MỘT SỐ NÉT CƠ BẢN VỀ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIỀN TỆ VIỆT NAM THÁNG 3/2014

15/04/2014 09:00

Thị trường tiền tệ - ngân hàng

Từ ngày 18/3/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh giảm một loạt các lãi suất chủ chốt, theo đó lãi suất tái cấp vốn giảm từ 7% xuống 6,5%/ năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 5% xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 8% xuống 7,5%/năm; trần lãi suất huy động đồng Việt Nam (VND) các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7% xuống 6%/ năm; trần lãi suất huy động đô la Mỹ (USD) của cá nhân giảm từ 1,25% xuống 1%/năm; lãi suất huy động USD đối với các doanh nghiệp, tổ chức giữ nguyên tại 0,25%/năm. Đồng thời, trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, danh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được điều chỉnh giảm từ 9% xuống 8%/năm. Trong bối cảnh lạm phát thấp, tín dụng tăng trưởng âm (tính đến ngày 13/3 tăng trưởng đạt -1,05% so với cuối năm 2013) và chênh lệch lãi suất giữa VND và USD còn cao thì lần điều chỉnh giảm lãi suất này của NHNN được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là hợp lý cả về thời điểm lẫn liều lượng, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tình hình thị trường tài chính ngân hàng, có tác dụng thúc đẩy tín dụng tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới và nằm trong lộ trình thực hiện mục tiêu chống đô la hóa của NHNN.

Ngay từ trước khi NHNN công bố điều chỉnh giảm lãi suất, nhiều ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất huy động, đặc biệt là khối ngân hàng quốc doanh, không chỉ giảm lãi suất huy động ở các kì hạn ngắn mà các kì hạn dài từ 12 tháng trở lên cũng được điều chỉnh giảm. Mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng lượng vốn huy động vẫn tiếp tục tăng (tính đến ngày 13/3 tăng 1,92% so với cuối năm 2013 trong đó huy động VND tăng 2,23%, huy động ngoại tệ giảm 0,09%), tuy nhiên đã có sự dịch chuyển từ kì hạn ngắn sang kì hạn trung và dài hạn do trần lãi suất không bị khống chế (tỷ lệ vốn ngắn hạn trong tổng lượng vốn của hệ thống ngân hàng đã giảm từ 80% xuống còn 60%).

Lãi suất huy động giảm là một trong những yếu tố quan trọng để giảm lãi suất cho vay nhưng giảm được thêm bao nhiêu còn phu thuộc nhiều yếu tố như nợ xấu, mức độ rủi ro của doanh nghiệp hay trình độ quản trị của ngân hàng. Hiện nay, lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức khá cao và chênh lệch giữa hai mức lãi suất ở khoảng 4 - 5%. Các ngân hàng cổ phần duy trì lãi suất cho vay ngắn hạn từ 3 - 6 tháng phổ biến ở mức 10,5% - 12%/năm, trong khi lãi suất huy động ngắn hạn đều ở mức dưới 7%/năm. Tại các ngân hàng quốc doanh, mức cho vay ngắn hạn là 9 - 10%/năm còn lãi suất huy động ngắn hạn từ 5 - 5,8%/năm. Với các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên lãi suất cho vay còn cao hơn nữa. Trên thực tế, lãi suất cho vay hiện không phải là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng doanh nghiệp của các ngân hàng. Kinh tế khó khăn, sức mua giảm khiến đầu ra của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nên cầu vay vốn không cao. Bên cạnh đó, dù các ngân hàng hạ lãi suất cho vay nhưng vì lo ngại nợ xấu tăng nên tiêu chuẩn cho vay không được điều chỉnh giảm dẫn đến thực trạng là hiện nay, 70 – 80% doanh nghiệp có nhu cầu vốn mà không đáp ứng được yêu cầu vay vốn của ngân hàng nên không tiếp cận được vốn vay.

Lãi suất trái phiếu Chính phủ của các kì hạn cũng đã giảm xuống mức kỉ lục. Cụ thể, lãi suất TPCP các kì hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm và 7 năm lần lượt là 5,3250%/năm, 5,8917%/ năm, 6,2167%/năm và 8,2417%/năm (số liệu ngày 17/3/2014). Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, huy động vốn vẫn tăng, các mức lãi suất chủ chốt đều được điều chỉnh giảm nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng âm chính là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc lãi suất TPCP bị giảm sâu như vậy. Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động tín dụng của các ngân hàng không phát triển thì TPCP hiện vẫn đang là kênh đầu tư an toàn. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất của các kì hạn đều có xu hướng giảm nhe.

Trong tuần đầu của tháng, mặt bằng lãi suất có diễn biến trái chiều, tăng ở kì hạn ngắn và giảm nhẹ ở kì hạn dài. Tuy nhiên, biến động này chỉ mang tính tạm thời, lãi suất của tất cả các kì hạn đã giảm nhẹ ở tuần tiếp theo. Do cung tiền tương đối dồi dào và nhu cầu về vốn ở mức thấp là những nhân tố giữ cho mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tương đối ổn định cho đến hết tháng 3. Các giao dịch trên thị trường chủ yếu ở các kì hạn ngắn như kì hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần. Trên thị trường mở, NHNN đã bơm ròng trong tháng 3.

Trong tuần đầu của tháng, NHNN hút ròng 141 tỷ đồng. Mặc dù NHNN vẫn thực hiện chào thầu 1.000 tỷ đồng mỗi phiên với mức lãi suất 5,5% và kỳ hạn 7 ngày nhưng không có ngân hàng nào tham gia đấu thầu, có thể là do thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào và mức lãi suất cao hơn so với lãi suất liên ngân hàng và lãi suất đấu thầu sơ cấp tín phiếu NHNN. 141 tỷ đồng này là khối lượng hàng hóa trên thị trường mở đáo hạn. Do lượng vốn huy động tiếp tục tăng nhưng tín dụng tăng trưởng âm nên nhu cầu vay vốn trên thị trường mở của các ngân hàng giảm mạnh. 03 tuần tiếp theo của tháng không có ngân hàng nào tham gia các phiên đấu thầu của NHNN dù lãi suất đã được NHNN giảm xuống 5% - mức thấp nhất trên thị trường mở kể từ năm 2008 đến nay - và cũng không có loại giấy tờ có giá nào đáo hạn dẫn tới tình trạng không có giao dịch nào thành công trên thị trường mở. Vào ngày cuối cùng của tháng, NHNN bơm ròng 1.000 tỷ đồng, dẫn tới cả tháng 3 khối lượng bơm ròng đạt 859 tỷ đồng.

Thị trường ngoại hối

Trong tháng 3, tỷ giá VND/ USD diễn biến theo xu hướng ổn định. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD được NHNN giữ nguyên ở mức 21.036 VND/USD. Tại thời điểm cuối tháng 3, tỷ giá được niêm yết tại các NHTM ở mức 21.080 - 21.120 VND/USD (mua vào - bán ra). Chỉ số giá USD tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước. Tính bình quân, giá USD 3 tháng đầu năm 2014 tăng 0,94% so với 3 tháng đầu năm ngoái .

Ngày 17/3/2014, NHNN ban hành Thông tư số 06/2014/TTNHNN và Quyết định số 497/QĐ- NHNN quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức là người cư trú, tổ chức là người không cư trú (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0,25%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là người cư trú, cá nhân là người không cư trú giảm từ 1,25%/năm xuống 1%/năm.

Trong tháng, lãi suất bình quân liên ngân hàng bằng USD có xu hướng tăng, đặc biệt ở các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 3, lãi suất bình quân các kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng dao động trong khoảng 0,66% - 2,05%/năm với mức tăng từ 0,12 - 1,05%/năm.

Trong quý 1/2014, NHNN đã mua vào khoảng 7,7 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại tệ cho quốc gia và kiềm chế lạm phát. Có thể thấy, cán cân thương mại hàng hóa 3 tháng đầu năm đạt mức thặng dư 1 tỷ USD, cùng với mức giải ngân vốn ODA tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, ước khoảng 364 triệu USD là những yếu tố tích cực tiếp tục hỗ trợ cho sự ổn định của thị trường ngoại hối trong nước thời gian qua.

Thị trường Vàng Giá vàng trong nước tháng 3/2014 biến động tăng giảm liên tục với biên độ dao động hẹp trong nửa đầu tháng sau đó giảm dần vào cuối tháng. Giá vàng trong tháng lên cao nhất tại mức 36,53 triệu đồng/lượng ngày 3/3, thấp nhất tại 35,52 triệu đồng/lượng ngày 28/3. Tính chung cả tháng, chỉ số giá vàng tăng lên 3,31%. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện khoảng trên 2 triệu đồng/lượng.

Ngày 28/3/2014, NHNN ban hành Thông tư số 11/2014/TT-NHNN quy định việc mang vàng của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh. Theo đó, cá nhân Việt Nam và nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu bằng hộ chiếu không được mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu, ngoại trừ vàng trang sức, mỹ nghệ. Trường hợp cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu phải làm thủ tục gửi tại kho hải quan để mang ra khi tái xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh; cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trang sức có tổng khối lượng từ 300 gram trở lên phải khai báo với cơ quan hải quan. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2014, thay thế Quyết định số 1165/2011/QĐ-NHNN ngày 12/9/2001 của NHNN Việt Nam quy định việc mang vàng của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh.

Cùng chiều với xu hướng của giá vàng thế giới, thị trường vàng trong nước cũng ghi nhận mức tăng nhẹ trong 2 tuần đầu tháng 3. Trong giai đoạn này, có thời điểm chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước thu hẹp về mức 1,1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên vào giai đoạn nửa cuối tháng, ảnh hưởng từ sự sụt giảm của thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng giảm mạnh. Mặc dù vậy, giá vàng trong nước giảm chậm hơn giá vàng thế giới khiến khoảng cách giữa giá vàng thế giới và trong nước nới rộng hơn so với giai đoạn trước đây. Nguyên nhân khiến giá vàng thế giới giảm mạnh là do sự bất ổn chính trị tại châu Âu cùng với lo ngại về khả năng Mỹ tiếp tục cắt giảm gói nới lỏng định lượng - QE3 cũng như động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed sau những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế Mỹ. Nhìn chung, thị trường vàng trong nước từ đầu năm tới nay tương đối ổn định cả về giá và lượng. Đồng thời, do nhu cầu nắm giữ vàng giảm mạnh nên 3 tháng đầu năm NHNN không tổ chức các phiên đấu thấu vàng miếng như trước đây.

Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong tháng 3 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng rất tích cực. Cả hai chỉ số VN Index và HNX Index đều đạt mức tăng trưởng khá. Thanh khoản của thị trường được cải thiện mạnh mẽ với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên cả hai sàn lên đến con số hơn 4.000 tỷ đồng.

Tâm lý các nhà đầu tư khá lạc quan trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có những dấu hiệu tích cực. Lạm phát trong ba tháng đầu năm được điểm soát tốt với mức tăng thấp kỷ lục. CPI tháng 3 cả nước giảm 0,44%, tương ứng mức tăng chỉ 4,39% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2010 trở lại đây. Tính chung quý I, CPI chỉ tăng 0,8% so với cuối năm 2013. Lạm phát thấp là nền tảng để thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Về tăng trưởng, tuy CPI hiện tại đang ở mức thấp nhưng nhu cầu tiêu dùng cũng đã có những cải thiện nhất định. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng đạt mức tăng khá trong những tháng vừa qua. GDP quý I/2014 tăng 4,96% - mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong đó, khu vực Công nghiệp, xây dựng và khu vực Dịch vụ đều có mức tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực sản xuất vẫn đang trên đà mở rộng khi mà chỉ số PMI trong tháng 2 và tháng 3 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2%; cao hơn so với con số 4,9% cùng kỳ năm trước. Trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD và tính riêng trong tháng 3 nhập siêu 300 triệu USD. Xuất khẩu tăng trưởng cho thấy nhu cầu từ nước ngoài đang được cải thiện, đồng thời, nhập khẩu tăng lên rõ rệt trong tháng 3 vừa qua thể hiện lĩnh vực sản xuất đang chuyển biến tích cực.

Trong tháng 3, NHNN đã điều chỉnh giảm hàng loạt lãi suất chủ chốt. Trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn cũng được điều chỉnh giảm xuống. Động thái này cho thấy định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tốt ở mức thấp và thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá ổn định. Việc lãi suất huy động giảm xuống là điều kiện thuận lợi để mặt bằng lãi suất cho vay giảm theo. Đối với TTCK thì đây là thông tin khá tích cực và thị trường được kỳ vọng có sức hấp dẫn tốt và thu hút thêm dòng tiền

Về mặt chính sách, Thủ tướng đã chính thức phê duyệt đề án xây dựng TTCK phái sinh với lộ trình và định hướng phát triển tương đối rõ ràng. Thông tin này đã đáp ứng được phần nào kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự phát triển của TTCK nói chung và sản phẩm quản trị rủi ro nói riêng. Ở góc độ vi mô, kỳ vọng của nhà đầu tư về lợi nhuận khả quan trong quý I của các công ty niêm yết, đặc biệt là các công ty thuộc ngành chứng khoán và bất động sản đã phản ánh rõ nét vào giá cổ phiếu các công ty này trong ba tháng qua và dẫn dắt thị trường tăng điểm mạnh mẽ trong quý I.

Như vậy, có thể thấy TTCK Việt Nam trong quý I/2014 đã phản ứng rất tích cực với những thông tin vĩ mô và vi mô. Tuy nhiên, bước sang quý II, thị trường có thể phải đối mặt với khá nhiều rủi ro. Trong đó rủi ro lớn nhất là sự rút vốn của khối ngoại. Khối ngoại đã bán ròng khá lớn trong tháng 3 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Sự suy yếu của dòng vốn ngoại sẽ tác động tiêu cực đến dòng vốn nội, vốn cũng đang suy yếu dần do nhiều công ty chứng khoán đã hết hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ. Thêm vào đó, báo cáo tài chính 2013 sau kiểm toán của nhiều doanh nghiệp cho thấy sự sụt giảm lợi nhuận so với trước khi kiểm toán đã phần nào tác động không tốt đến tâm lý của nhà đầu tư. Do đó, việc thu hút thêm dòng tiền vào thị trường sẽ cần thêm thời gian, khi mà diễn biến kinh tế vĩ mô cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện một cách rõ nét hơn.

Phòng Phân tích & Dự báo Thị trường
Tìm kiếm