MỘT SỐ NÉT CƠ BẢN VỀ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIỀN TỆ VIỆT NAM THÁNG 6/2014

15/07/2014 09:00

Thị trường tiền tệ - tín dụng

Trong tháng 6, đa số các thương mại (NHTM) cổ phần vẫn duy trì lãi suất huy động kỳ hạn từ 01 - 06 tháng ở mức 6%/ năm, đây cũng là mức trần mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quy định. Tuy nhiên, một số NHTM lớn như Vietcombank hay Vietinbank… đã hạ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn ngắn với mức giảm từ 0,1 – 0,3%/năm. Nguyên nhân chính là do tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng đang sụt giảm đáng kể, giảm lãi suất kéo theo giảm chi phí vốn sẽ giúp các ngân hàng đối phó với việc không đạt được lợi nhuận mục tiêu. Dù vậy, động thái này không gây ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng lãi suất nói chung vì vẫn có nhiều ngân hàng tiếp tục tăng cường huy động vốn ngắn hạn (dưới 06 tháng) với nhiều hình thức “lách luật” trần lãi suất như thưởng lãi suất, tặng quà, tặng tiền mặt trực tiếp… khi khách hàng đến gửi tiền. Mặc dù thanh khoản không còn là vấn đề đáng ngại đối với nhiều NHTM nhưng họ vẫn phải duy trì lãi suất cao với mục đích giữ và thu hút thêm khách hàng để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tín dụng thường tăng vào nửa cuối năm.

Thời điểm này, gửi tiết kiệm vẫn đang được xem là một kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn vì độ an toàn cao hơn so với các kênh khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ… Tuy nhiên, khi lãi suất huy động được điều chỉnh giảm xuống mức thấp trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang dần hồi phục thì hệ thống ngân hàng sẽ khó thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư. Do đó, các NHTM nếu có giảm lãi suất huy động thì cũng rất dè dặt, đặc biệt sau khi NHNN điều chỉnh 1% tỷ giá vào ngày 19/6 vừa qua, một số ngân hàng đã tăng mạnh các chương trình khuyến mãi và lãi suất đối với các kỳ hạn từ 1 năm trở lên. Động thái giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng đã kéo theo kỳ vọng về việc giảm thêm lãi suất cho vay và mang lại những ảnh hưởng tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, dư địa giảm lãi suất cho vay lại không nhiều với lý do được các NHTM đưa ra là do mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã khá thấp, tỷ lệ lãi biên (cho vay - huy động) của các ngân hàng đều phải thu hẹp. Theo NHNN, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực ưu tiên đang ở mức 7 - 8%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9 - 10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5 - 12%/năm đối với trung và dài hạn. Đặc biệt, với các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có thể vay với mức lãi suất 6 - 7%/năm. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay thường cao hơn các mức trên 2 - 3%/năm. Tuy nhiên, để tiếp cận nguồn vốn vay với những mức lãi suất trên không phải đơn giản mặc dù thanh khoản của các ngân hàng vẫn được đánh giá là dồi dào.

Trong bối cảnh tín dụng doanh nghiệp tăng trưởng chậm, đầu tư vào trái phiếu lãi suất lại không cao, các NHTM tăng cường đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, mua ô tô, sửa chữa nhà… với các mức lãi suất ưu đãi hấp dẫn. Tuy nhiên, trên thực tế, mặt bằng lãi suất trong lĩnh vực này chưa thực sự ổn định, khách hàng chỉ được ưu đãi trong giai đoạn đầu sau đó lãi suất tăng cao; khách hàng không đáp ứng đủ các điều kiện hay không có tài sản thế chấp để vay vốn… là các rào cản khiến tín dụng cá nhân chưa tăng trưởng mạnh thời gian qua.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất của tất cả các kỳ hạn đều có xu hướng giảm

Nếu trong tháng 5, lãi suất liên ngân hàng của các kỳ hạn có những phiên tăng mạnh, đạt những mức cao nhất tính từ thời điểm cuối tháng 1 đến nay, thì sang tháng 6 lãi suất của các kỳ hạn đều giảm. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm cùng động thái hút ròng liên tục của NHNN trên thị trường mở cho thấy thanh khoản của hệ thống được củng cố. Ở tuần cuối cùng của tháng, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường có xu hướng tăng ở đa số các kỳ hạn đối với giao dịch bằng VND và giảm đối với các giao dịch bằng USD. Thống kê giao dịch trong tháng (từ ngày 02 - 27/6) tổng doanh số giao dịch bằng VND trên thị trường liên ngân hàng đạt 434.159 tỷ đồng, tương đương với doanh số giao dịch bình quân 1 ngày đạt 21.708 tỷ đồng. Giao dịch chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn ngắn như qua đêm, 1 tuần và 2 tuần; kỳ hạn 6 tháng chỉ có 1 phiên giao dịch còn kỳ hạn 9 tháng không có giao dịch. Cụ thể, doanh số giao dịch của kỳ hạn qua đêm đạt tỷ trọng lớn nhất 179.225 tỷ đồng (chiếm 41,28%), tiếp theo là kỳ hạn 1 tuần với doanh số đạt 135.589 tỷ đồng (chiếm 31,23%) và kỳ hạn 2 tuần với doanh số 57.510 tỷ đồng (chiếm 13,25%). Tỷ lệ doanh số giao dịch các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống đạt 401.299 tỷ đồng (chiếm 92,43%).

Trên thị trường mở, NHNN đã hút ròng trong tháng 6

NHNN tiếp tục hút ròng trên thị trường mở trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm cho thấy vấn đề thanh khoản không còn đáng lo ngại đối với các ngân hàng. Điều này càng được củng cố khi trong hai tuần cuối tháng, NHNN không bơm thêm vốn mới qua nghiệp vụ thị trường mở, lượng tiền hút về cũng chính là lượng tiền đáo hạn. Như vậy, tính chung trong tháng 6, NHNN đã hút ròng 998 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO), giảm mạnh so với mức hút ròng 3.304 tỷ đồng trong tháng 5. Bên cạnh hoạt động hút ròng qua nghiệp vụ mua kỳ hạn thì NHNN cũng hút ròng thêm 9.950 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ bán tín phiếu. Tổng khối lượng tín phiếu phát hành trong tháng là 79.353 tỷ đồng và khối lượng đáo hạn là 69.403 tỷ đồng. NHNN đã phát hành tín phiếu với các kỳ hạn 28 ngày, 56 ngày và 91 ngày trong đó tín phiếu kỳ hạn 91 ngày có khối lượng giao dịch lớn nhất.

Trần lãi suất huy động do NHNN qui định vẫn được giữ nguyên trong tháng 6 và trên cơ sở dự báo CPI cả năm 2014 ở mức trên dưới 5% thì mức trần này nhiều khả năng được tiếp tục duy trì. Với những chuyển biến tốt của kinh tế vĩ mô thời gian qua như tồn kho giảm, xuất khẩu tăng trưởng tốt, thị trường bất động sản ấm lên,… và tính mùa vụ của những tháng cuối năm, các NHTM đều đánh giá cao về khả năng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2014, từ đó triển khai thêm các gói tín dụng đặc thù cho từng lĩnh vực để kích thích tín dụng tăng trưởng. Những diễn biến trên cho thấy mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm từ 12 – 14% mà NHNN đã đặt ra từ đầu năm có nhiều khả năng sẽ đạt được.

Thị trường ngoại hối

Trong tháng 6, tỷ giá VND/USD biến động liên tục trong biên độ giao động hẹp trong nửa đầu tháng sau đó tăng mạnh vào giai đoạn cuối tháng. NHNN đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD (mức điều chỉnh 1%) trong tháng 6. Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, Sở Giao dịch (SGD) NHNN đã tăng tỷ giá (mua-bán) USD/VND lên 21.100 - 21.400 VND. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng hiện nay, các NHTM được phép niêm yết mua bán ngoại tệ trong biên độ +/- 1%, thấp nhất là 21.034 VND và cao nhất là 21.458 VND. Chỉ số giá USD tháng 6/2014 tăng 0,57% so so với cùng kỳ năm 2013.

Hai tuần đầu tháng 6, giá USD có xu hướng tăng do tâm lý bất ổn của người dân trước sự kiện biển Đông và kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Trước tình hình căng thẳng ở biển Đông, dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam đã bị sụt giảm và việc xuất khẩu một số mặt hàng sang nước này đã gặp khó khăn. Bên cạnh đó, với việc giảm mạnh lãi suất tiền VND thời gian qua đã dẫn tới xu hướng gia tăng nắm giữ USD. Đặc biệt, sau khi Thống đốc NHNN đưa ra thông điệp có thể thay đổi tỷ giá không quá 2% trong điều kiện cần thiết để hỗ trợ cho xuất khẩu đã tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư cũng như các NHTM khi mà không lâu trước đó, Thống đốc NHNN đã tuyên bố tỷ giá sẽ ổn định và không biến động quá 1% trong năm nay. Điều này khiến cho tâm lý kỳ vọng việc phá giá USD/VND trong thời gian ngắn tới đây càng gia tăng và khiến cho các doanh nghiệp cũng như các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động mua vào USD. Giai đoạn cuối tháng, tỷ giá USD/VND đặc biệt tăng mạnh sau khi NHNN và SGD NHNN điều chỉnh tỷ giá giao dịch với lý do nhằm hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát trong nước đang được kiểm soát tốt. Ngay sau khi NHNN áp dụng tỷ giá mới, các NHTM đều nâng tỷ giá lên sát mức giá trần 21.458 VND/USD, tỷ giá trên thị trường tự do theo đó cũng biến động mạnh. Việc tỷ giá tăng cũng tác động đến thị trường vàng và thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước, trong khi giá vàng tăng mạnh thì TTCK lại sụt giảm liên tục.

Thị trường vàng

Giá vàng trong nước tháng 6/2014 biến động liên tục với xu hướng chung là tăng giá. Giá vàng trong tháng này lên cao nhất tại mức 37,1 – 37,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) ngày 20/6 và thấp nhất tại 35,87 – 35,97 triệu đồng/lượng ngày 5/6. Tính chung cả tháng, chỉ số giá vàng giảm 9,79% so với cùng kỳ năm trước. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện khoảng 3 triệu đồng/lượng. Có thể thấy, giai đoạn đầu tháng giá vàng trong nước giao dịch ổn định với xu hướng giảm nhẹ sau đợt tăng mạnh vào cuối tháng 5. Sự ổn định giá vàng cho thấy, tác động tâm lý từ sự kiện biển Đông đã giảm tầm ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nước. Mặt khác, giá vàng tăng mạnh trong tháng 5 cũng thúc đẩy hoạt động bán vàng chốt lời khiến giá vàng đầu tháng 6 giảm Trong giai đoạn nửa cuối tháng 6, việc NHNN quyết định điều chỉnh tỷ giá tăng lên 1%, chính thức từ ngày 19/6/2014 đã đẩy giá vàng trong nước tăng mạnh. Bên cạnh đó, giá vàng trên thị trường thế giới tăng cũng tác động đến giá vàng trong nước, tuy nhiên, giá vàng trong nước có lúc giảm chậm hơn nhưng có lúc lại tăng nhanh hơn giá vàng quốc tế. Cuối tháng 6, giá vàng trong nước gần như đi ngang khi giá vàng thế giới không có nhiều biến động, nhờ đó thu hẹp mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế còn khoảng 3 triệu đồng/lượng.

Thị trường chứng khoán

Thống kê cho thấy, trong tháng 6, chỉ số VN Index tăng 2,9% lên mức 578,13 điểm. Chỉ số HNX Index cũng có mức tăng 2,81% lên mức 77,93 điểm. Diễn biến TTCK tháng 6 được chia thành 3 cung đoạn rõ nét: thị trường tăng điểm khá mạnh trong hai tuần giao dịch đầu tháng, sau đó điều chỉnh giảm trong tuần thứ 3 và lại hồi phục trong tuần thứ 4.
Theo quan sát trên TTCK cho thấy, trong khoảng nửa đầu tháng 6, thị trường tăng điểm nhờ vào một số thông tin tích cực được công bố như:

(1) Ngân hàng HSBC công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 ở mức 52,3 điểm, trên ngưỡng 50 tháng thứ 10 liên tiếp cho thấy khu vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục được mở rộng;

(2) Nhiều NHTM giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (dưới 3 tháng) xuống sát mức 5%/ năm, đồng nghĩa với việc hiệu ứng dòng vốn rẻ tiếp tục được duy trì. Điều này đã, đang và sẽ tác động tích cực đối với TTCK.

(3) Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn duy trì dự báo tăng trưởng 5,5% của Việt Nam trong năm 2014 và tăng lên 5,6% và 5,8% trong hai năm tiếp theo. WB cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi bởi nhu cầu của thế giới đang phục hồi. Như vậy, có thể thấy được thế giới đang có cái nhìn khả quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam bất chấp bối cảnh phức tạp tại biển Đông có thể gây ra những rủi ro kinh tế. Điều này là một trong những cơ sở để nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) yên tâm và tìm đến Việt Nam, một địa chỉ có môi trường đầu tư hấp dẫn.

(4) Thông tin từ quốc tế: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định hạ lãi suất cơ bản từ 0,25% xuống 0,15% - mức thấp kỷ lục mới, cho thấy dòng vốn rẻ từ châu Âu tiếp tục là cơ hội cho kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng khi các nhà ĐTNN vẫn coi thị trường Việt Nam là điểm đến hấp dẫn.

(5) Tâm lý của các nhà đầu tư đã có những chuyển biến tích cực. Thêm vào đó, những thông tin phi chính thức về kết quả kinh doanh bán niên của các doanh nghiệp niêm yết được hé lộ cũng tạo nên sự sôi động của TTCK.

Trong tuần thứ 3, thị trường điều chỉnh giảm với 5 phiên VN Index đi xuống liên tiếp trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Tp. HCM, trong khi đó HNX Index tại SGDCK Hà Nội cũng giảm điểm 4 phiên. Trong tuần, thị trường đón nhận một số thông tin không mấy tích cực như: thông tin từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho thấy việc giải quyết nợ xấu chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài ra, thông tin NHNN chính thức điều chỉnh tăng tỷ giá 1% từ ngày 19/6 cũng tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Trong tuần thứ 4, thị trường hồi phục đáng kể. Động lực tăng điểm đến từ cả ba nhóm cổ phiếu blue-chips, pennys và midcaps khiến cho TTCK tăng điểm khá bền vững. Trong tuần, thị trường cũng đón nhận nhiều thông tin trái chiều nhau như:

- GDP 6 tháng tăng 5,18%, cao hơn con số 4,9% của 6 tháng đầu năm 2013. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% trong 6 tháng đầu năm 2014 cũng cho thấy sự cải thiện so với mức 5,3% của cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 6, kim ngạch xuất khẩu chiếm 12,1 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,3 tỷ USD. Như vậy, cả nước nhập siêu khoảng 200 triệu USD trong tháng 6 và vẫn xuất siêu 1,3 tỷ USD nếu tính chung 6 tháng đầu năm 2014. Tuy nhiên, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, thể hiện cầu tiêu dùng, chỉ ghi nhận mức tăng tương đối thấp 10,7% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7%), thấp hơn con số 11,9% của cùng kỳ năm 2013. Con số này kết hợp với mức tăng CPI thấp chỉ đạt 4,98%, cho thấy sức cầu trong nước khá yếu, người dân vẫn đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

- Nhiều ngân hàng lớn tiếp tục giảm nhẹ lãi suất huy động. Lãi suất kỳ hạn dài 12 tháng đều phổ biến ở mức 7%. Việc lãi suất huy động có chiều hướng giảm vẫn là một thông tin tích cực cho TTCK khi mà hiệu ứng “dòng vốn rẻ” sẽ tiếp tục được duy trì.

Phòng Phân tích & Dự báo Thị trường
Tìm kiếm