XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG CỤ PHÁI SINH CHỈ SỐ CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM

15/05/2014 09:00
Xuất phát từ những đòi hỏi thực tiễn khách quan cũng như mục tiêu, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TS. Nguyễn Sơn – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cùng nhóm nghiên cứu đã triển khai Đề tài “Xây dựng và phát triển công cụ phái sinh chỉ số chứng khoán tại Việt Nam”. Tạp chí Chứng khoán xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung tóm lược về Đề tài này.

Tính cấp thiết của đề tài

Việc nghiên cứu vấn đề về xây dựng và phát triển các công cụ phái sinh chứng khoán tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay là cấp thiết và có tính ứng dụng thực tiễn. Phạm vi nghiên cứu của Đề tài tập trung đi sâu vào mô hình và giải pháp cho phát triển thị trường các công cụ phái sinh chuẩn hóa (hợp đồng tương lai- HĐTL và hợp đồng quyền chọn - HĐQC) trên tài sản cơ sở là chỉ số chứng khoán. Đối tượng nghiên cứu của Đề tài là các loại công cụ phái sinh trên chỉ số chứng khoán như: HĐTL chỉ số chứng khoán, HĐQC chỉ số chứng khoán; Thực trạng tổ chức giao dịch, quy định pháp lý về thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) tại Việt Nam. Từ đó, Đề tài đưa ra những đề xuất về mô hình và giải pháp nhằm phát triển thị trường HĐTL, HĐQC trên chỉ số chứng khoán.

Chương I “Cơ sở lý luận về công cụ phái sinh chỉ số chứng khoán” đã tóm lược lý thuyết về công cụ phái sinh chỉ số chứng khoán, tổ chức giao dịch các công cụ phái sinh chỉ số chứng khoán trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) và kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển công cụ phái sinh chỉ số chứng khoán. Chương II “Thực trạng TTCK Việt Nam và điều kiện tiền đề cho phát triển các công cụ phái sinh trên chỉ số chứng khoán”, sau khi đề cập tới thực trạng TTCK Việt Nam và nhu cầu giao dịch các Chứng khoán phái sinh (CKPS), Đề tài đã đi sâu vào phân tích thực trạng giao dịch các công cụ phái sinh hàng hóa, tiền tệ; tình hình giao dịch các công cụ phái sinh chứng khoán và các điều kiện tiền đề để phát triển công cụ phái sinh trên chỉ số chứng khoán. Trên thực tế tại Việt Nam, dù TTCKPS chưa xuất hiện chính thức và hiện không có quy định pháp lý hướng dẫn thực hiện, các loại CKPS phi chính thức vẫn tự phát ra đời. Có thể thấy trong giai đoạn tăng trưởng nóng của thị trường (2007 - 2008), một số công ty chứng khoán (CtyCK) đã triển khai giao dịch sản phẩm phái sinh mà chủ yếu là các HĐQC dựa trên cổ phiếu. Các HĐQC cổ phiếu này được giao dịch trên thị trường OTC, CtyCK là bên giao dịch trực tiếp với khách hàng, thường đóng vai trò là người bán HĐQC.

Chương III “Đề xuất mô hình và cơ chế giao dịch HĐTL, HĐQC trên chỉ số chứng khoán tại Việt Nam”, Đề tài tập trung đưa ra những đề xuất cụ thể như sau:

Mô hình thị trường tập trung cho giao dịch CKPS trên chỉ số chứng khoán

Các CKPS trên chỉ số chứng khoán (HĐTL/HĐQC trên chỉ số chứng khoán) sẽ được giao dịch tập trung tại sàn giao dịch CKPS bên cạnh sàn giao dịch cổ phiếu và sàn giao dịch trái phiếu. Sàn giao dịch CKPS là một bộ phận trong SGDCK Việt Nam. Mô hình tổ chức sàn giao dịch CKPS được mô tả qua hình vẽ dưới đây:

Khung pháp lý cho xây dựng và giao dịch CKPS trên chỉ số chứng khoán

Ban hành Nghị định của Chính phủ về CKPS và TTCKPS theo hướng xây dựng TTCKPS tập trung với sản phẩm là các CKPS chuẩn hóa từ đơn giản đến phức tạp phù hợp với trình độ phát triển của TTCK Việt Nam. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ ban hành các thông tư hướng dẫn đối với từng lĩnh vực.

Cơ chế giao dịch của CKPS trên chỉ số chứng khoán

Về cơ bản quy trình giao dịch CKPS nói chung và HĐTL/HĐQC trên chỉ số chứng khoán cũng tương tự như quy trình giao dịch trên thị trường cổ phiếu. Tổ chức giao dịch cho CKPS sẽ được thực hiện thông qua hệ thống giao dịch của Sàn giao dịch CKPS thuộc SGDCK Việt Nam theo phương thức khớp lệnh trên sàn hoặc phương thức thỏa thuận khối lượng lớn. Đặc biệt, quy định cấm bán khống không được áp dụng cho giao dịch CKPS. Các loại lệnh giao dịch được áp dụng tương tự như trên thị trường cổ phiếu. Thời gian ban đầu sẽ áp dụng các loại lệnh đơn giản và quen thuộc như: lệnh thị trường và lệnh giới hạn (có thêm điều kiện thực hiện lệnh như: Fill or Kill- FOK, Immediate or cancel- IOC…). Sau đó, SGDCK sẽ xem xét áp dụng các lệnh giao dịch phức tạp hơn phù hợp với thông lệ quốc tế như lệnh dừng mua (Stop loss order)… Trong quá trình giao dịch, nếu có sự biến động quá lớn trên thị trường cơ sở và TTCKPS ảnh hưởng đến giá tài sản cơ sở, giá HĐTL/HĐQC chỉ số, SGDCK sẽ sử dụng chức năng ngắt mạch thị trường (Circuit Breaker) để ổn định thị trường, ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Mô hình thành viên

Theo quy định tại Luật chứng khoán, TTLKCK sẽ là đơn vị duy nhất thực hiện thanh toán, bù trừ, đăng ký, lưu ký cho các chứng khoán (gồm cả CKPS) nên tại Việt Nam sẽ tồn tại cả thành viên giao dịch - thành viên của SGDCK và thành viên bù trừ - thành viên của TTLKCK. Định hướng trong việc xây dựng mô hình thành viên ở TTCKPS sẽ yêu cầu thành viên bù trừ của trung tâm thanh toán bù trừ (TTBT) (tạm gọi là VSD - CCP) cũng đồng thời là thành viên giao dịch của SGDCK. Tức là, sẽ lựa chọn những CtyCK tốt, đáp ứng các yêu cầu cao hơn về vốn, chỉ tiêu an toàn tài chính, quản trị rủi ro, hạ tầng công nghệ phù hợp để tham gia TTCKPS, phù hợp với đề án tái cấu trúc TTCK, tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Ngoài ra, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ xem xét sự tham gia của thành viên đặc biệt là các Ngân hàng, tổ chức khác khi tham gia kinh doanh trên phân mảng thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP).

Mô hình thanh toán

Trung tâm TTBT được tổ chức tại TTLKCK phải tổ chức theo mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) để thực hiện chức năng TTBT cho giao dịch CKPS. Bên cạnh chức năng TTBT cho các CKPS, Trung tâm TTBT (VSD - CCP) còn thực hiện chức năng quản lý các quỹ hỗ trợ thanh toán, quản lý tính toán ký quỹ, tài sản thế chấp, quản lý rủi ro, xử lý trong trường hợp mất khả năng thanh toán.

Mô hình giám sát

Về cơ bản, quy trình giám sát trên TTCKPS tương tự như trên TTCK cơ sở, dựa trên các kết quả giám sát hàng ngày và định kỳ (tuần, tháng, năm). Dựa trên kết quả giám sát, hệ thống giám sát tại Sở, Trung tâm TTBT phái sinh (VSD - CCP) có nghĩa vụ lập báo cáo giám sát gửi lên bộ phận giám sát trực thuộc UBCKNN. Bên cạnh đó, Đề tài cũng đã đưa ra được những giải pháp cụ thể nhằm đưa mô hình và cơ chế giao dịch HĐTL, HĐQC trên chỉ số chứng khoán tại Việt Nam theo đề xuất vào thực tiễn. Đó là các giải pháp:

- Phát triển và hoàn thiện thị trường chứng khoán cơ sở: trong đó có Phát triển thị trường cổ phiếu và Phát triển thị trường TPCP và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

- Phát triển cơ sở các nhà đầu tư. Điều chỉnh quy định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại các doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và lộ trình phát triển thị trường vốn là một trong những biện pháp nhằm phát triển cơ sở nhà đầu tư hiệu quả. Cũng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng, thuận lợi, từng bước gỡ bỏ các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà ĐTNN dễ tiếp cận TTCK Việt Nam. - Phát triển các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

- Tái cấu trúc tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán: trong đó có tái cấu trúc thị trường giao dịch và tái cấu trúc hệ thống bù trừ tiền và chứng khoán giao dịch, cơ chế quản lý rủi ro...

- Xây dựng khung pháp lý cho TTCKPS. Giao dịch CKPS chịu sự điều chỉnh bởi Luật về chứng khoán và CKPS. Theo quy định hiện hành, Luật Chứng khoán (Luật số 70 và 62) đã đề cập đến các loại CKPS nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Do đó, khung pháp lý điều chỉnh TTCKPS tại Việt Nam cần được hiện thực hóa trong Luật do Chính phủ ban hành, Nghị định hướng dẫn, Thông tư hướng dẫn và các quy chế, quy định do sàn giao dịch CKPS ban hành.

- Xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ cho TTCKPS. Hệ thống hạ tầng công nghệ cho TTCKPS bao gồm: hệ thống giao dịch, hệ thống giám sát, hệ thống công bố thông tin (CBTT) và TTBT.

- Xây dựng hệ thống chỉ số cơ sở. Để phát triển các chỉ số này nhằm mục đích sử dụng làm tài sản cơ sở cho các CKPS, biện pháp cần thiết là: Thiết lập một bộ phận chuyên trách thuộc SGDCK chịu trách nhiệm tạo lập chỉ số và điều chỉnh chỉ số khi cần. Áp dụng thông lệ quốc tế về xây dựng các chỉ số cổ phiếu. Phương pháp phổ biến và thông dụng hiện này là sử dụng tỷ lệ cổ phiếu tự do giao dịch (freefloat) trong công thức tính chỉ số để nhằm phản ánh đúng diễn biến thị trường và phòng tránh sự tác động quá lớn của một cổ phiếu cấu thành trong chỉ số tới chỉ số. Phát triển đa dạng các chỉ số hiện có.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ cho TTCKPS. Công tác đào tạo con người luôn là một yêu cầu trọng tâm khi xây dựng TTCKPS. Xây dựng đội ngũ cán bộ trong ngành chứng khoán là yêu cầu then chốt cho việc thiết lập một thị trường mới. Đội ngũ cán bộ cần được chú trọng trên hai mảng là trang bị kiến thức chuyên môn về CKPS và TTCKPS và thực nghiệm các hoạt động trên thị trường trong tổ chức vận hành, thanh toán và giám sát.

- Phổ biến, đào tạo và tập huấn cho công chúng đầu tư. Việc đào tạo và tập huấn công chúng đầu tư có thể được thực hiện thông qua các hình thức như sau: Xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ về CKPS: Tổ chức hội thảo và tập huấn cho nhà đầu tư nhằm giới thiệu sản phẩm CKPS, các quy định pháp lý về CKPS và TTCKPS, trong đó có sản phẩm HĐTL chỉ số chứng khoán. CBTT về đặc điểm sản phẩm và các quy định pháp luật liên quan đến CKPS. Các nhà đầu tư mới tham gia vào TTCKPS có thể được các CtyCK phát cuốn sách/tờ rơi giới thiệu cách thức tham gia giao dịch và các kiến thức về CKPS và TTCKPS để có hiểu biết nhất định trước khi tham gia giao dịch. Giới thiệu về các sản phẩm CKPS và TTCKPS cho công chúng đầu tư thông qua phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình. Phối hợp với CtyCK tổ chức hội thảo và các hoạt động tuyên truyền, tiếp cận, hướng dẫn nhà đầu tư cách thức tham gia giao dịch CKPS và những quy định pháp lý có liên quan tới TTCKPS.

Tạp chí Chứng khoán & Phòng Quản lý NCKH & ĐTCK
Tìm kiếm