKGD, để phát triển thị trường, HNX cũng chủ động triển khai các giải pháp nhằm thu hút nhà đầu tư. Ngày 23/6/2017, HNX đã triển khai phân bảng thị trường UPCoM theo quy mô vốn và ra mắt chỉ số UPCoM theo quy mô vốn, nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc theo dõi các nhóm doanh nghiệp một cách dễ dàng và có chọn lọc. Theo đó, các cổ phiếu sẽ được phân vào 3 bảng: UPCoM Large với 40 doanh nghiệp có quy mô vốn từ 1.000 tỷ đồng trở lên, UPCoM Medium với 70 doanh nghiệp có quy mô vốn từ 300 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng và UPCoM Small với 379 doanh nghiệp có quy mô vốn từ trên 10 tỷ đồng đến dưới 300 tỷ đồng.

Việc phân bảng UPCoM cũng là bước đầu trong việc tăng cường giám sát thị trường với khối lượng doanh nghiệp lớn, đa dạng về quy mô, chất lượng, ngành nghề. Trước đó, ngày 20/6/2017, HNX cũng đã ban hành Quy chế Tổ chức và Quản lý Thị trường UPCoM mới, trong đó bổ sung thêm các biện pháp giám sát với các cấp độ cảnh báo, tạm dừng, hạn chế, đình chỉ giao dịch đối với các CTĐC ĐKGD trên thị trường này.

Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP): phát triển mạnh mẽ, sâu rộng

Cũng giống UPCoM, thị trường TPCP chuyên biệt khai trương hoạt động trong năm 2009. Sau 8 năm hoạt động, thị trường TPCP đã có những bước phát triển vượt bậc và đi vào chiều sâu. Hàng hóa được tăng cường với kỳ hạn phát hành từ ngắn đến dài, siêu dài. Thanh khoản của thị trường không ngừng được cải thiện, cơ sở nhà đầu tư đã được mở rộng, thông tin minh bạch, thị trường đã khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Sau 10 năm tập trung hoạt động đấu thầu TPCP tại HNX (2006 - 2016), tổng khối lượng vốn huy động cho nền kinh tế thông qua đấu thầu đạt xấp xỉ 1,4 triệu tỷ đồng. Khối lượng vốn huy động được năm 2016 gấp 74 lần so với năm 2006, chiếm xấp xỉ 18% so với tổng mức đầu tư toàn xã hội, tính chung giai đoạn 2010 - 2016, thị trường sơ cấp có mức tăng trưởng trong huy động vốn bình quân đạt 67,5%/năm. 

Về kỳ hạn, các trái phiếu có kỳ hạn dài đã được các tổ chức phát hành phát hành nhiều hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là các trái phiếu có kỳ hạn siêu dài, lên tới 20, 30 năm. Tính tới tháng 6/2017, kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt 13,8 năm, tăng 5,53 năm so với năm 2016 (kỳ hạn phát hành bình quân năm 2016 là 8,27 năm). Cho đến nay, thông tin thị trường ngày càng minh bạch với sự tham gia tích cực của các tổ chức phát hành trong việc công bố kế hoạch và lịch biểu phát hành, CBTT về tình hình tài chính và hoạt động. Trên thị trường thứ cấp, tính đến ngày 20/6/2017, quy mô niêm yết đạt 979 nghìn tỷ đồng, tương đương 18% GDP của năm 2016. Tổng GTGD TPCP đạt 861 nghìn tỷ đồng, tương đương GTGD bình quân phiên khoảng 7.689 tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với năm 2016, gấp 20,9 lần so với năm 2009. 

Năm 2016, thị trường TPCP đã ghi nhận một bước tiến mới khi GTGD mua đi bán lại (repo) đã vượt lên gần ngang với giao dịch mua bán thông thường (outright), đạt mức gần 40% trên tổng GTGD toàn thị trường. Điều này cho thấy thị trường TPCP Việt Nam đã đi vào giai đoạn phát triển về chiều sâu. Đến năm 2017, xu hướng này vẫn tiếp tục được khẳng định khi 6 tháng đầu năm 2017, GTGD repo đã xấp xỉ giao dịch outright, chiếm tỷ trọng 47,91% so với tổng GTGD toàn thị trường. Trong đó, cơ cấu nhà đầu tư đã có sự chuyển dịch rõ rệt, nếu các năm trước, tỷ lệ NHTM tham gia thị trường TPCP chiếm 80%, thì trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 55,4%. Tỷ lệ tham gia của các quỹ bảo hiểm và các quỹ đầu tư đã tăng lên đạt 44,6%. Trong đó, các NHTM hiện đang nắm giữ khoảng 74% trái phiếu lưu hành và các quỹ bảo hiểm nắm giữ khoảng 20%.

TTCKPS: đã sẵn sàng khai trương

Năm 2015 đánh dấu một bước ngoặt đối với HNX khi tháng 7/2015, Bộ Tài chính đã có Thông báo số 448/TB-BTC quyết định giao nhiệm vụ vận hành TTCKPS cho HNX. Với vai trò là đơn vị vận hành TTCKPS, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), HNX đã phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) triển khai các công tác cụ thể để đưa TTCKPS vào vận hành. Cho đến nay, các công việc chuẩn bị cho TTCKPS đang được triển khai tích cực, sẵn sàng vận hành khi khai trương thị trường. Hệ thống quy chế, quy trình trên TTCKPS: Trên cơ sở các quy định của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP3 và Thông tư số 11/2016/TT-BTC4 , ngày 24/3/2017, HNX đã ban hành 2 quy chế: Quy chế thành viên TTCKPS tại HNX, quy định cụ thể về yêu cầu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ giao dịch chứng khoán phái sinh (CKPS) và hồ sơ thủ tục đăng ký làm thành viên TTCKPS; Quy chế niêm yết và giao dịch hợp đồng tương lai (HĐTL) tại HNX, quy định về hoạt động niêm yết và giao dịch HĐTL chỉ số cổ phiếu và HĐTL TPCP tại HNX, tạo cơ sở cho sự vận hành của TTCKPS trên HNX. Các quy trình đi kèm gồm 3 quy trình quản lý giao dịch CKPS (quản lý hệ thống, quản lý giao dịch trên hệ thống nhập lệnh và giao dịch thỏa thuận) và 3 quy trình quản lý thành viên (chấp thuận tư cách thành viên, thành viên đặc biệt, cấp, cấp lại và hủy tư cách đại diện giao dịch trên TTCKPS). 

- Hệ thống giao dịch: Kết quả test (chạy thử) chức năng tại HNX cho thấy nhìn chung kết quả test đạt yêu cầu vận hành ổn định, hệ thống của HNX và VSD đồng bộ tốt, chức năng khai thác thông tin, hiển thị thông tin từ hệ thống giao dịch chính xác, kịp thời. Việc kết nối giữa hệ thống của VSD, HNX và các CTCK thành viên đã được thực hiện thông suốt, chính xác và đảm bảo tính toàn vẹn, an toàn. HNX sẽ tiếp tục phối hợp với VSD hỗ trợ các CTCK test, rà soát hệ thống lần cuối; đóng gói, cài đặt tham số hệ thống, đảm bảo hệ thống sẵn sàng vận hành.

- Chấp thuận thành viên: Trong tháng 5 và đầu tháng 6/2017, HNX đã chấp thuận thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh cho 6 CTCK gồm HSC, VNDirect, Bản Việt, SSI, BSC, VPBS, và kết nối hệ thống giao dịch CKPS với các thành viên này. - Sản phẩm: Dự kiến trước mắt sẽ triển khai sản phẩm HĐTL chỉ số VN30, sản phẩm trên TTCKPS sẽ chính thức được công bố ra thị trường 01 tháng trước khi khai trương. Đối với sản phẩm HĐTL TPCP, Bộ Tài chính giao Vụ Tài chính Ngân hàng nghiên cứu, có văn bản chấp thuận về thiết kế sản phẩm HĐTL TPCP với tài sản cơ sở là trái phiếu giả định.

- Cơ chế giá: HNX và VSD đã có công văn gửi Cục Quản lý Giá

- Bộ Tài chính đề xuất cơ chế giá cho sản phẩm trên thị trường CKPS (miễn giá dịch vụ 6 tháng đầu tiên). Nhìn lại 8 năm sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ HASTC sang HNX, thời gian chưa phải là dài so với bề dày hoạt động, nhưng HNX đã vươn lên khẳng định vị thế của mình trên TTCK Việt Nam. Bằng sự nỗ lực bền bỉ, HNX đã tạo dựng hình ảnh một SGDCK năng động, hiện đại, sáng tạo.

SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN HÀ NỘI
Tìm kiếm