CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VỚI 50 NĂM HÒA BÌNH VÀ TĂNG TRƯỞNG CỦA ASEAN

18/01/2019 21:01
Trong năm 2017, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm thành lập (1967 - 2017). Đây cũng là một thời điểm quan trọng để các thành viên trong ngôi nhà chung ASEAN cùng nhìn lại những thành quả đã đạt được cũng như nhận diện những thách thức ở phía trước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (the Fourth Industrial Revolution - 4IR) đang làm thay đổi cảnh quan ASEAN, với những thành tựu công nghệ cao đang gây áp lực lớn cho các nhà hoạch định chính sách không chỉ ở mỗi quốc gia mà đối với toàn khu vực. Thực tế này đòi hỏi cần phải có phương thức tiếp cận mới trong hoạch định chính sách, nhằm đảm bảo an toàn, phát triển ổn định khu vực ASEAN.

Kinh tế khu vực ASEAN thời gian qua đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ những nỗ lực của tất cả các thành viên trong khối kết hợp với thúc đẩy thương mại và thực hiện nhiều cải cách khác. Do đó, trong thập kỷ qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ASEAN đã tăng gấp đôi từ 1,3 nghìn tỷ USD (năm 2007) lên 2,6 nghìn tỷ USD (năm 2016). Tỷ lệ đói nghèo giảm đáng kể và sự thịnh vượng tăng mạnh làm cho ASEAN trở thành một trong những khu vực các nước đang phát triển có quy mô thị trường tiêu dùng quan trọng nhất thế giới. Sự thành công của ASEAN đã cho phép tổ chức phát triển và mở rộng chức năng của mình bên cạnh an ninh khu vực. Năm 2015, ASEAN thành lập Cộng đồng kinh tế (AEC) mở ra chương trình nghị sự táo bạo để tăng cường hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, cùng với những thành công đã đạt được, ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức như bất bình đẳng gia tăng, đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu…, trong đó thách thức lớn nhất là sự lan rộng của 4IR đã và đang gây áp lực không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách buộc họ phải tìm cách giải quyết. Ảnh hưởng biến đổi của 4IR đòi hỏi các quốc gia phải nghiêm túc nhìn nhận về chính sách và những mục tiêu ưu tiên do 4IR không tác động lớn đến từng quốc gia đơn lẻ mà ở tầm khu vực và quốc tế. Tốc độ gia tăng nhanh chóng của công nghệ làm thay đổi bản chất các quan hệ xuyên biên giới và sự tương tác kinh tế quốc tế khiến việc định hình chính sách khu vực đang ngày càng trở lên bức thiết.

Cơ hội và thách thức của 4IR đối với các nước ASEAN

Đặc điểm của các nước trong ASEAN có sự đa dạng về chính trị, kinh tế và văn hóa, do vậy 4IR sẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như đặt ra những thách thức, điển hình như:

Cơ hội từ cuộc 4IR:

- Gia tăng sự giàu có. Năng suất lao động tăng do áp dụng công nghệ hiện đại của 4IR tác động vào nền kinh tế có thể giải phóng thêm 220 tỷ USD đến 625 tỷ USD trong khu vực ASEAN vào năm 2038. Đồng thời, sẽ mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng, giảm chi phí, nâng cao chất lượng…, tất cả những điều này sẽ tăng thêm giá trị cho đối tượng tiêu dùng.

– Quyền chủ đạo trong tăng trưởng bao trùm (inclusive growth)1 . Công nghệ từ 4IR sẽ tạo ra hình thức mới để người dân có thể kết nối với nhau, giao dịch với nhau và tiếp cận các dịch vụ hiện chưa có. Chẳng hạn như Việt Nam, Philippines hay Myanmar chỉ có 1/3 dân số có tài khoản ngân hàng. Trong 4IR, người dân sẽ được tiếp cận các nguồn thông tin mới (tin tức hay biến động liên tục của thị trường), các hình thức giáo dục mới (chương trình đào tạo trực tuyến), dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (chuẩn đoán, phát hiện bệnh thông qua tư vấn, chẩn đoán qua điện thoại…) và các dịch vụ tài chính mới. Tất cả những hình thức này sẽ tác động đến mức độ tăng trưởng bao trùm của mỗi quốc gia cũng như khu vực.

- Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). SMEs là xương sống của các nền kinh tế trong khu vực ASEAN. SMEs chiếm từ 89% - 99% doanh nghiệp trong ASEAN và cung cấp từ 52% - 97% việc làm cho các nước thành viên. Tuy nhiên, thực tế nhiều SMEs bị hạn chế khả năng phát triển do thiếu tiếp cận về tài chính, dịch vụ kinh doanh, thông tin cũng như hạn chế thâm nhập thị trường trong và ngoài khu vực. Sự gia tăng phát triển của thị trường số và các dịch vụ trực tuyến có thể giúp SMEs kết nối với các thị trường khu vực khổng lồ thay vì chỉ tiếp nhận các khách hàng địa phương như trước đây. 4IR hứa hẹn sẽ mở ra một thế giới giao dịch vi mô, các công nghệ như Blockchain sẽ cách mạng hóa phương thức thanh toán và hậu mãi cho phép SMEs tương tác trên cơ sở đáng tin cậy mặc dù chưa thương thảo trực tiếp bao giờ. Hiện tại, giá trị thương mại điện tử trong khu vực ASEAN đạt mức 9 tỷ USD, hay khoảng 14 USD/ người. 

- Cơ hội bứt phá. Công nghệ của 4IR tạo ra cơ hội cho các nước đang phát triển để bứt phá bỏ qua các giai đoạn phát triển truyền thống, chẳng hạn điện thoại di động ra đời làm giảm nhu cầu lắp đặt các đường dây cố định đắt tiền hay việc ra đời các ngân hàng trực tuyến và di động sẽ giảm chi phí xây dựng chi nhánh ngân hàng.

- Kết nối vùng miền. Một số quốc gia trong ASEAN, đặc biệt là Indonesia, Philippines và Malaysia có rất nhiều các hòn đảo lớn nhỏ xung quanh, công nghệ của 4IR cho phép kết nối, giao thương giữa các quần đảo trở nên dễ dàng, mật thiết, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế. Tương tự như vậy, một số nước ASEAN có số đông dân cư nông thôn ở những vùng hẻo lánh vẫn chưa được hưởng lợi từ công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và thứ hai như Campuchia, Myanmar… khi chỉ có ½ dân số có điện, thì 4IR sử dụng công nghệ năng lượng tái tạo mới, điện được tạo ra ngay tại địa phương hơn là các nhà máy điện tập trung có thể cung cấp điện năng cho mọi người.

- Chuyển đổi nông nghiệp. Nhiều quốc gia ASEAN xuất phát là nước nông nghiệp, 4IR có khả năng tác động tích cực đến ngành nông nghiệp. Trong ngắn hạn, 4IR tác động đến khả năng kết nối nông dân với internet đã mang lại những cải thiện đáng kể về năng suất, khả năng sinh lời và tính bền vững của nông nghiệp. Điện thoại thông minh cho phép nông dân tiếp cận tốt hơn với giá cả thị trường, thông tin thời tiết cũng như các kiến thức, kinh nghiệm trong nuôi trồng… Công nghệ của 4IR cũng cho phép cải thiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, do đó giảm nguy cơ thực phẩm ô nhiễm. Thanh toán điện tử giúp giảm chi phí giao dịch và các ứng dụng sau thu hoạch cho phép người dân sử dụng hiệu quả dịch vụ vận tải vào và ra khỏi vùng mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

- Y tế và chăm sóc sức khỏe được cải thiện. Công nghệ 4IR đưa ra mô hình mới để cung cấp các dịch vụ y tế, giúp các bác sĩ thu thập dữ liệu di truyền, môi trường và lịch sử của bệnh nhân. Từ đó cho phép xây dựng các phác đồ điều trị hiệu quả cho mỗi người hoặc nhóm người. Điều này sẽ không chỉ cải thiện việc điều trị y tế mà còn có khả năng giảm chi phí cung cấp dịch vụ y tế bằng cách giảm số tiền dành cho thuốc không phù hợp.

- Nâng cao khả năng ứng phó thảm họa. Đông Nam Á đặc biệt dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do phần lớn người dân phụ thuộc vào nông nghiệp, đặc biệt các khu vực bờ biển đông dân cư. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có tiềm năng rất lớn trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại của 4IR để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Thách thức từ 4IR:

- Thất nghiệp và gián đoạn trong công việc. Trí tuệ nhân tạo (AI) và robot đang gia tăng nhanh chóng, máy móc hoạt động tốt hơn và nhanh hơn con người. Mặc dù điều này sẽ giúp giảm chi phí và tăng năng suất nhưng sẽ đe dọa đến việc làm và một số nước thành viên ASEAN sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn các nước khác do tay nghề thấp hơn. Tổ chức lao động quốc tế ước tính khoảng 56% công việc tại 5 quốc gia ASEAN (Campuchia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Philippines) có nguy cơ tự động hóa trong vài thập kỷ tới. Trong khi đó, lực lượng lao động trong ASEAN dự báo sẽ tăng thêm khoảng 11.000 công nhân mỗi ngày trong 15 năm đến 17 năm tới. Vì thế, ít nhất trong ngắn hạn, thất nghiệp có thể tăng lên, dẫn đến số lượng người nhập cư tìm kiếm việc làm tại các nước phát triển hơn trong khu vực ASEAN sẽ nhiều hơn và sẽ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Mặt khác, đào tạo lại và phát triển kỹ năng mềm có thể làm giảm tác động của tự động hóa nhưng sẽ không ngăn chặn được làn sóng di cư này

– Bất bình đẳng và bất ổn chính trị. Hội tụ kinh tế giữa các nền kinh tế phát triển và kém phát triển trong khu vực ASEAN đã cho thấy xu hướng đầy hứa hẹn trong hai thập kỷ qua. Vào năm 1997, GDP của Singapore cao gấp 57 lần so với Lào thì đến năm 2016, khoảng cách này đã giảm xuống còn 19 lần. Tuy nhiên, xu hướng này đi cùng với sự gia tăng của tình trạng bất bình đẳng trong các quốc gia. Ảnh hưởng của 4IR có thể làm chậm, thậm chí đảo ngược sự hội tụ giữa các quốc gia. Thêm vào đó, tăng trưởng thiếu hòa nhập sẽ làm gia tăng sự bất ổn về xã hội và kinh tế, máy móc dần thay thế con người sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các lao động trình độ thấp. Do đó, cần phải có những giải pháp phù hợp đối với các nền kinh tế dựa vào tri thức để ASEAN duy trì khả năng cạnh tranh.

- Thiếu khả năng cạnh tranh. Trong 4IR, sự lan truyền của cách mạng số cho phép các doanh nghiệp không còn bị giảm lợi nhuận theo quy mô, tăng khách hàng với chi phí biên gần như bằng 0 mà thay vào đó là cung cấp đơn hàng giá trị lớn thông qua tác động của các hiệu ứng mạng. Chẳng hạn, Google hiện kiểm soát 90% quảng cáo tìm kiếm, Facebook kiểm soát 77% lưu lượng mạng xã hội di động và Amazon chiếm 75% thị trường sách điện tử. Trong khi các doanh nghiệp đang trao quyền cho người sử dụng thì các doanh nghiệp trong khối ASEAN thiếu quy mô cạnh tranh trước các đối thủ không nằm trong ASEAN.

- Dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công mạng. Khi các thiết bị cảm biến và máy móc ngày càng được kết nối với internet thì nguy cơ phá hoại từ các cuộc tấn công mạng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, các Chính phủ trong ASEAN dường như chưa thực sự chú trọng đầu tư thời gian để phát triển các biện pháp an ninh, gồm cả chính sách và luật pháp về an ninh mạng ở cả cấp độ quốc gia và khu vực. Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã ước tính chi phí hàng năm để đối phó với tội phạm mạng toàn cầu dao động trong khoảng từ 375 tỷ USD đến 575 tỷ USD.

ASEAN trong hợp tác giải quyết thách thức của 4IR

Hội nhập sâu hơn cho phép các doanh nghiệp tiệm cận các thị trường lớn hơn và hiệu quả hơn. Hơn nữa, 4IR còn tạo cơ hội phát minh và ứng dụng các ý tưởng, chuyển giao kiến thức, cho phép hình thức hợp tác mới kết nối các nguồn lực khác nhau một cách hiệu quả. 4IR không công nhận biên giới quốc gia, do vậy, hợp tác sâu hơn trong khu vực sẽ phòng chống hiệu quả đối với tội phạm mạng, đồng thời giúp ASEAN nắm bắt cơ hội và chủ động quản lý rủi ro. Muốn vậy, các quốc gia trong ASEAN cần phải:

- Chia sẻ dữ liệu: Dữ liệu là nền tảng cho 4IR và phần lớn công nghệ được xây dựng trên nền tảng này. Các cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ ngày càng dựa vào khả năng truy cập, di chuyển xử lý và lưu trữ dữ liệu trên khắp ASEAN để cung cấp các dịch vụ và thu được những lợi ích của 4IR. Việc xây dựng các rào cản trong truy cập dữ liệu sẽ hạn chế khả năng không chỉ của cá nhân, doanh nghiệp mà cả hệ thống chính trị, ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế. Trong khi đó, việc cho phép kết hợp các loại dữ liệu khác nhau sẽ làm tăng gấp đôi các lợi ích kinh tế, xã hội. Do vậy, ASEAN cần phải xây dựng cơ chế khuyến khích tiếp cận dữ liệu, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an ninh, quyền riêng tư và quyền sở hữu trí tuệ cũng được đặt lên hàng đầu. Các quốc gia ASEAN cần hợp tác để xây dựng các quy tắc và quy định chi phối việc dữ liệu chảy qua biên giới và các điều kiện bảo mật. Các quốc gia xây dựng hệ danh mục dữ liệu hạn chế truy cập xuyên biên giới liên quan đến quyền riêng tư và đảm bảo an ninh.

- Thương mại và sản xuất: Đặc điểm thương mại là di chuyển từ hàng hóa vật chất sang hàng hóa ảo. Chẳng hạn các sản phẩm truyền thống như sách, nhạc và phim đã thực hiện chuyển đổi này. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải xây dựng tiêu chí và các quy định an toàn cũng như cách thức thi hành đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, chế tạo…

- Tiêu chuẩn dịch vụ: Giao dịch xuyên biên giới làm gia tăng quy mô cũng như chất lượng không chỉ đối với hàng hóa mà còn cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong khu vực ASEAN, không chỉ ở đô thị mà cả vùng sâu, vùng xa với nhiều sự lựa chọn và giá cả phải chăng hơn. Các quy tắc tiếp cận thị trường cần thiết phải được xây dựng một cách hài hòa và minh bạch nhất có thể.

- Môi trường kinh doanh hợp nhất: Để thành công trong kỷ nguyên 4IR, các doanh nghiệp nền tảng và hạ tầng cơ sở trong ASEAN cần phải đáp ứng nhu cầu hoạt động toàn khu vực. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ASEAN có quy mô hoạt động tương đối nhỏ, chủ yếu trong phạm vi thị trường nội địa, điều này hạn chế sự thâm nhập thị trường khu vực do thiếu kỹ năng, chưa tiếp cận phương thức mạng. Việc hài hòa Luật và quy định về kinh doanh giữa các quốc gia nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trước các đối thủ lớn hơn từ bên ngoài khu vực.

- Chuyển đổi chính sách tài chính phù hợp: Khi các sản phẩm trở nên ảo, các dịch vụ di chuyển trực tuyến và được phân phối từ xa sẽ làm thay đổi khả năng giám sát, kiểm định và thu thuế của chính phủ. Với sự gia tăng các giao dịch xuyên biên giới liên quan đến kỹ thuật số, các chính phủ sẽ cần phải hợp tác với nhau để xác định những quy định thuế nào sẽ điều chỉnh tương tác thương mại khu vực.

- Mạng lưới giáo dục khu vực: Chống lại thách thức về mất việc làm và gián đoạn việc làm do 4IR đòi hỏi phải có sự chuyển đổi giáo dục phù hợp. Các kỹ năng cần thiết để phát triển sẽ không chỉ tập trung vào khả năng kỹ thuật mà còn khuyến khích sáng tạo cũng như phương thức áp dụng sáng tạo vào thực tế. Việc xây dựng và mở rộng hệ thống giáo dục trực tuyến trong khu vực sẽ giúp sinh viên, người lao động tiếp cận nhanh chóng các tiến bộ kỹ thuật, điều này rất quan trọng đối với người lao động trong tương lai. Xây dựng các tiêu chí chung thừa nhận lao động lẫn nhau trong khối ASEAN về trình độ chuyên môn. Cam kết hài hòa và đơn giản hóa thị thực lao động vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực. Nếu không thể di chuyển lao động trong khu vực thì lợi ích của 4IR có thể không được chia đều, thậm chí bất bình đẳng trong khu vực tăng lên.

- Phương thức quản lý của chính phủ: 4IR không chỉ ảnh hưởng đến các ưu tiên và vấn đề hội nhập khu vực ASEAN mà còn cần một cách tiếp cận mới để xây dựng và thực hiện chính sách này. Với tầm quan trọng và tốc độ phát triển của 4IR, các chính phủ cần phải nghiêm túc, suy nghĩ sáng tạo về cách thức hoạch định chính sách, xây dựng các tiêu chuẩn và soạn thảo quy định phù hợp chung trong khu vực đảm bảo nguyên tắc sau:

+ Nhanh: Công nghệ thay đổi liên tục đồi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải thường xuyên cập nhật trong quá trình xây dựng các quy định và thiết lập các tiêu chuẩn đảm bảo đáp ứng sự thay đổi của công nghệ;

+ Linh hoạt và bao trùm: Các cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách phải có sự linh hoạt để đáp ứng nhanh chóng với các hoàn cảnh thay đổi mà không để mất các mục tiêu và giá trị được luật pháp bảo hộ. Khi công nghệ phát triển, cơ quan quản lý phải có khả năng sửa đổi quy định phù hợp với thời gian thực. Việc tiếp cận linh hoạt trong hoạch định chính sách sẽ nhanh chóng đưa ra các ý tưởng mới, xây dựng các thể chế có liên kết thử nghiệm ở quy mô địa phương của các quốc gia thành viên khác nhau, từ đó rút kinh nghiệm sửa đổi, bổ sung thiết kế quy định khu vực. Hoạch định chính sách được coi là hiệu quả khi xem xét các quan điểm và đầu vào của tất cả các bên liên quan;

+ Cởi mở: 4IR là một hiện tượng toàn cầu và phương thức tiếp cận không nên bó hẹp trong khu vực ASEAN. Phương thức tiếp cận khu vực mở cho phép hợp tác rộng rãi hơn, trở thành một nền tảng lý tưởng để xây dựng các quy định và luật pháp quốc tế có thể mở ra cánh cửa cho thị trường toàn cầu, đồng thời vẫn duy trì các giá trị và nguyên tắc cốt lõi trong khu vực ASEAN.

NGUYỄN PHƯƠNG MAI
(VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ - UBCKNN)
Tìm kiếm