HNX NÔ LỰC TRONG MỌI HOẠT ĐỘNG VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIÊT NAM

11/02/2019 19:14
Đây là những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hoàng Lan (ảnh) - Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với phóng viên Tạp chí Chứng khoán trong chuyên đề đặc biệt kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khi nhìn lại những thành quả mà HNX đã đạt được sau 11 năm hoạt động và định hướng phát triển của HNX trong thời gian tới.

Thưa bà, trong chặng đường hơn 11 năm hoạt động, HNX đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của ngành Chứng khoán Việt Nam. Bà có thể chia sẻ về những nỗ lực của HNX cũng như những thành tựu quan trọng mà HNX đã đạt được?

Ra mắt ngày 8/3/2005, đến nay HNX đã có hơn 11 năm hoạt động. Được khai sinh ban đầu từ một đơn vị trực thuộc UBCKNN nên có thể nói, HNX trưởng thành, lớn mạnh cho đến ngày hôm nay đều nhờ công vun đắp của các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ Bộ Tài chính, UBCKNN trong quá trình xây dựng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Bản thân HNX cũng đã vượt qua nhiều thử thách, khó khăn và nỗ lực không ngừng để có thể đưa Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HaSTC) với quy mô khiêm tốn ngày nào trở thành một SGDCK hiện đại như ngày nay với giá trị giao dịch (GTGD) bình quân (bao gồm cổ phiếu và trái phiếu) trên 7 nghìn tỷ đồng/phiên, chiếm trên 75% tổng GTGD bình quân của toàn thị trường (tính chung cả thị trường trái phiếu, cổ phiếu và UPCoM). Nhìn lại chặng đường đã qua, thì quãng thời gian chuẩn bị cho việc mở cửa thị trường tại HaSTC có lẽ là giai đoạn thử thách đối với tập thể lãnh đạo, khi HaSTC phải tìm được hướng đi của mình, tạo một khoảng sân hoạt động và đáp ứng mong mỏi của 80 con người nhiệt tâm bám trụ đến thời điểm đó - thời điểm năm 2004, khi việc xây dựng, thiết kế hệ thống giao dịch chứng khoán là vấn đề nan giải.

Trong nước chưa có đơn vị cung cấp phần mềm nào đã từng viết phần mềm cho ngành Chứng khoán. Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh vẫn đang sử dụng hệ thống giao dịch do SGDCK Thái Lan chuyển giao từ năm 2000. Chi phí mua hệ thống giao dịch từ nước ngoài vừa cao, vừa không tạo được sự chủ động trong áp dụng vào Việt Nam và nhất là trong điều kiện TTCK còn rất sơ khai. Trong bối cảnh đó, HaSTC đã quyết tâm phải làm chủ công nghệ và xây cho được hệ thống của riêng mình, bắt đầu từ việc lựa chọn một đối tác trong nước để cùng phát triển phần mềm giao dịch chứng khoán đầu tiên “Made in Vietnam” 1. Đến nay, HNX rất tự hào khi hệ thống giao dịch cổ phiếu này đã sở hữu nhiều tính năng ưu việt, có năng lực xử lý vượt trội, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Quan trọng hơn, từ kinh nghiệm phát triển hệ thống giao dịch cổ phiếu, sau này HNX cũng tự tin chủ động phát triển các hệ thống giao dịch, thông tin trái phiếu, tín phiếu, quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và hiện nay là hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh (CKPS). Tự chủ hệ thống công nghệ đã trở thành dấu ấn riêng đậm nét của một SGDCK trẻ trung như HNX. Và cũng thật tình cờ, xu hướng này hiện cũng đang được nhiều SGDCK trên thế giới hướng tới.

Về hoạt động đấu giá cổ phần hóa (CPH), đối với HNX vừa là một kỷ niệm “thiêng liêng” vừa là một hoạt động trọng điểm cho đến nay. Ngày 8/3/2005, chúng tôi khai trương hoạt động với việc tổ chức phiên đấu giá CPH đầu tiên cho Công ty Thiết bị Bưu điện. Đây là hoạt động có nhiều ý nghĩa, đóng góp nhiều cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế của đất nước. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư hệ thống công nghệ đấu giá, con người làm nghiệp vụ đấu giá, chúng tôi đã nghiên cứu thực tiễn để có nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến CPH, xây dựng quy chế, quy trình để nâng cao hiệu quả đấu giá như đề xuất cơ chế đấu giá 2 cấp thay vì 1 cấp, nhằm mở rộng sự tham gia của nhà đầu tư, giảm thời gian tổ chức đấu giá, triển khai nghiệp vụ minh bạch, công khai. HNX đã luôn song hành với cơ quan quản lý Bộ Tài chính, UBCKNN để tham gia tuyên truyền, tập huấn các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thu hút các doanh nghiệp đấu giá và tham gia TTCK, đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ CPH DNNN do Chính phủ giao.

Có thể nói, HNX đã triển khai hiệu quả hai nhiệm vụ quan trọng nữa mà Bộ Tài chính, UBCKNN giao cho HNX, đó là xây dựng và phát triển thêm hai thị trường bên cạnh thị trường cổ phiếu đã được tổ chức tại HNX - thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) và thị trường dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM). Từ việc tập trung đấu thầu TPCP từ tháng 7/2006, đến tháng 9/2009, HNX đã khai trương thị trường TPCP chuyên biệt với việc ra mắt hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt, hệ thống giao dịch này được tách bạch khỏi hệ thống giao dịch cổ phiếu, kết nối với thành viên thị trường TPCP gồm các công ty chứng khoán (CTCK) và ngân hàng thương mại (NHTM). Sau 7 năm vận hành, thị trường TPCP đã mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế khi thực sự là một kênh dẫn vốn, phục vụ cho ngân sách nhà nước (NSNN) và đầu tư phát triển. Khối lượng huy động qua đấu thầu các năm 2014, 2015 đạt lần lượt 18% và 19,7% so với tổng mức đầu tư toàn xã hội. GTGD trái phiếu trên thị trường thứ cấp đã đạt đến 6.478 tỷ đồng/phiên năm 2016.

Thị trường UPCoM cũng là một kết quả của quá trình nỗ lực tìm tòi của HNX. Trong khung cảnh những năm 2006 - 2008, thị trường tự do gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin, xã hội thì UPCoM ra đời nhằm mục đích thu hẹp thị trường tự do, và cũng là nơi tập dượt cho các doanh nghiệp trước khi lên niêm yết. Với thị trường này, HNX đã rất chủ động đề xuất Bộ Tài chính, UBCKNN về mô hình, cơ chế giao dịch, giải pháp tăng thanh khoản… UPCoM hiện mang một sứ mệnh quan trọng khác là khuyến khích các doanh nghiệp CPH lên giao dịch ngay, tạo sự minh bạch cho TTCK. Chính vì vậy, UPCoM hiện cũng được giới đầu tư nhìn nhận là một thị trường có nhiều cổ phiếu tiềm năng với 338 doanh nghiệp đăng ký giao dịch (ĐKGD), tổng giá trị ĐKGD là 84.275 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng quy mô ĐKGD bình quân đạt tới 34%/năm. Như vậy, 11 năm tuổi đời trong khoảng thời gian 20 năm hoạt động của ngành Chứng khoán, có thể nói, HNX vẫn còn trẻ nhưng đầy đam mê, năng động và tâm huyết với Ngành. Vận hành 3 thị trường trên một nền công nghệ hiện đại “Made in Việt Nam”, tổng vốn hóa 3 thị trường tính đến nay đã đạt 929 nghìn tỷ đồng, HNX ngày càng đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Và các thế hệ cán bộ HNX chúng tôi luôn tự hào vì điều đó.

Trong những thành tựu chung đó, rõ ràng sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường trái phiếu là một điểm sáng quan trọng trong bức tranh tươi màu của HNX với việc tổ chức và vận hành thành công thị trường này trong suốt những năm qua. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về điều này?

Từ thời điểm 01/7/2006 khi Quyết định 2276/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tập trung đấu thầu TPCP tại HNX có hiệu lực, chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc phải tổ chức giao dịch cho TPCP sau khi đấu thầu. Học hỏi nhiều kinh nghiệm thế giới về tổ chức thị trường cho TPCP, HNX đã đúc kết những nguyên tắc chính, trong đó đề cao vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường này, mục tiêu là phát huy tối đa tính hiệu quả phục vụ đầu tư phát triển của đất nước cũng như đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Chính vì vậy, việc tổ chức đấu thầu và giao dịch thứ cấp tập trung tại SGDCK với các giải pháp tiên tiến, linh hoạt, thúc đẩy thanh khoản thị trường, tập trung thông tin về một đầu mối để phục vụ hoạt động quản lý, điều hành... đã được Bộ Tài chính, UBCKNN, các Bộ, ban, ngành đánh giá cao, được thị trường đặc biệt ủng hộ. Đến nay, trên thị trường sơ cấp, tính chung giai đoạn 2010 - 2015, giá trị phát hành TPCP qua đấu thầu trên HNX có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 67,5%/năm và đã trở thành kênh huy động vốn chủ đạo, chiếm 98% tổng số vốn huy động từ phát hành trái phiếu của Kho bạc Nhà nước (KBNN), 100% số vốn huy động từ trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Trên thị trường thứ cấp, tại thời điểm cuối tháng 9/2016 có 546 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 915 nghìn tỷ đồng, so với cuối năm 2006, quy mô niêm yết tăng 50 lần. Quy mô giao dịch cũng tăng mạnh mẽ qua các năm. Năm 2015, tổng GTGD trái phiếu đạt hơn 906 nghìn tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với năm 2010. GTGD bình quân phiên cũng tăng trưởng vượt trội (từ mức 370 tỷ đồng/phiên năm 2010, lên mức 1.668 tỷ đồng/phiên năm 2013, mức 3.643 tỷ đồng/phiên năm 2014 và 6.478 tỷ đồng/phiên năm 2016). Thị trường TPCP Việt Nam được đánh giá là thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhất khu vực Đông Á và ASEAN giai đoạn 2010 - 2015. Cơ sở hạ tầng, hệ thống giao dịch phục vụ thị trường luôn được HNX chú trọng đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường trong từng giai đoạn. Đến nay, HNX đã đưa vào vận hành hệ thống giao dịch TPCP trực tuyến trên Internet (E.BTS) và hệ thống đấu thầu trái phiếu điện tử trên Internet (E.ABS). Hai hệ thống này không chỉ kết nối HNX với thành viên thị trường, cơ quan quản lý mà còn mở rộng kết nối đến tận nhà đầu tư, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tạo sự đột phá về khối lượng đấu thầu, giao dịch, đáp ứng bước phát triển mới trên thị trường trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, công tác phát triển sản phẩm, dịch vụ và tiện ích phục vụ thành viên thị trường và nhà đầu tư cũng được HNX triển khai tốt trong suốt thời gian qua. Hệ thống chỉ số, chỉ báo thị trường đến nay đã hoàn thiện, bắt đầu với Đường cong lãi suất ra mắt tháng 3/2013, HNX tiếp tục ra mắt bộ chỉ số trái phiếu (Bond Index) của KBNN với nhiều kỳ hạn khác nhau vào tháng 1/2015. Hai hãng thông tin quốc tế Bloomberg và Reuters đều cung cấp thông tin về hệ thống chỉ báo này dưới tên gọi “VN Bond Yield Curve”2 và “VN Bond Index”3 cho các nhà đầu tư quốc tế theo dõi. KBNN và HNX cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu. Kỳ hạn 7 năm, 20 năm, 30 năm đã lần lượt được phát hành và đạt kết quả đấu thầu tốt với nhiều sản phẩm mới như trái phiếu có kỳ trả lãi dài (longcoupon bond) và trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero coupon bond).

Theo lộ trình, TTCK phái sinh (TTCKPS) sẽ vận hành vào năm 2017. Trong bối cảnh thị trường cơ sở vẫn còn bộn bề, HNX đã có những chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng vận hành thị trường này trong thời gian tới?

Trước hết, sản phẩm phái sinh ra đời sẽ làm đa dạng hơn sản phẩm đầu tư và phòng ngừa rủi ro. Chủ trương cho ra đời TTCKPS là một bước đi “chiến lược” trong quá trình phát triển TTCK trên 3 thị trường trụ cột. Có thể do đặc điểm là một SGDCK trẻ, năng động nên HNX đã được Bộ Tài chính giao cùng với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) xây dựng TTCKPS. Theo lộ trình, TTCKPS sẽ vận hành vào năm 2017. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp mà chúng tôi phải triển khai đồng thời với việc phát triển thị trường cơ sở. Với quyết tâm đưa TTCKPS đi vào hoạt động đúng tiến độ, HNX đang tập trung vào xây dựng các quy chế vận hành thị trường, phát triển hạ tầng công nghệ cho giao dịch CKPS, thiết kế mẫu hợp đồng và hỗ trợ các thành viên dự kiến tham gia thị trường. Ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BTC ngày 19/1/2016 hướng dẫn về CKPS và TTCKPS, chúng tôi đã tập trung hoàn thiện dự thảo hai bộ Quy chế về giao dịch và thành viên trên TTCKPS, dự kiến ban hành trong quý IV/2016. HNX và VSD cũng đã hoàn thiện thủ tục lựa chọn giải pháp hệ thống phù hợp, đáp ứng phát triển trên cùng một nền tảng công nghệ với phần mềm giao dịch, lựa chọn nhà thầu triển khai xây dựng hệ thống kết nối giữa HNX và VSD để “test”4 kết nối hệ thống. Công tác thiết kế sản phẩm đang trong giai đoạn hoàn chỉnh. Các điều khoản của hai Hợp đồng mẫu (Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và TPCP) đã được khảo sát lấy ý kiến thành viên thị trường, dự kiến trình UBCKNN vào cuối năm nay.

Xác định công tác tuyên truyền, đào tạo có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển các thị trường mới, chúng tôi thường xuyên có các chương trình đào tạo cho các CTCK dự kiến tham gia TTCKPS. Đồng thời, các chương trình hội nghị, hội thảo về CKPS và TTCKPS có sự tham gia của chuyên gia trong nước và quốc tế đã được tổ chức tại Sở, hoặc phối hợp tổ chức với các đơn vị liên quan trong khuôn khổ chương trình của UBCKNN liên tục trong hai năm qua.

Là một trong những người gắn bó với HNX gần 10 năm, bà có thể chia sẻ một kỷ niệm nào đó của mình trong quá trình tham gia điều hành HNX?

Năm 2007, tôi được UBCKNN điều động đến làm việc tại HaSTC. Công việc đầu tiên tôi đảm nhiệm tại đây là Trưởng ban đấu giá. Khoác trên người đồng phục gile đỏ, tôi đã được trải nghiệm nhiều phiên đấu giá căng thẳng có, sôi động có, nhiều phiên có đến hàng nghìn nhà đầu tư tham gia, có những phiên kéo dài 4 - 5 ngày làm việc… Ấn tượng nhất với tôi là hình ảnh các nhà đầu tư đứng vòng trong, vòng ngoài, chật kín hết sảnh đấu giá của HNX; không còn chỗ trong sảnh thì các nhà đầu tư xếp thành nhiều hàng dài trước phố Phan Chu Trinh để đợi kết quả đấu giá. Có những phiên, chỉ riêng khâu soát phiếu và nhập lệnh cũng mất 2 ngày mới xong như phiên đấu giá CPH Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Tôi tin rằng, không chỉ riêng tôi, hình ảnh này đã trở nên quá đỗi quen thuộc, trở thành một phần ký ức đậm nét đối với cán bộ HNX và các nhà đầu tư về thời kỳ đầu phát triển của TTCK Việt Nam. Sự lan tỏa của TTCK cũng bắt đầu từ những phiên đấu giá công khai, minh bạch như thế. Đến nay đã chuyển sang mô hình 2 cấp, không còn đông nhà đầu tư đứng vòng trong vòng ngoài vì tất cả nghiệp vụ đều qua hệ thống, nhưng anh em Ban đấu giá vẫn rất tự hào khi mặc áo gile đỏ, làm các công việc lặng lẽ nhưng nhiều ý nghĩa cho nền kinh tế nước nhà.

Trên cương vị là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành HNX, xin bà cho biết kế hoạch sắp tới của HNX để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển ngày càng vững mạnh của TTCK Việt Nam?

Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020 mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra, Hội đồng quản trị HNX đã chỉ đạo Ban điều hành tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thị trường TPCP, phục vụ công tác huy động vốn kịp thời và hiệu quả cho NSNN và cho đầu tư phát triển; Thứ hai, triển khai công tác đấu giá hiệu quả, chủ động hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện triệt để chính sách tái cơ cấu doanh nghiệp, CPH, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp gắn với tham gia TTCK, phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng thị trường cổ phiếu theo chỉ đạo của Chính phủ; Thứ ba, tập trung nguồn lực để xây dựng các thị trường mới, sản phẩm mới: TTCKPS, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường start – up (thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo)... Thứ tư, mở rộng các hoạt động kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, thành viên thị trường và công chúng đầu t�%

Tìm kiếm