Thị trường chứng khoán thế giới 2016 THĂNG HOA TRONG NHIỀU BIẾN ĐỘNG

15/01/2017 09:00
Chứng khoán thế giới đã trải qua một năm nhiều thăng trầm với biến động khôn lường trước những sự kiện nằm ngoài dự đoán và vượt tầm kiểm soát. Chỉ số chứng khoán Trung Quốc, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã trải qua những thời khắc chưa có tiền lệ. Nhưng vượt lên tất cả, thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới vẫn thăng hoa sau những mất mát không nhỏ bởi nhà đầu tư vẫn không đánh mất niềm tin để thắp lên hy vọng rằng những ngày đen tối đã qua và tương lai đang bừng lên ở phía trước.

Vượt qua sóng gió

Khởi đầu là từ sàn chứng khoán Trung Quốc, nơi lần đầu tiên chỉ số CSI 3001 giảm 5% khiến thị trường phải ngừng giao dịch 15 phút ngay trong ngày đầu tiên cơ chế “ngắt mạch” bắt đầu có hiệu lực (4/1) và sau đó đóng cửa sớm khi chỉ số CSI giảm hơn 7%. Đà rơi tự do của chứng khoán trong phiên chào sàn 4/1 được coi là “điềm gở” báo hiệu những ngày đen tối nhất của TTCK Trung Quốc kể từ năm 2007. Không lâu sau đó vào phiên 7/1, Sàn Thượng Hải đã phải tạm ngừng giao dịch 15 phút khi cơ chế “ngắt mạch” lại được kích hoạt do chỉ số SCI giảm hơn 5% và chỉ số Shenzhen Composite giảm tới 6,77%. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 01/2016, chỉ số SCI đã giảm 23%. Đây có thể chỉ là “dư chấn” của những bất ổn trong năm 2015, song có một điều không thể phủ nhận là những hoảng loạn đầu năm ở Trung Quốc đã khởi đầu cho làn sóng bán tháo cổ phiếu trên nhiều thị trường khác, từ London tới New York, cũng như thiết lập xu hướng biến động mạnh trên các TTCK toàn cầu trong suốt một năm qua. 

Có thể nói những ngày đầu tiên của năm, các TTCK thế giới chao đảo trước lo ngại về nguy cơ suy thoái của kinh tế Trung Quốc. Chỉ trong 10 ngày giao dịch đầu tiên, TTCK toàn cầu mất hơn 4.000 tỷ USD, chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm gần 8%. Thị trường trái phiếu (TTTP) toàn cầu cũng biến động mạnh do các ngân hàng trung ương (NHTW) can thiệp vào thị trường ngoại hối, trong khi giới đầu tư đổ tiền vào trái phiếu chính phủ để bảo toàn nguồn vốn. 

Sau những sóng gió đầu năm, thị trường dần bình lặng trở lại, sắc xanh đã tạo đà cho các thị trường ghi điểm khá nhanh và phố Wall bắt đầu tìm đến các đỉnh cao mới.

Nhưng chưa hết quý II, TTCK toàn cầu lại chứng kiến làn sóng mới bùng lên từ cuộc trưng cầu ý dân về việc nước Anh đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU). Ngay trước cuộc trưng cầu này, giới đầu tư tỏ ra khá tin tưởng vào khả năng nước Anh sẽ ở lại EU. Do vậy, thị trường toàn cầu thực sự sốc và cảm thấy bất an với kết quả nước Anh chọn giải pháp Brexit2 . Quyết định này đã khiến các sàn chứng khoán từ châu Âu qua Mỹ tới châu Á lại một phen hoảng loạn. Chỉ số FTSE 100 tại thị trường London để mất 7,5% ngay khi thị trường mở phiên 24/6, song đà trượt dốc có phần chững lại sau khi Thủ tướng Anh Cameron thông báo từ chức vào tháng 10 và các NHTW cam kết sẽ hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Nhờ đó tới cuối phiên, chỉ số FTSE 100 chỉ còn để mất 3,2% xuống 6.138,69 điểm. Trong khi đó, hai chỉ số chứng khoán chủ chốt khác của châu Âu là DAX 30 của Frankfurt và CAC 40 của Paris vẫn chưa thể phục hồi cho tới cuối phiên khi để mất lần lượt 6,8% và 8% xuống 9.557,16 điểm và 4.106,73 điểm.

Brexit còn gây ra làn sóng bán tháo mạnh nhất trên phố Wall trong 10 tháng và phiên mất điểm 24/6 đã xóa sạch thành quả mà DJ và S&P 500 có được từ đầu năm, đồng thời nới rộng mức giảm của Nasdaq. Chốt phiên 24/6, DJ sụt 611,21 điểm còn 17.400,75 điểm; S&P 500 hạ 75,91 điểm về 2.037,41 điểm và Nasdaq mất 202,06 điểm còn 4.707,98 điểm. 

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei-225 không thể tránh khỏi hiệu ứng domino từ Brexit và để mất 1.286,33 điểm, mức giảm mạnh nhất trong 16 năm xuống còn 14.952,02 điểm.

Sự kiện Brexit đã “cuốn theo” 2.100 tỷ USD từ các TTCK toàn cầu chỉ trong một ngày 24/6. Dù vậy, cú sốc Brexit và quyết định tái khởi động chính sách nới lỏng tiền tệ của NHTW Anh lại giúp TTTP hồi phục. Tính đến tháng 8/2016, các chỉ số của TTTP toàn cầu đạt mức cao nhất và tổng giá trị tài sản trên TTTP có mức lãi suất dưới 0% đã tăng lên đến 13.400 tỷ USD. 

Dù không gây nhiều lo âu như Brexit, song cuộc bầu cử Tổng thống gay cấn nhất trong lịch sử nước Mỹ cũng làm các sàn chứng khoán thêm một phiên điêu đứng. Tuy nhiên, những quan ngại đó lại được xua tan khi nhà đầu tư lại đặt niềm tin vào Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump rằng ông sẽ không đối đầu với các đối tác thương mại toàn cầu, các chính sách của ông sẽ thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời chủ trương nới lỏng các quy định kinh doanh sẽ hỗ trợ nhiều ngành như ngân hàng hay y tế. Nhiều người đánh giá chính quyền mới dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump sẽ thực hiện các biện pháp kích cầu thông qua chính sách nới lỏng tài chính, cắt giảm thuế và đơn giản hóa các quy định đối với hoạt động kinh doanh.

Giới phân tích cũng lưu ý rằng các chính sách của chính quyền mới sẽ tiếp thêm sức mạnh cho kinh tế Mỹ, song cũng sẽ làm tăng tỷ lệ lạm phát. Điều này có lẽ sẽ đặt dấu chấm hết cho “kỷ nguyên” trái phiếu lãi suất cực thấp. Trong tháng 12/2016, tổng giá trị trái phiếu lãi suất dưới 0% đã giảm xuống dưới mức 11.000 tỷ USD, trong khi TTCK Mỹ liên tục xác lập các mức kỷ lục. Giới đầu tư cũng tăng cường việc bán trái phiếu, đặc biệt là sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất trong cuộc họp bàn về chính sách cuối cùng của năm. Động thái này cho thấy, rất có thể FED sẽ đẩy nhanh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2017. 

Càng về cuối năm, phố Wall lại càng chứng kiến chuỗi ngày ghi điểm tưng bừng và lập thêm kỳ tích mới. Phiên 13/12 được coi là bước đệm để chỉ số DJ tiến nhanh tới ngưỡng 20.000 điểm khi đã chạm tới 19.911,21 điểm, mức chốt phiên cao kỷ lục thứ bảy liên tiếp. Cùng phiên này, các chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng có kỷ lục mới là 2.271,72 điểm và 5.463,83 điểm. Sức bật của chứng khoán Mỹ ngày càng mạnh hơn khi tới phiên 20/12, DJ và Nasdaq lại chinh phục các đỉnh cao mới 19.974,62 điểm và 5.483,94 điểm. Tuy nhiên, chỉ có Nasdaq là duy trì được sức bền khi chạm tới đỉnh mới 5.487,44 điểm vào phiên 23/12. Đáng tiếc là tới phiên cuối năm, DJ lại rời xa ngưỡng 20.000 điểm được kỳ vọng có thể chạm tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ do làn sóng bán ra chốt lời và dừng tại 19.762,60 điểm, ghi nhận năm khởi sắc nhất kể từ năm 2013. Theo sau đó, S&P 500 và Nasdaq chỉ cán đích lần lượt 2.238,83 điểm và 5.383,12 điểm vào phiên cuối năm. Tuy nhiên, tính chung cả năm, DJ vẫn tăng 13,4%, S&P 500 tăng 9,5%, còn Nasdaq có thêm 7,5%.

Kể từ sự kiện Brexit, chỉ số FTSE 100 của Anh liên tục ghi điểm cho tới cuối năm và lập kỷ lục bởi kinh tế Anh đã xua tan được quan ngại Brexit sẽ đẩy nước Anh tới suy thoái trong năm 2016 nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh. Đóng cửa năm 2016 ở 7.142,83 điểm, chỉ số FTSE 100 đã có đỉnh cao mới khi vượt đỉnh 7.129,83 điểm vừa được xác lập vào tháng 10/2016 nhờ đồng Bảng Anh mất giá mạnh đã hỗ trợ cổ phiếu các doanh nghiệp xuất khẩu và kỳ vọng vào chính sách tăng đầu tư cho hạ tầng của ông Trump.

Nhà chiến lược cao cấp Masahiro Ichikawa từ Sumitomo Mitsui Asset Management Co. nhận định, biến động tiền tệ có tác động mạnh tới TTCK Nhật Bản. Chỉ số Nikkei-225 trải qua nhiều cung bậc, từ chỗ khởi đầu trên 17.000 điểm, rồi trượt xuống dưới 15.000 điểm vào tháng 2 (khi NHTW Nhật Bản thực hiện chính sách lãi suất âm làm các mã cổ phiếu tài chính mất giá) và tháng 6 (do sự kiện Brexit), nhưng lại khép năm ở mức trên 19.000 điểm. Chính hy vọng vào chính sách “Trumponomics”3 lại giúp chứng khoán Nhật Bản lấy lại đà trong 2 tháng cuối của năm khi nhà đầu tư dõi theo những chính sách kinh tế mà chính quyền của Tổng thống đắc cử Trump sẽ thực thi. Theo đà đó, chỉ số Nikkei-225 chốt năm 2016 ở 19.114,37 điểm, mức đóng phiên cuối năm cao nhất kể từ năm 1996, thời điểm chỉ số này chốt tại mức 19.361,35 điểm, và ghi dấu năm tăng điểm thứ 5 liên tiếp.

Sau nhiều sóng gió TTCK Trung Quốc khép lại năm 2016 với “danh hiệu” là thị trường lớn hoạt động kém nhất ở châu Á khi để mất 11,3%, kết quả tệ nhất trong vòng 5 năm qua. Điều đáng nói là sau một năm 2015 lội ngược dòng thành công với mức tăng 9,4%, TTCK Trung Quốc lại tranh đua với quốc gia ngập trong núi nợ Bồ Đào Nha ở vị trí cuối cùng trong danh sách xếp hạng các TTCK năm 2016 của hơn 40 nước do Nhật báo phố Wall tổng kết.

Triển vọng năm 2017 còn nhiều ẩn số

Dù năm 2016 thăng hoa trong nhiều biến động, song giới phân tích dự báo triển vọng TTCK thế giới năm 2017 sẽ vẫn chịu tác động từ sự kiện Brexit khi nước Anh chính thức khởi động tiến trình chia tay ngôi nhà chung EU, mà theo dự đoán sẽ là một chặng đường đầy gập ghềnh. Thêm vào đó, khả năng thoái vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi do lo ngại lãi suất ở Mỹ tăng cao và bất ổn chính trị ở châu Âu khi diễn ra năm bầu cử ở nhiều nước thành viên như Hà Lan, Pháp, Đức... sẽ là những nguy cơ mà TTCK phải đối mặt trong năm 2017.

Giới phân tích cho rằng các nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị tâm lý cho những biến động của các thị trường mới nổi năm 2017 sẽ mạnh mẽ như năm 2016. Một trong những tác động trực tiếp từ cuộc bầu cử và chính sách lãi suất mới ở Mỹ là việc giới tài chính rút vốn khỏi TTTP mới nổi. Nếu lãi suất của Mỹ tăng mạnh trong năm 2017, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi sẽ mất giá so với USD. Điều này khó tránh khỏi việc gia tăng chi phí đi vay, cũng như gây áp lực lên các nước phụ thuộc vào vốn vay bằng USD. Theo đánh giá của Ngân hàng Nomura (Nhật Bản): “Điểm mấu chốt là nếu áp lực rút vốn khỏi thị trường mới nổi mạnh hơn những gì chúng ta đã thấy, phản ứng của thị trường cũng có thể mạnh hơn những gì chúng ta đã dự báo”.

Theo giới phân tích, TTCK Mỹ sẽ tăng trưởng chậm trong năm 2017 do tác động của các đợt tăng lãi suất của FED và phụ thuộc vào việc chính quyền của ông Trump sẽ thực hiện những cam kết như cắt giảm thuế và tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng đưa ra khi tranh cử như thế nào. Trên cơ sở đó, ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ dự báo chỉ số S&P 500 sẽ chạm tới ngưỡng 2.300 điểm trong quý I/2017 và có thể đạt 2.400 điểm trước khi hạ về mức 2.300 điểm vào cuối năm 2017. Còn theo khảo sát của Hãng Reuters, chỉ số S&P 500 sẽ tăng 5 - 6% lên mức 2.310 điểm.

TTCK thế giới năm 2017 được nhận định là sẽ có nhiều biến động, song TTCK Nhật Bản vẫn có khả năng tiếp tục bám theo “hiệu ứng tăng điểm Trump” cho dù với mức độ nhẹ hơn nhờ sự trợ lực từ đồng Yên yếu và lợi nhuận doanh nghiệp cao. Kỳ vọng vào chính sách “Trumponomics” - động lực đẩy thị trường đi lên gần đây, có thể nhạt nhòa khi ông nhậm chức ngày 20/1/2017. Nếu các chính sách khác biệt của ông được chứng minh là hiện thực và có lợi cho kinh tế Mỹ thì TTCK Nhật Bản có thể tận hưởng đợt tăng điểm thứ hai theo “hiệu ứng Trump”. Nhiều nhà phân tích dự báo, chỉ số Nikkei-225 có thể dao động trong khoảng 17.000 - 22.500 điểm trong năm 2017. Nhà phân tích thị trường Makoto Sengoku từ Tokai Tokyo Research Institute cho rằng, chứng khoán Tôkyô có thể tận dụng động lực đi lên hiện nay nhờ lợi nhuận doanh nghiệp khả quan theo sau đà mất giá của đồng Yên do các chính sách của Mỹ làm đồng USD mạnh hơn.  

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại thận trọng dự báo, chỉ số chứng khoán của các nền kinh tế chủ chốt có thể đạt mức tăng từ 6% - 10,2% nếu có tín hiệu tốt về lãi suất và các gói kích cầu của Chính phủ Mỹ. Trong tình huống xấu nhất, nếu các nhà đầu tư quan ngại vấn đề giá cổ phiếu quá cao và nợ công vượt trần thì TTCK toàn cầu có thể giảm trung bình 6,5% trong năm 2017. 

 

 

Hoàng Hà
Tìm kiếm