TỔNG QUAN DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH -TIỀN TỆ VIỆT NAM THÁNG 1 & 2/2014

15/03/2014 11:30

     Thị trường tiền tệ - ngân hàng

     Trong hai tháng đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán trên toàn hệ thống. 

     Các mức lãi suất điều hành của NHNN tiếp tục được giữ nguyên, trong đó có lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam (VND) của các TCTD đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND và đô la Mỹ (USD) của tổ chức, cá nhân tại các TCTD. Tại thời điểm này, lãi suất huy động ngắn hạn của phần lớn các ngân hàng đều tương đương nhau, chỉ có các kỳ hạn dài từ 1 năm trở lên mới có sự chênh lệch nhưng phổ biến vẫn ở mức 8,5 - 9%/năm. Hiện tại, lượng vốn huy động qua gửi tiết kiệm của các ngân hàng vẫn tăng trưởng đều. Trước tình hình tín dụng không tăng trưởng, các ngân hàng có xu hướng sử dụng vốn huy động được để đầu tư vào trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu chính phủ (TPCP) với nguồn cung lớn, độ an toàn cao và giá trị đáo hạn rất lớn (trên 130.000 tỷ đồng) trong năm 2014. Bên cạnh đó, TPCP còn được dùng để vay tái chiết khấu tại NHNN hoặc bán trên thị trường khi cần, hay thậm chí là cho vay mượn giữa các ngân hàng. 

     Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2014 về tổ chức thực hiện CSTT và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014, NHNN đã yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa các TCTD với khách hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất của các khoản vay cũ; xem xét miễn, giảm lãi vốn vay… NHNN cũng yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; tiết kiệm chi phí, giảm tối đa các chi phí quản lý, quảng cáo, khuyến mại và chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động của TCTD. 

     NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2014 ở mức 12 - 14% và phân bổ chỉ tiêu cho các TCTD. Tính đến ngày 20/2, tín dụng toàn hệ thống các TCTD giảm 1,66% so với cuối năm 2013, trong đó, tín dụng bằng VND giảm 1,94%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,11%. Hiện tượng này phù hợp với tính quy luật của những năm gần đây là tín dụng thường giảm hoặc tăng chậm trong những tháng đầu năm (trong hai tháng đầu năm 2012 giảm 1,88%, hai tháng đầu năm 2013 giảm 0,23%). Tuy nhiên, khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nợ xấu vẫn còn tồn đọng, hàng tồn kho chưa tiêu thụ được, sức mua chưa được cải thiện thì hoạt động tín dụng doanh nghiệp chưa thể tăng trưởng mạnh, vì vậy các ngân hàng đều có xu hướng mở rộng tín dụng cá nhân, đặc biệt đối với phân khúc khách hàng có nhu cầu về nhà ở. 

     Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 và tháng 2 lần lượt tăng 0,69% và 0,55% so với tháng trước, đây là mức tăng thấp nhất so với tốc độ tăng của cùng kỳ một số năm trước; mục tiêu giữ lạm phát ở mức 7% cho cả năm 2014 đang có đà khởi động tương đối thuận lợi. Trong bối cảnh này, nếu kinh tế khởi sắc hơn thì tín dụng sẽ có nhiều khả năng tăng trưởng và lãi suất cho vay cũng có thể hạ thấp hơn nữa. 

     Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất của hầu hết các kỳ hạn đều có xu hướng giảm.

     Để đáp ứng quy định về dự trữ bắt buộc của NHNN, nhu cầu nguồn vốn của các ngân hàng đã tăng mạnh trong thời điểm đầu năm, đồng thời yếu tố mùa vụ ở giai đoạn sát Tết Nguyên đán đã tác động tới thị trường liên ngân hàng, khiến mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn. Tuy nhiên, xu hướng này chỉ mang tính ngắn hạn, còn về cơ bản, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn được đánh giá là đang trong trạng thái tích cực, vì vậy mặt bằng lãi suất nói chung đã giảm trở về mức cũ và tiếp tục giảm ở giai đoạn sau Tết. Lượng tiền rút ra từ các NHTM giai đoạn trước Tết đã quay trở lại khá mạnh qua kênh gửi tiết kiệm. Nhu cầu vốn ngắn hạn không có sự gia tăng đột biến mà tiếp tục ổn định, giúp lãi suất liên ngân hàng có diễn biến khá tích cực. Thanh khoản hệ thống dồi dào, thậm chí một số ngân hàng còn dư thanh khoản nên đã đẩy mạnh mua vào TPCP trong khi tỷ lệ thành công phát hành tín phiếu của NHNN hiện rất cao trong giai đoạn này. Trên thị trường mở, NHNN đã hút ròng trong hai tháng đầu năm (xem Biểu đồ 2).

     Trong hai tháng đầu năm, NHNN đã hút về 74.568 tỷ đồng, đẩy ra 11.554 tỷ đồng, tổng khối lượng hút ròng đạt 63.014 tỷ đồng (trong đó, tháng 1 hút ròng 8.431 tỷ đồng và tháng 2 hút ròng 54.583 tỷ đồng). Sau khi bơm ròng trong tháng 12/2013, NHNN đã chuyển qua trạng thái hút ròng với khối lượng lớn trong hai tháng đầu năm này. Đây được xem như động thái nhằm cân bằng cung tiền trên toàn hệ thống. NHNN đã thực hiện chào thầu 1.000 tỷ đồng mỗi phiên với lãi suất 5,5% nhưng tỷ lệ trúng thầu ở mức rất thấp, bình quân khoảng 1%/phiên và có những ngày liên tiếp không có ngân hàng thương mại (NHTM) nào tham gia đấu thầu. Điều này cho thấy thanh khoản của các NHTM hiện đang dồi dào trong ngắn hạn.  

     Cùng với việc hút ròng trên thị trường mở, NHNN cũng đã bắt đầu đấu thầu tín phiếu với tổng khối lượng chào thầu tương đối lớn mỗi ngày. Nhờ huy động vốn của các NHTM vẫn tăng trưởng đều trong khi tín dụng trong hai tháng đầu năm tăng trưởng âm nên thanh khoản của toàn hệ thống tiếp tục được ổn định trong ngắn hạn, vì vậy việc phát hành tín phiếu có thể tiếp tục được NHNN duy trì song song với nghiệp vụ trên thị trường mở nhằm điều tiết cung tiền hợp lý.

     Trong năm 2014, Chính phủ tiếp tục theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, vì vậy xu hướng biến động của lạm phát vẫn sẽ là cơ sở để NHNN đưa ra các quyết định điều hành CSTT. Với lạm phát mục tiêu cả năm là 7% thì dư địa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất huy động là không nhiều nhưng lãi suất cho vay có khả năng giảm thêm từ 1 - 2%.

     Thị trường ngoại hối

     Tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức 21.036 đồng/USD. Tỷ giá niêm yết mua, bán VND/USD của các NHTM đang dao động trong khoảng 21.080 - 21.130 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do ở mức 21.130 - 21.155 VND/USD. Hai tháng đầu năm, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 244 triệu USD.

     Trong hai tháng đầu năm, NHNN đã điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp với cung cầu ngoại tệ cũng như diễn biến kinh tế vĩ mô để ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá, đảm bảo thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt. Có thể thấy, diễn biến thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định trong khi NHNN vẫn tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

     Trong tháng 1/2014, tỷ giá VND/USD luôn duy trì ở mức thấp, có thời điểm giá USD bán ra của các NHTM đã chính thức về ngang bằng giá mua vào của Sở Giao dịch NHNN khi đứng ở mức 21.100 VND/USD. Diễn biến này cho thấy xu hướng chuyển đổi USD sang VND, cung ngoại tệ đang tăng trên thị trường, và NHNN đang mua vào ngoại tệ nhiều hơn. Mặc dù tỷ giá có xu hướng tăng trong đầu tháng 2 nhưng mức tăng không đáng kể và có xu hướng ổn định vào giai đoạn cuối tháng 2. 

     Những thay đổi căn bản trong công tác điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ của NHNN thời gian qua đã bước đầu tạo lập sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại hối trong nước. Tuy nhiên, tình trạng đô la hóa trong nước tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, thói quen giữ vàng, USD như tài sản quan trọng vẫn tồn tại trong thực tiễn. Thị trường ngoại hối vẫn không ngoại trừ khả năng có thể bị ảnh hưởng từ những cú sốc bên ngoài. Điển hình như nền kinh tế Mỹ đã và đang phát đi các tín hiệu tích cực hơn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định thu hẹp dần gói QE3 từ đầu năm 2014 có thể kéo theo việc tăng giá của đồng USD và lãi suất đồng USD cũng sẽ tăng theo. Ngoài ra, nhu cầu USD tăng cao trước áp lực nhập siêu cũng có thể sẽ tăng lên cùng với sự phục hồi tốt hơn của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định của tỷ giá.  

     Thị trường vàng 

     Trong 2 tháng đầu năm 2014, giá vàng trong nước diễn biến với xu hướng chính là dao động trong biên độ hẹp vào tháng 1, tăng mạnh trong nửa đầu tháng 2 sau đó giảm nhẹ và đi ngang đến hết tháng 2. Giá vàng trong nước trong hai tháng đầu năm 2014 lên cao nhất tại mức 36,8 triệu đồng/lượng vào ngày 18/2 và thấp nhất tại 34,85 triệu đồng/lượng vào ngày 23/1. Trước tác động của giá vàng thế giới giảm, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã thu hẹp còn 2,2 triệu đồng/lượng tính đến ngày 28/2.

     Trong 2 tháng đầu năm, NHNN vẫn chưa tổ chức thêm phiên đấu thầu vàng nào nên diễn biến giá vàng trong nước chủ yếu chịu ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Trong tháng 1, giá vàng biến động tăng giảm liên tục, có lúc giảm trở về vùng giao dịch thấp của cuối năm 2013, dưới 35 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ diễn biến tăng giá vàng thế giới nhờ thông tin từ thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ giảm điểm và các số liệu sản xuất công nghiệp Trung Quốc đáng thất vọng, giá vàng trong nước có cùng xu hướng tăng.

     Sang tháng 2, giá vàng liên tục tăng mạnh trong nửa đầu tháng và có thời điểm lên gần 37 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giai đoạn cuối tháng, giá vàng trong nước không tạo đột biến về mức tăng so với trước, xu thế tăng cũng không còn là xu hướng chính. Thay vào đó, giá vàng liên tục tăng - giảm với biên độ hẹp. Có thể thấy, trong giai đoạn này, giá vàng trong nước tăng chủ yếu do chịu ảnh hưởng từ sự biến động của giá vàng thế giới, không có nhiều động lực mới từ thị trường trong nước. Nhưng điểm đáng ghi nhận nhất trên thị trường vàng trong giai đoạn này là mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế được thu hẹp đáng kể, còn hơn 2 triệu đồng/lượng, giảm mạnh so với mức chênh lệch 3,3 triệu đồng/lượng vào giai đoạn đầu tháng 2.

     Qua diễn biến giá vàng trong hai tháng đầu năm 2014, những đợt giá tăng rồi giảm nhanh gần đây cho thấy giá vàng chưa thể phục hồi một cách bền vững. Do đó, mỗi khi giá vàng tăng lên một mức nhất định, thị trường lại xuất hiện hie än tượng bán vàng chốt lời. Tuy nhiên, thị trường vàng trong nước chịu sự điều tiết của NHNN, cùng với nguồn cung độc quyền từ NHNN, do đó thị trường sẽ không có nhiều biến động lớn trong những tháng tới.

     TTCK

     TTCK Việt Nam trong hai tháng đầu năm diễn biến theo chiều hướng tích cực. Cùng với sự tăng lên về mặt điểm số, tính thanh khoản của thị trường cũng được cải thiện mạnh mẽ. Thị trường đã ghi nhận mức tăng điểm ấn tượng, với chỉ số VN Index tăng 16,2% và HNX Index tăng 22,4%, tương đương với mức tăng của cả năm 2013. Giá trị giao dịch thường xuyên ổn định quanh mức từ 2,000 đến 2,500 tỷ đồng/ phiên trong vòng hai tháng trở lại đây thể hiện tâm lý nhà đầu tư khá vững vàng và sức hấp dẫn của thị trường khá mạnh.

     Trong thời gian qua, thị trường nhận được khá nhiều thông tin hỗ trợ tích cực từ kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu lạc quan như GDP tăng trưởng cao dần hàng quý, lạm phát tiếp tục được kiềm chế ở mức thấp, sức cầu cải thiện và hàng tồn kho giảm. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) được cải thiện liên tục và vượt mức 50 điểm trong 5 tháng liên tiếp cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực ở khu vực sản xuất của Việt Nam nói chung và triển vọng lạc quan của các doanh nghiệp nói riêng trong thời gian tới. Tăng trưởng tín dụng năm 2013 vượt mục tiêu 12% và đạt mức 12,51%, tổng phương tiện thanh toán tăng 18,51%. Như vậy, tín dụng đã có sự gia tăng mạnh mẽ, là kết quả của nỗ lực đẩy mạnh cho vay trong bối cảnh cầu tín dụng tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng giảm đáng kể về 3,79%.

     Một yếu tố khác hỗ trợ cho TTCK trong thời gian qua chính là các thông tin về chính sách. Thị trường bất động sản (BĐS) cho thấy dấu hiệu ấm dần lên và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ lớn từ chính sách của Chính phủ như Quyết định số 21/QĐ-NHNN ngày 02/01/2014 của NHNN về giảm mức lãi suất của các NHTM trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở (gói 30.000 tỷ đồng)… Ngành ngân hàng cũng nhận được tin hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ với Nghị định 01/2014/NĐCP ngày 03/01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam, trong đó quy định cụ thể, chi tiết về hình thức, tỷ lệ, thủ tục mua bán cổ phần, điều kiện sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các TCTD trong nước. Bên cạnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu xuất, nhập khẩu của NHNN bắt đầu từ 15/3/2014 nhằm nỗ lực bình ổn thị trường vàng kết hợp với triển vọng giá vàng thế giới có xu hướng giảm, thị trường vàng không còn là một kênh đầu tư hấp dẫn trong năm nay, đặc biệt nếu so sánh với kênh đầu tư chứng khoán. 

     Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2014, kết quả kinh doanh (KQKD) của các doanh nghiệp đang dần được công bố, dù không thật sự xuất sắc nhưng phần nào cho thấy triển vọng sáng sủa hơn của các doanh nghiệp trong năm nay. Tin tức về KQKD quý IV/2013 và cả năm đã và đang lần lượt được công bố và lan truyền rộng rãi trong giới đầu tư dưới cả hình thức chính thức và không chính thức là động lực chính cho đà tăng của thị trường, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, vốn đã trải qua quá trình tích lũy khá dài vừa qua. Ngoài ra, năm 2013 được coi như một năm khá thành công của thị trường cổ phiếu niêm yết nên các công ty chứng khoán được kỳ vọng có kết quả kinh doanh tốt và theo đó, cổ phiếu của nhóm các công ty này đã tạo sức hút mạnh với dòng tiền. Một động lực khác củng cố đà tăng của thị trường trong thời gian qua chính là dòng vốn đến từ khối nhà ĐTNN thông qua các quỹ đầu tư và các dòng tiền nóng từ quỹ ETFs. Khối nhà ĐTNN mua ròng khá mạnh và tập trung nhiều vào các cổ phiếu chủ chốt và nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn.

     Như vậy, TTCK Việt Nam trong trung và dài hạn hoàn toàn có cơ sở để duy trì quan điểm lạc quan. Những cổ phiếu nhận được sự hỗ trợ tốt từ chính sách của Chính phủ, và những cổ phiếu được hưởng lợi từ sự hồi phục của nền kinh tế như Xuất khẩu, Xây dựng và các ngành phụ trợ (thép, xi măng...) sẽ là tâm điểm đáng chú ý trong thời gian tới.

Phòng Phân tích & Dự báo thị trường
Tìm kiếm