PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

15/05/2014 09:00
Giải pháp hoàn thiện cơ chế tác động của chính sách tiền tệ

KỲ 2: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CƠ CHẾ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Việc thực hiện nghiệp vụ thị trường tiền tệ (TTTT) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn còn hạn chế khi chưa có tác dụng định hướng mạnh mẽ đối với thị trường. Chẳng hạn, có những thời kỳ, lãi suất trên thị trường mở (OMO) còn cao hơn cả lãi suất tái cấp vốn. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2012, đặc biệt sang năm 2013, với nhiều nỗ lực cải tiến trong điều hành chính sách của NHNN, lãi suất trên thị trường OMO đã nằm trong khung lãi suất của lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu, góp phần tích cực định hướng lãi suất thị trường

Những hạn chế trên có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế tác động và hiệu quả điều hành Chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN. Điều này có thể được phân tích, lý giải như sau:

Trong một nền kinh tế thị trường, nhất là nền kinh tế thị trường phát triển, lãi suất là biến số kinh tế rất nhạy cảm, chịu tác động bởi tổng hòa các nhân tố (thu nhập, mức giá tăng, cung tiền, lãi suất quốc tế và tỷ giá) - có nghĩa là trong một khoảng thời gian nhất định, lãi suất vừa chịu tác động bởi các nhân tố làm tăng và các nhân tố làm giảm lãi suất. Nhưng nhìn chung, lãi suất được hình thành trên cơ sở quan hệ cung - cầu tiền tệ. Tuy nhiên, trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua, sự tăng giảm của lãi suất nhiều khi không thuận chiều với cung cầu vốn, tình hình này được thể hiện rõ trong những năm 2003 và 2006. Trong thời gian này, nguồn vốn ngắn hạn trên thị trường dư thừa, nhưng lãi suất ngắn hạn trên thị trường vẫn có xu hướng tăng (lẽ ra phải giảm). Nguyên nhân của tình trạng này là do TTTT của Việt Nam còn có sự phân tách và độc quyền. Thị phần tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vào khối ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước. Tình trạng tập trung này dẫn tới việc độc quyền trong quyết định giá vốn bởi các NHTM nhà nước cộng với sự phân đoạn thị trường đã gây ra sự phản ứng chậm chạp của lãi suất tiền gửi và tiền vay trước những thay đổi lãi suất chỉ đạo của NHNN giai đoạn trước năm 2005 - 2006.

Đến nay, mức độ độc quyền có phần suy giảm hơn những năm trước, song thị trường lại có những biểu hiện về tính thiếu liên kết và không có phản ứng nhanh trước những tín hiệu chính sách của NHNN. Một số NHTM thậm chí còn có biểu hiện phá vỡ mối liên kết này để chạy theo những lợi ích trước mắt bằng những khoản cho vay liên ngân hàng với lãi suất quá cao và tranh giành khách hàng với các biện pháp cạnh tranh thiếu lành mạnh. Hơn nữa, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng “ngoạn mục” trong tháng 1/2008 so với mức tăng trưởng tín dụng trong tháng 1 của nhiều năm trước đó, khi mà NHNN đã có những định hướng về thắt chặt CSTT trong tháng 12/2007 và thông báo về tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng trong tháng 2/2008, thì mới thấy rằng các NHTM đã làm ngơ trước dấu hiệu thắt chặt CSTT của NHNN, dường như các NHTM không coi NHNN là người định hướng TTTT liên ngân hàng. Đây chính là mấu chốt của vấn đề, là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu hụt tính thanh khoản. Hiện tượng này đến nay đã được khắc phục khá tích cực khi các TCTD đã rút kinh nghiệm, quan sát động thái và tín hiệu chính sách của NHNN. Nhờ vậy từ năm 2012 đến nay, các tín hiệu chính sách mà NHNN phát đi từ đầu năm đều được các NHTM chú ý và có sự chuẩn bị phù hợp, giúp gia tăng hiệu quả điều hành chính sách, đạt được mục tiêu hạ thấp mặt bằng lãi suất so với giai đoạn 2010 – 2011.

Diễn biến trên thị trường liên ngân hàng như trên đã phản ánh sự yếu kém trong quản trị kinh doanh của một số NHTM, qua đó thể hiện “tri thức kinh doanh” của một số NHTM còn ở tầm thấp, khi chỉ thấy được lợi ích trước mắt mà không thấy được những lợi ích lâu dài thu được từ tính liên kết của TTTT liên ngân hàng trước cơn sóng gió. Thực trạng này sẽ làm cho cơ chế tác động của CSTT bị hạn chế, lý do là:

Một điều dễ nhận thấy rằng, khi còn diễn ra thực trạng các NHTM dư thừa vốn và các NHTM thiếu vốn thiếu sự liên kết với nhau thì những tác động của NHTW làm thay đổi các điều kiện TTTT (tức là những thay đổi cung tiền, lãi suất của NHTW làm các NHTM phản ứng nhanh trước thay đổi đó) là rất khó khăn. Xét về mặt nguyên lý, khi nguồn vốn ngắn hạn trên TTTT dư thừa, nếu theo đuổi mục tiêu ổn định lãi suất thì NHTW phải hút tiền về để đảm bảo cân bằng cung cầu vốn không gây áp lực giảm lãi suất thị trường, và ngược lại. Nhưng do thực trạng thị trường phân tách, độc quyền, thiếu tính liên kết, không phản ứng trước những thay đổi CSTT của NHNN như tình trạng những năm trước đây của Việt Nam, nếu NHNN hành động đúng như nguyên lý thì phản ứng thị trường sẽ không diễn ra như mong muốn (vì thực tế vốn thừa, nhưng lãi suất vẫn tăng).

Qua xem xét tác động của thay đổi cung tiền của NHNN đến lãi suất liên ngân hàng (lãi suất VNIBOR) kỳ hạn 1 tháng (với điều kiện các nhân tố khác không thay đổi), kết quả cho thấy 1% thay đổi cung tiền có tác động thay đổi ngược chiều 0,03% lãi suất (mức độ giải thích là 53% và độ trễ 1 tháng). Tuy nhiên, tác động từ sự thay đổi lãi suất liên ngân hàng đến lãi suất huy động vốn của nền kinh tế dường như rất kém nhạy cảm và độ trễ rất lớn. Điều đó cũng cho thấy sự gắn kết giữa các loại TTTT với nhau cũng kém chặt chẽ. Chính vì vậy, trong thời gian qua, nhiều tác động của NHNN chưa làm cho các NHTM phản ứng rõ nét trên thị trường huy động và cho vay theo mục tiêu mong muốn. Chẳng hạn khi lãi suất tăng, NHNN thực hiện cung ứng một lượng tiền nhất định, nhằm bình ổn lãi suất thị trường huy động vốn và ổn định mức lãi suất chỉ đạo, nhưng hành động đó cũng không làm các NHTM phản ứng đúng theo chiều hướng mong muốn của NHNN, lãi suất thị trường huy động vốn không những không giảm mà vẫn có xu hướng tăng nhẹ.

Để cải thiện tình hình trên, từ năm 2011 đến nay, NHNN đã có nhiều giải pháp để bình ổn thị trường, siết chặt kỷ luật thị trường và các NHTM đã có những phản ứng đồng thuận hơn trước những thay đổi chính sách của NHNN.

Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế tác động của CSTT

Để tiếp tục phát triển TTTT, tạo cơ sở tốt cho luân chuyển tiền tệ và cơ chế tác động của CSTT được thông suốt hơn, nên chăng cần tiếp tục những giải pháp sau:

(i) Đã có nhiều nghiên cứu đưa ra giải pháp đã và đang thực hiện nhằm phát triển TTTT, như hoàn thiện môi trường pháp lý, tăng khả năng giám sát thị trường, tạo sân chơi bình đẳng… Nhưng vấn đề cốt lõi để phát triển cơ sở hạ tầng này là củng cố các thành viên thị trường. Ngoài việc nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro của các tổ chức trung gian tài chính, cần nâng cao nhận thức và khả năng phân tích thông tin thị trường của các thành viên thị trường để họ có những phản ứng phù hợp với xu hướng thắt chặt hay nới lỏng CSTT của NHNN.

(ii) Trong phát triển TTTT, cần chú trọng phát triển thị trường liên ngân hàng (nội, ngoại tệ) và thị trường thứ cấp cho các giấy tờ có giá. Để phát triển thị trường liên ngân hàng, trước hết NHNN cần tăng tính chủ động trong chỉ đạo, tạo tính thanh khoản tốt cho thị trường liên ngân hàng và nhất quán trong điều hành CSTT. Điều này trước hết tạo tâm lý tốt cho các tổ chức trung gian tài chính, mà chủ yếu là các NHTM không phải để dự trữ thanh khoản nhiều, nhất là trong những thời điểm nhu cầu rút tiền lớn. Với mức dự trữ thanh khoản phù hợp với nhu cầu rút tiền hàng ngày của nền kinh tế, thì những tác động về cung tiền và lãi suất của NHNN mới làm cho các tổ chức trung gian tài chính phản ứng nhanh trước những thay đổi đó. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần hình thành cơ chế điều hành lãi suất, cùng với nghiệp vụ thị trường mở theo hướng khuyến khích các NHTM vay mượn lẫn nhau trên thị trường trước khi tiếp cận nguồn vốn NHNN. Thành lập Ban chỉ đạo điều hành CSTT là điều cần thiết. Ban này họp 2 tháng một lần, đứng đầu Ban phải là Thống đốc NHNN hoặc Phó Thống đốc được ủy quyền khi Thống đốc đi vắng. Để cuộc họp có kết quả, các Vụ, Cục của NHNN phải chuẩn bị báo cáo phân tích đầy đủ về diễn biến và dự báo các tác động của CSTT để đạt được mục tiêu, phải kết hợp cả phân tích định tính và phân tích định lượng với nhiều phương án, tình huống khác nhau để Ban chỉ đạo đưa ra các quyết định chính xác. NHNN cần thống nhất lựa chọn sử dụng một công cụ CSTT cho một mục tiêu, tránh tình trạng sử dụng nghiệp vụ OMO như hiện nay.

Đối với việc phát triển thị trường thứ cấp, NHNN cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo các NHTM, các khách hàng của NHTM để họ thấy được lợi ích khi tham gia thị trường mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá (Repo). Mặt khác, bên cạnh nghiệp vụ thị trường OMO đang hoạt động, NHNN nên hình thành thị trường Repo song phương giữa NHNN với các NHTM lớn. Thị trường này sẽ tạo cho NHNN chủ động bơm hút tiền ra/ vào NHNN hơn là OMO. Đồng thời NHNN khuyến khích các NHTM hình thành thị trường với các khách hàng.

(iii) Phát triển hệ thống thanh toán liên ngân hàng để đảm bảo hàng ngày NHNN xác định được chính xác lượng vốn thừa - thiếu để có sự kết nối giữa nơi thừa vốn với nơi thiếu vốn trước khi quyết định can thiệp thị trường. Sự phát triển của TTTT cùng với việc NHNN chủ động điều tiết thị trường thì các NHTM phản ứng thuận chiều với những thay đổi điều kiện thị trường của NHNN là đương nhiên. Ở những nước có TTTT phát triển, mọi sự thay đổi điều kiện tiền tệ của ngân hàng Trung ương (NHTW) đều tạo phản ứng nhanh của các NHTM theo chiều hướng mong muốn của NHTW. Hiệu quả điều hành này là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó sự phát triển của TTTT là yếu tố vô cùng quan trọng, nhưng vai trò của NHTW cũng chẳng kém. Chẳng hạn như ở Thụy Điển, hàng ngày mọi nhu cầu vốn của các NHTM được các NHTM tự dàn xếp. Trong một số trường hợp, các NHTM dư thừa vốn trong ngày chưa dàn xếp được với những N H T M thiếu vốn, thì NHTW Thụy Điển sẽ đứng ra kết nối giữa NHTM thừa vốn với NHTM thiếu vốn. Thông thường, các NHTM thiếu vốn sẽ được NHTW Thụy Điển bù đắp khi không còn NHTM nào thừa vốn trên thị trường. Trường hợp ngược lại, khi có NHTM thừa vốn mà không còn NHTM nào thiếu vốn thì NHTW Thụy Điển sẵn sàng cho ngân hàng thừa vốn gửi lại NHTW với mức lãi suất sàn của thị trường. Sự thông suốt của thị trường cũng giúp cho các NHTM có thể dự trữ thanh khoản ở mức thấp, nghĩa là các NHTM đã có sự tính toán tương đối chính xác giữa nguồn vốn và việc sử dụng vốn (không để xảy ra tình trạng quá dư thừa hoặc quá thiếu hụt giữa nguồn vốn và sử dụng vốn). Vì vậy, mọi sự thay đổi về điều kiện tiền tệ của NHTW Thụy Điển đều tạo được phản ứng nhanh của các NHTM theo chiều hướng mong muốn của NHTW nước này

THS. Nguyễn Mạnh Hùng
Tìm kiếm