MỘT SỐ NÉT CƠ BẢN VỀ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIỀN TỆ VIỆT NAM THÁNG 4/2014

15/05/2014 09:57

Thị trường tiền tệ - tín dụng

Trong 4 tháng đầu năm, nhiều dấu hiệu cho thấy chứng khoán đang chững lại sau một thời gian phục hồi mạnh và được dự báo không có đột biến lớn trong thời gian tới, vàng đang có đà giảm giá mạnh, bất động sản (BĐS) tuy có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn chỉ mang tính cục bộ, đồng đô la (USD) dù có sự tăng giá nhẹ trên thế giới nhưng ở trong nước được dự báo giá sẽ khó tăng; trong điều kiện lạm phát thấp và tổng cầu yếu, tuy lãi suất tiết kiệm tiền gửi thấp nhưng kênh gửi tiền tiết kiệm qua ngân hàng vẫn tiếp tục là lựa chọn ưu tiên đối với người dân vì độ an toàn cao. Theo đó, hoạt động huy động vốn được các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng sẽ tiếp tục thuận lợi hơn trong thời gian tới với mức tăng trưởng phổ biến dưới 10% trong quý II và nằm trong khoảng từ 10 – 20% cho cả năm 2014, trong đó huy động vốn bằng nội tệ (VND) tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn rõ rệt so với huy động vốn bằng ngoại tệ, huy động vốn các kỳ hạn ngắn từ 6 tháng trở xuống được dự kiến tăng trưởng cao hơn các kỳ hạn dài.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định sẽ ổn định mức lãi suất cơ bản như hiện tại và sẽ giảm thêm khi có điều kiện. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện đang khá tốt và khi thị trường cần vốn thì các ngân hàng sẵn sàng cung ứng để đảm bảo không thiếu vốn. Mặc dù thanh khoản dồi dào nhưng vẫn thiếu sự đồng đều giữa các ngân hàng. Trong khi phần lớn các ngân hàng thương mại (NHTM) đều nghiêm chỉnh áp dụng trần lãi suất do NHNN quy định thì một số ngân hàng khó khăn về vốn vẫn tiếp tục thu hút vốn bằng những mức lãi suất vượt trần và hợp thức hóa bằng các chương trình trúng thưởng, khuyến mại,… Các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn (từ 1 - 12 tháng) được áp mức lãi suất lên tới 9% tùy thuộc vào khối lượng tiền. Để ngăn chặn tình trạng vượt trần lãi suất này thì ngành ngân hàng cần phải cơ cấu mạnh hơn nữa để giảm bớt các ngân hàng yếu kém.

Theo số liệu của Vụ Chính sách Tiền tệ - NHNN, tính đến ngày 22/4, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế tăng 0,62% so với cuối năm 2013, cơ cấu tín dụng tiếp tục dịch chuyển theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Nguyên nhân tín dụng tăng chậm chủ yếu do nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp những tháng đầu năm thấp, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn… Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, hệ thống ngân hàng đã tăng cường đầu tư vào trái phiếu chính phủ (TPCP). Tính đến hết tháng 3, các TCTD đã mua khoảng 83% lượng TPCP phát hành. Số dư TPCP do các TCTD nắm giữ tăng thêm trong 3 tháng đầu năm khoảng 43.000 tỷ, tương đương với 1,09% tăng trưởng tín dụng. Đây là một giải pháp rất linh hoạt, vừa tăng dự trữ thanh khoản, vừa an toàn đồng thời cũng làm cho nguồn vốn huy động phải trả lãi hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra trong thời gian tới thì sẽ xảy ra hiện tượng trái phiếu chèn lấn tín dụng, vốn không chảy được vào sản xuất đồng thời sẽ không giảm thêm được lãi suất cho vay.

Mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã xuống khá thấp nhờ lãi suất đầu vào giảm cùng với việc các ngân hàng sẵn sàng giảm lãi để hỗ trợ các doanh nghiệp. Lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên khoảng 8%/năm, lãi suất cho vay thông thường kỳ hạn ngắn khoảng 9 - 10,5%/năm và dài hạn còn 11 - 12,5%/năm. Đối với một số doanh nghiệp có tình hình tài chính minh bạch, có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, mức lãi suất có thể xuống tới 6-7%/năm. Các NHTM cũng đồng loạt triển khai các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất ngày càng giảm để thu hút khách vay vốn. Do nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp vẫn thấp nên các NHTM cũng tăng cường khai thác phân khúc khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh trong các hoạt động mua nhà/đất, sửa chữa nhà, mua xe ô tô, vay sản xuất kinh doanh trả góp hay vay bổ sung vốn lưu động,…

NHNN đã và đang cố gắng, nỗ lực triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về việc toàn hệ thống giảm mức lãi suất cho vay cũ. Tính đến ngày 3/4, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 5,5% tổng dư nợ cho vay VND (giảm mạnh so với tỷ trọng 65,8% trước thời điểm 15/7/2012); dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 13%/năm chiếm 16,62% tổng dự nợ cho vay bằng VND (giảm so với tỷ trọng 31%/năm tháng 6/2013). Đồng thời, các NHTM cũng cần dàn trải tín dụng để đạt mức tăng trưởng đồng đều chứ không tập trung vào các tháng cuối năm.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất của hầu hết các kỳ hạn đều có xu hướng giảm nhẹ. 

Như thường lệ, lãi suất của tất cả các kỳ hạn trên thị trường liên ngân hàng đều tăng vào đầu tháng do các NHTM phải đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn. Giao dịch chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn ngắn như qua đêm, 1 tuần; các kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên có rất ít hoặc không có giao dịch nào. Nhu cầu nguồn ngắn hạn của một số NHTM tương đối cao nhưng do có nguồn cung dồi dào nên không có những biến động mạnh về lãi suất. Từ giữa tháng, mặt bằng lãi suất quay đầu giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Nguyên nhân chủ yếu của việc lãi suất giảm mạnh này là do nhu cầu nhận nguồn của các ngân hàng ở mức thấp và không thường xuyên trong khi các ngân hàng lớn vẫn chào nguồn đều đặn.

Thống kê cho thấy, từ ngày 01 – 26/04 tổng doanh số giao dịch bằng VND trên thị trường liên ngân hàng đạt 311.468 tỷ đồng, tương đương với doanh số giao dịch bình quân 1 ngày xấp xỉ 17.304 tỷ đồng. Trong đó doanh số giao dịch của kỳ hạn qua đêm đạt tỷ trọng lớn nhất 135.972 tỷ đồng (chiếm 43,66%). Tỷ lệ doanh số giao dịch các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống đạt 293.291 tỷ đồng (chiếm 94,16%).

Trên thị trường mở, NHNN đã bơm ròng 3.400 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn (Reverse Repo) và hút ròng 19.765 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ bán tín phiếu (Sell Outright). Với nghiệp vụ mua kỳ hạn, khối lượng trúng thầu trong tháng là 4.911 tỷ đồng, khối lượng đáo hạn là 1.511 tỷ đồng còn đối với nghiệp vụ bán tín phiếu, NHNN đã phát hành tổng cộng 84.146 tỷ đồng tín phiếu và khối lượng tín phiếu đáo hạn là 64.381 tỷ đồng. Nhằm kiềm chế lạm phát, NHNN đã phát hành một lượng lớn tín phiếu trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dồi dào mà tín dụng chưa tăng trưởng mạnh cộng với nhu cầu vay mượn vốn trên thị trường mở thông qua việc thế chấp tài sản có giá hiện đang rất thấp. Như vậy, tính cả 4 tháng đầu năm nay, qui mô phát hành tín phiếu của NHNN đã lên tới 328.940 tỷ đồng và khối lượng tín phiếu chưa đáo hạn tính đến cuối tháng 4 lên tới 193.596 tỷ đồng. Trong tháng 5 tới, khối lượng tín phiếu đáo hạn là 63.571 tỷ đồng và NHNN sẽ phải tiếp tục sử dụng công cụ tín phiếu để điều hòa lượng tiền trong lưu thông. Khi tín dụng bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng, nhu cầu vay tiền trên thị trường mơ của các ngân hàng sẽ tăng và khi tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới thì hoạt động trên thị trường mở được kỳ vọng sẽ sôi động hơn.

Các chính sách của NHNN và Chính phủ tiếp tục được đánh giá là đã và đang tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của các TCTD trong tháng 4. Tình hình thanh khoản của hầu hết các TCTD tiếp tục được cải thiện và duy trì ổn định ở cả VND và ngoại tệ, trạng thái này được dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong suốt năm 2014. Mặt bằng lãi suất đã giảm nhiều và trở lại mức của năm 2006 nên việc lãi suất giảm sâu thêm trong thời gian tới là khó xảy ra. Tuy lãi suất đã giảm nhưng nhu cầu về vốn vẫn không tăng. Điều này cho thấy để khơi thông được dòng chảy tín dụng, ngoài việc giảm lãi suất thì việc giảm hàng tồn kho, tăng sức mua của nền kinh tế cũng cần được chú trọng. Cầu của nền kinh tế đối với các sản phẩm, dịch vụ của TCTD tăng; điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng được cải thiện sẽ dẫn tới sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các TCTD trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% của cả năm 2014 bên cạnh việc tăng cường hoạt động cho vay các TCTD cũng cần phải kiểm soát tốt chất lượng khoản vay để tránh rủi ro nợ xấu.

Thị trường ngoại hối

Trong tháng 4, tỷ giá VND/USD diễn biến theo xu hướng ổn định và giảm nhẹ vào giai đoạn cuối tháng. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD được NHNN giữ nguyên ở mức 21.036 VND/USD. Tại thời điểm cuối tháng 4, tỷ giá được niêm yết tại các NHTM ở mức 21.065-21.110 VND/ USD (mua vào - bán ra). Chỉ số giá USD tháng 4/2014 giảm 0,06% so với tháng trước, tăng 0,59% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong tháng 4, thị trường ngoại hối trong nước tiếp tục ghi nhận diễn biến theo xu hướng ổn định, mức tăng hoặc giảm chỉ dao động trong biên độ hẹp. Mặc dù vào những ngày cuối tháng nhu cầu thanh toán của một số doanh nghiệp tăng lên khiến tỷ giá tăng nhẹ song nguồn cung ngoại hối trên thị trường lớn là yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định trở lại của tỷ giá.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2014, NHNN đã mua vào hơn 10 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối trên 35 tỷ USD. Tuy nhiên, đây là dự trữ ròng, tức là nguồn ngoại tệ có thể sử dụng bất cứ lúc nào, còn dự trữ ngoại hối tiềm năng của Việt Nam là khoảng 45 tỷ USD. Với sự tăng trưởng khả quan của hoạt động xuất khẩu cũng như nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào từ các dòng vốn FDI, FII, ODA, dự trữ ngoại hối tăng mạnh sẽ là cơ sở vững chắc để NHNN đảm bảo cho sự ổn định của tỷ giá trong năm 2014.

Tuy nhiên, chính sách tỷ giá ổn định kéo dài quá lâu, đồng VND được cho là bị định giá cao cũng có thể gây cản trở cho phát triển kinh tế, và gây thiệt hại cho người sản xuất sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước. Vì thế, NHNN cần nghiên cứu điều chỉnh phù hợp, cho sát với thị trường, từ đó có động lực để thúc đẩy ngành xuất khẩu hơn.

Thị trường vàng

Giá vàng trong nước tháng 4/2014 biến động với xu hướng tăng mạnh trong nửa đầu tháng sau đó giảm dần vào cuối tháng. Giá vàng trong tháng lên cao nhất tại mức 35,96 triệu đồng/lượng ngày 14/4, thấp nhất tại 35,36 triệu đồng/lượng ngày 23/4. Tính chung cả tháng, chỉ số giá vàng giảm 1,04% so với tháng trước và giảm 16,69% so với cùng kỳ năm trước. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện khoảng 2,5 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng thế giới đang là nhân tố chi phối chính sự tăng, giảm của giá vàng trong nước, tuy nhiên, mức tăng của vàng trong nước chậm hơn so với thế giới và thời điểm giá tăng, giao dịch chủ yếu để bán vàng, không mua vào như trước.

Mặc dù từ đầu năm 2014 tới nay, NHNN tạm dừng đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường nhưng do lực cầu vàng miếng ở mức thấp nên sức ép nguồn cung khiến vàng tăng giá hầu như là không có. Hiện các NHTM cũng đã hoàn tất việc đóng trạng thái vàng, đồng thời NHNN đang đề nghị các NHTM đàm phán với khách hàng để chuyển đổi dư nơ vàng sang tiền đồng. Lý do là trong đà sụt giảm của giá vàng, việc chuyển đổi dư nợ từ vàng sang tiền đồng cũng có nhiều thuận lợi hơn. Ngoài ra, xu hướng ổn định của tỷ giá USD cũng là một nhân tố tích cực tác động đến sự ổn định của giá vàng trong nước.

Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tháng 4/2014 đã diễn biến theo chiều hướng điều chỉnh giảm. Cùng với sự sụt giảm của cả hai chỉ số chính là VN Index và HNX Index, thanh khoản của thị trường cũng giảm sút đáng kể so với tháng 3/2014.

Trong tháng 4, tâm lý lo ngại thị trường điều chỉnh sâu khiến cho áp lực bán chốt lời hoặc cắt lỗ tăng lên. Khi các cổ phiếu có chỉ số giá trên vốn cổ phần- P/E khá cao và sau một thời gian dài tăng giá đã mang lại cho nhà đầu tư một mức lợi nhuận lớn thì họ có xu hướng bán chốt lời và chờ đợi thị trường điều chỉnh giảm. Sau đợt giảm giá mạnh trong nửa đầu tháng 4, P/E của khá nhiều cổ phiếu trên sàn đã được điều chỉnh giảm về mức hợp lý để đầu tư trung và dài hạn. Mặc dù các chỉ số đầu tư đã trở nên hấp dẫn nhưng vẫn không thu hút được thêm dòng tiền đầu tư bởi nguy cơ thua lỗ vẫn còn cao khi các chính sách mới đối với TTCK không được như kỳ vọng của nhà đầu tư.

Trong nửa cuối tháng 4, sự nghi ngờ và thận trọng vẫn bao trùm thị trường khi xu hướng của các chỉ số hoàn toàn chưa rõ ràng. Kỳ vọng của nhà đầu tư về sự cải thiện của kết quả kinh doanh quý I/2014 của các doanh nghiệp cũng không cao bởi quý I thường là quý tăng trưởng chậm của các ngành, do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết kéo dài làm hoạt động kinh doanh gián đoạn.

Về mặt vĩ mô, thị trường cũng thiếu vắng những thông tin hỗ trợ tích cực. Trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ dừng lại ở mức 0,01% cho thấy nỗ lực đẩy mạnh hoạt động cho vay của các TCTD chưa mang lại hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùngCPI tháng 4 của cả nước chỉ tăng 0,08% so với tháng trước, tương đương mức tăng 4,45% so với cùng kỳ năm ngoái, và 0,88% tính từ đầu năm nay. Mức tăng thấp kỷ lục trong vòng 13 năm trở lại đây của CPI cho thấy sức cầu quá yếu. Điều này làm gia tăng lo ngại về việc tổng cầu phục hồi yếu và nguy cơ giảm phát của nền kinh tế. Vấn đề giải quyết nợ xấu tuy có tiến triển nhưng vẫn khá chậm và chưa có nhiều đột phá so với thời điểm cuối năm 2013 khi mà tỷ lệ nợ xấu vẫn vào khoảng 7%. Tính đến hết quý I, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chỉ mua được 3.929 tỷ đồng nợ gốc từ các TCTD, một con số khá thấp so với kế hoạch mua 10.000 tỷ đồng trong quý I và từ 70.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2014.

Một yếu tố khác tác động tiêu cực đến thị trường trong tháng 4 vừa qua chính là động thái tiếp tục bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Hoạt động bán tháo mạnh mẽ của khối tự doanh các công ty chứng khoán trong nhiều phiên liên tiếp cũng góp phần khiến thị trường giảm sâu thêm.

Như vậy, sau một thời gian tăng trưởng nóng, TTCK Việt Nam đã đảo chiều giảm mạnh trong tháng 4. Thanh khoản cô đọng và giảm dần cho thấy dòng tiền vào thị trường đang trở nên yếu đi. Tuy nhiên, nhiều nhận định của giới quan sát cho rằng, dòng tiền chỉ tạm thời nghỉ ngơi chờ cơ hội mới vì các kênh đầu tư khác không có cơ hội nhiều hơn so với TTCK. Có thể thấy, lãi suất tiền gửi hiện quá thấp, không phải là kênh sinh lời cao. BĐS vẫn trầm lắng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thị trường vàng và ngoại tệ bộc lộ nhiều hạn chế và không được khuyến khích, không còn hấp dẫn. Về triển vọng TTCK trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Với triển vọng vĩ mô tốt dần lên và khả năng khai thông dòng vốn tín dụng, TTCK trong thời gian tới có thể sẽ khởi sắc hơn.

Phòng Phân tích & Dự báo Thị trường
Tìm kiếm