MỘT SỐ NÉT CƠ BẢN VỀ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIỀN TỆ VIỆT NAM THÁNG 5/2014

15/06/2014 09:00

Thị trường tiền tệ - tín dụng

Trong tháng 5/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT), chủ động đưa tiền ra và rút bớt tiền về linh hoạt qua các kênh để kiểm soát lượng tiền cung ứng, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối trong điều kiện mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Trước diễn biến tình hình trên Biển Đông những ngày gần đây, NHNN theo dõi sát tình hình thị trường, điều hành thị trường mở sẵn sàng hỗ trợ cho các TCTD có nhu cầu hỗ trợ thanh khoản và khẳng định trong bất kể tình huống nào, NHNN cũng sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng.

Mặt bằng lãi suất huy động ổn định, lãi suất huy động VND hiện đã giảm 0,5 - 1,5%/năm so với cuối năm 2013. Mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng hoạt động huy động vốn của các ngân hàng vẫn tăng trưởng. Nếu đến ngày 22/4 huy động vốn toàn hệ thống mới tăng 3,09% so với đầu năm thì tính đến 23/5, con số này đã tăng lên 4,2%, trong đó chủ yếu tăng ở huy động VND từ khu vực dân cư cho thấy gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. Dòng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cũng có xu hướng gửi kỳ hạn dài hơn cho thấy thanh khoản của hệ thống đang ở trong trạng thái dồi dào trong trung hạn. Việc huy động vốn VND tăng cao trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ giảm cho thấy sự phù hợp trong chủ trương chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, đồng thời cho thấy lòng tin của người dân đối với các TCTD.

Tính đến 23/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng 1,31% so với cuối năm 2013 (tại thời điểm 22/4 tỷ lệ này mới đạt 0,62%). Yếu tố hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng tín dụng hiện nay là do kinh tế phục hồi và mặt bằng lãi suất đã giảm thấp. Bên cạnh các khoản vay mới trong tháng thì các TCTD cũng tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho các khoản vay cũ. Cụ thể, đến ngày 15/5, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 5% tổng dư nợ cho vay VND, giảm mạnh so với tỷ trọng 65,8% vào trước thời điểm 15/7/2012; dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 13%/ năm chiếm 15% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 31% vào tháng 6/2013. Mặc dù vậy, lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn bị đánh giá là quá cao so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn trong lĩnh vực xuất khẩu, dù đã được hưởng ưu đãi nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải vay với lãi suất 8 – 10%/ năm, trong khi doanh nghiệp của các nước khác có mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh chỉ phải vay với lãi suất thấp như 6,6% (Trung Quốc), 6,9% (Thái Lan) hay 4,9% (Malaysia).

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 mà NHNN đặt ra từ mức 12 -14%, bên cạnh việc tăng cường cho các doanh nghiệp vay vốn, nhiều ngân hàng còn chuyển hướng ưu tiên cho vay tiêu dùng với các gói tín dụng giá rẻ, chính sách ưu đãi hoặc kết hợp với các đơn vị phân phối sản phẩm để mang lại lợi ích tối đa nhằm thu hút người tiêu dùng.

Tuy nhiên, dù cho vay doanh nghiệp hay vay tiêu dùng thì các ngân hàng cũng đặt vấn đề an toàn tín dụng lên hàng đầu do nợ xấu hiện vẫn đang là một vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Tính từ đầu năm đến nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua thêm 6.300 tỷ đồng nợ xấu, nâng tổng số nợ xấu mà Công ty đã mua lên 45.630 tỷ đồng. Dù số nợ xấu đã mua thấp hơn nhiều so với dự kiến 10.000 tỷ đồng trong quý I/2014 (do NHNN phê duyệt phương án phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu chậm hơn dự kiến), VAMC cho biết sẽ không làm chậm tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh việc bán nợ cho VAMC, các TCTD đã rất tích cực xử lí nợ xấu bằng các biện pháp như thu hồi nợ, bán tài sản đảm bảo, sử dụng dự phòng rủi ro… nên đã tự xử lý được khoảng 10.000 tỷ nợ xấu.

Trong tình hình có sự chênh lệch giữa tăng trưởng huy động vốn và cho vay vốn của hệ thống ngân hàng, việc các TCTD phân bổ một phần nguồn vốn nhàn rỗi vào đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP) là rất hợp lý. Các TCTD cần mua TPCP để bù đắp lượng TPCP đáo hạn nhằm duy trì tỷ lệ nhất định giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao trong tổng tài sản, đồng thời nhằm tiết kiệm chi phí vốn và thu được lợi nhuận cao hơn việc cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó, đầu tư vào TPCP cũng là một kênh đầu tư an toàn và hấp dẫn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được cải thiện, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định và lãi suất được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất của tất cả các kỳ hạn đều có xu hướng giảm .

Sau kỳ nghỉ lễ 30-4, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tiếp tăng do nhu cầu thanh toán tăng đột biến. Tuy nhiên, nguồn cung xuất hiện tương đối dồi dào trong khi nhu cầu giảm nên mặt bằng lãi suất đã giảm dần. Sang tuần thứ hai của tháng, diễn biến căng thẳng tại biển Đông đã phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống khiến lãi suất của tất cả các kỳ hạn tăng mạnh, đạt những mức cao nhất tính từ thời điểm cuối tháng 1 đến nay. Bên cạnh đó, tín dụng khởi sắc khiến nhu cầu sử dụng vốn của các ngân hàng tăng cũng là một trong những yếu tố góp phần đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng cao trong tháng. Mặc dù vậy, nhìn chung thanh khoản của hệ thống vẫn ở trạng thái tốt, sự chênh lệch giữa tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất trong ngắn hạn.

Thống kê giao dịch trong tháng (từ ngày 05 – 30/5) tổng doanh số giao dịch bằng VND trên thị trường liên ngân hàng đạt 447.177 tỷ đồng, tương đương với doanh số giao dịch bình quân 1 ngày xấp xỉ 22.359 tỷ đồng. Giao dịch chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn ngắn như qua đêm, 1 tuần; các kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên có rất ít giao dịch. Cụ thể, doanh số giao dịch của kỳ hạn qua đêm đạt tỷ trọng lớn nhất 176.197 tỷ đồng (chiếm 39,40%), tiếp theo là kỳ hạn 1 tuần với doanh số đạt 163.380 tỷ đồng (chiếm 36,54%) và kỳ hạn 2 tuần với doanh số 63.839 tỷ đồng (chiếm 14,28%). Tỷ lệ doanh số giao dịch các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống đạt 425.821 tỷ đồng (chiếm 95,22%). Trên thị trường mở, NHNN đã hút ròng trong tháng 5. 

Từ đầu tháng 5, NHNN vẫn tiếp tục chào thầu từ 1.000 – 2.000 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 5%/năm. Nhưng tỷ lệ trúng thầu đều ở mức thấp và nhiều phiên không có giao dịch. Thanh khoản hệ thống luôn trong trạng thái dồi dào khiến giao dịch trên thị trường mở không được sôi động. Thống kê trong tháng, NHNN đã hút ròng 3.304 tỷ đồng trên thị trường mở.

Lãi suất huy động hiện nay dù đã giảm nhiều nhưng vẫn cao hơn so với lạm phát kỳ vọng nên hoạt động huy động vốn của các ngân hàng vẫn tăng trưởng, trong thời gian tới dòng tiền có thể sẽ có sự dịch chuyển nhưng không nhiều. NHNN cần có những biện pháp mạnh hơn để kích thích dòng chảy tín dụng, từ đó kích thích nền kinh tế phát triển.

Thị trường Ngoại hối

Trong tháng 5, tỷ giá VND/USD diễn biến theo xu hướng đi ngang trong nửa đầu tháng, sau đó tăng mạnh vào giai đoạn cuối tháng. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD được NHNN giữ nguyên ở mức 21.036 VND/ USD. Tại thời điểm cuối tháng 5, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng khoảng 21.152 - 21.154 VND/USD; tỷ giá niêm yết mua bán của các NHTM khoảng 21.115 - 21.165 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 5/2014 giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 0,37% so với cùng kỳ năm 2013.

Ngày 20/5/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2014/ NĐ-CP về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, thay thế Nghị định 86/1999/NĐ-CP ban hành ngày 30/8/1999. Nghị định mới này quy định về dự trữ ngoại hối nhà nước, quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, hạch toán kế toán, báo cáo và công bố thông tin dự trữ ngoại hối nhà nước. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/ 2014.

Trong tháng 5, thị trường ngoại hối trong nước diễn biến với xu hướng tăng, đặc biệt là giai đoạn giữa tháng, thị trường biến động tăng mạnh. Trong khi tỷ giá chính thức niêm yết của các NHTM tăng mạnh, mức giá mua vào - bán ra thêm khoảng 50 VND so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng USD/VND là 21.036, thì tại thị trường tự do, tỷ giá USD/VND trong giai đoạn này có lúc tăng lên gần 21.300. Nguyên nhân dẫn đến sự biến động này chủ yếu là do những diễn biến liên quan đến tình hình biển Đông đã tác động đến tâm lý muốn nắm giữ USD như một tài sản an toàn. Tuy nhiên, sau khi NHNN đã đưa ra các thông cáo giải thích và khuyến cáo người dân thận trọng khi quyết định giao dịch, thị trường đã tự điều chỉnh và dần trở lại trạng thái cân bằng hơn.

Nhìn chung, theo các báo cáo thống kê mới nhất cho thấy, diễn biến thị trường ngoại hối và tỷ giá trong 5 tháng đầu năm tương đối ổn định; thị trường ngoại tệ có xu hướng dư cung và nhu cầu mua - bán ngoại tệ của khách hàng được đáp ứng đầy đủ. NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối, tạo nguồn can thiệp khi cần thiết.

Thị trường Vàng

Giá vàng trong nước tháng 5/2014 biến động với xu hướng tăng mạnh trong nửa đầu tháng sau đó giảm dần và đi ngang vào cuối tháng. Giá vàng trong tháng lên cao nhất tại mức 37,5 triệu đồng/lượng ngày 20/5, thấp nhất tại 35,32 triệu đồng/lượng ngày 8/5. Tính chung cả tháng, chỉ số giá vàng giảm 0,85% so với tháng trước, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện khoảng 4,4 triệu đồng/ lượng.

Giai đoạn đầu tháng, cùng với xu hướng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng diễn biến theo xu hướng giảm, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp khá nhiều ở mức 2,6 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên từ giữa tháng 5, giá vàng trong nước diễn biến xu hướng tăng và tăng mạnh nhất vào ngày 20/5, đạt mức giá cao nhất trong năm tháng đầu năm 2014, lên mức 37,5 triệu đồng/ lượng. Sự biến động về giá vàng trong nước thời gian này là đột ngột, thất thường, không theo xu hướng của giá vàng thế giới, mà do tâm lý bất ổn trước một số vấn đề kinh tế - chính trị trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước cũng liên tục giảm mạnh trong giai đoạn này khiến nhà đầu tư chuyển tiền sang mua vàng, nhằm giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn vốn. Sau khi bản tin do NHNN phát ra cho biết sẽ can thiệp mạnh và trên quy mô lớn nếu thị trường vàng vẫn có những giao động, thị trường đã dần ổn định, khối lượng giao dịch trên thị trường giảm dần, giá vàng trong nước đã điều chỉnh và dần trở lại trạng thái cân bằng.

Thực tế, trong những tháng đầu năm 2014, thị trường vàng trong nước khá ổn định, diễn biến phù hợp với tình hình thị trường vàng quốc tế và phù hợp cung cầu vàng trên thị trường trong nước. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã được thu hẹp khá nhiều có lúc xuống dưới 2 triệu đồng/ lượng. Do đó, với sự quản ly chặt chẽ và kịp thời từ các cơ quan quản lý nhà nước, thị trường vàng trong nước sẽ ổn định trở lại trong những tháng tới.

Thị trường chứng khoán

TTCK Việt Nam trong tháng 5/2014 biến động mạnh. Diễn biến của thị trường có thể chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ 1/5 - 13/5: Thị trường “lao dốc” mạnh trước những diễn biến phức tạp ngoài biển Đông.

Diễn biến phức tạp ngoài biển Đông đã khiến thị trường giảm mạnh trong nửa đầu của tháng. Tâm lý dao động của nhà đầu tư bắt đầu được phản ánh vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 khi mà VN Index để mất 13,15 điểm. Ngày 8/5 trở thành phiên giao dịch lịch sử, VN Index giảm mạnh gần 33 điểm, tương đương 5,87%; mức giảm điểm kỷ lục của TTCK Việt Nam trong lịch sử hơn 13 năm qua. Ngay lập tức, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra thông điệp trấn an các nhà đầu tư khi thị trường đi xuống có thể do tác động về tâm lý từ thông tin về biển Đông.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, những thông tin kinh tế vĩ mô được công bố cũng không hỗ trợ nhiều cho thị trường. Các chỉ số vĩ mô cho thấy sự hồi phục đúng hướng của nền kinh tế vĩ mô nhưng chưa có được sự bứt phá mạnh mẽ. CPI tháng 4 tăng nhẹ trở lại nhưng sự phục hồi của cầu tiêu dùng chỉ ở mức vừa phải khi mà tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm không thực sự cải thiện nhiều so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam vẫn ở dưới ngưỡng 100 điểm cho thấy sự lạc quan chưa đủ vững. Lĩnh vực sản xuất cũng tiếp tục phát đi một số tín hiệu tích cực nhưng không tốt hơn so với kỳ vọng trước đó. Hàng tồn kho vẫn lớn cho thấy các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa. Chỉ số PMI tháng 4 của Việt nam ghi nhận mức kỷ lục mới khi đạt 53,1 điểm. Việc PMI tăng tháng thứ 8 liên tiếp trên 50 điểm cho thấy lĩnh vực sản xuất đang trên đà mở rộng. Tuy nhiên, sự phục hồi của khối doanh nghiệp FDI và xuất khẩu chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa tốt cho các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, diễn biến bất thường của thị trường ngoại hối và thị trường vàng cũng tác động không tốt đến TTCK. Tỷ giá USD/VND và giá vàng có xu hướng tăng lên trong giai đoạn này khiến cho một lượng tiền không nhỏ rút ra khỏi kênh chứng khoán.

Giai đoạn 2 từ 14/5 đến 31/5: Thị trường đảo chiều tăng điểm nhờ lực cầu bắt đáy tăng trở lại

Sau những biến động mạnh trong nửa đầu tháng, tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Thị trường dần hồi phục từ điểm đáy. Nhiều cổ phiếu có tình hình hoạt động kinh doanh tốt đã giảm xuống vùng giá hấp dẫn trong bối cảnh nền kinh tế vẫn ổn định và phục hồi dần. Đây là yếu tố khiến cho dòng tiền bắt đáy chảy mạnh vào các cổ phiếu đầu ngành vốn hóa lớn và góp phần nâng đỡ chỉ số tăng điểm. Bên cạnh đó, động thái mua ròng liên tục của nhà ĐTNN đã củng cố tâm lý nhà đầu tư trong nước. Tháng 5 là tháng mua ròng mạnh nhất của nhà ĐTNN trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây và gần bằng 1/3 tổng giá trị mua ròng của cả năm ngoái. Các nhà ĐTNN tiếp tục mua ròng mạnh trên cả hai sàn cho thấy dòng vốn ĐTNN vẫn đang tìm đến thị trường Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến theo chiều hướng khá tích cực và mặt bằng lãi suất tại các nền kinh tế lớn vẫn duy trì ở mức thấp. Như vậy, mặc dù có một số căng thẳng xảy ra ở biển Đông nhưng nhà ĐTNN vẫn đang đánh giá tốt về nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng, từ đó có thể có tác dụng hỗ trợ nhất định, đặc biệt về mặt tâm lý cho các nhà đầu tư trong nước.

Phòng Phân tích & Dự báo Thị trường
Tìm kiếm