Xây dựng thị trường giao dịch tập trung tín chỉ carbon vì mục tiêu phát triển bền vững

21/04/2024 14:54
Thị trường carbon tập trung (Compliance Carbon Markets - CCM) hay còn được gọi là Hệ thống giao dịch phát thải (Emissions Trading Systems - ETS) hoạt động tuân theo các quy định mua bán phát thải (Cap and Trade), quy định lượng CO2 tối đa mà chủ sở hữu được phép thải ra. Giá trị của các khoản tín dụng của thị trường carbon tập trung ước tính từ 700 tỷ USD đến 800 tỷ USD mỗi năm, lớn hơn nhiều so với thị trường carbon tự nguyện (voluntary carbon markets - VCM), chỉ khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.

 

                                                             Ảnh minh hoạ

Thị trường carbon tập trung tổ chức việc mua bán carbon dựa trên các quy định pháp luật và cam kết của các quốc gia trong các công ước, hiệp định, chương trình quốc tế để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Khi tham gia thị trường này, các tổ chức sẽ phải tuân thủ mục tiêu đã cam kết theo các quy định về giảm lượng carbon bắt buộc của quốc gia, khu vực hoặc quốc tế với mục đích tổng thể là giảm lượng khí thải CO2.
Thị trường carbon tập trung có hai loại cơ chế:
Thứ nhất, cơ chế “Cap and Trade” là loại thị trường tập trung phổ biến nhất. Quy trình Cap: Chính phủ sẽ xây dựng hệ thống hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các đơn vị sản xuất có phát thải, theo đó mỗi đơn vị chỉ được thải ra một lượng nhất định
CO2 hoặc tương đương. Thông qua quy trình này, các nước sẽ giới hạn được tổng lượng CO2 được phép thải ra môi trường. Quy trình Trade: Các đơn vị sản xuất phát thải cao hơn hạn ngạch cho phép thì có thể bị áp thuế cao hoặc buộc phải mua thêm hạn ngạch. Các đơn vị không sử dụng hết lượng khí thải trong hạn ngạch có thể tích lũy dưới dạng tín chỉ carbon, bán hoặc trao đổi hạn ngạch thông qua thị trường các-bon[1]. Tại các thị trường này, hạn mức phát thải carbon tối đa cho các doanh nghiệp và các ngành trong nước được ban hành bởi các tổ chức chính phủ khu vực, quốc gia và quốc tế. Mỗi mức phát thải được phép (hoặc giấy phép phát thải) thường cho phép thải ra một tấn chất gây ô nhiễm như CO 2 . Sau đó, chúng được giao dịch trên thị trường thứ cấp với giá được xác định bởi cung và cầu, chẳng hạn một công ty đã vượt quá mức phát thải được phân bổ có thể tìm cách mua các tín chỉ phát thải bổ sung từ một công ty có lượng phát thải thực tế dưới mức giới hạn. Mô hình này được áp dụng tại Liên minh châu Âu (EU),

Vương quốc Anh (Anh), New Zealand, Hàn Quốc, bang California (Mỹ), thành phố Quebec (Canada) và Mexico;Thứ hai, Hệ thống tín dụng và cơ sở (baseline-and-credit system), theo đó mức phát thải cơ sở, tức là mức mục tiêu do cơ quan quản lý quyết định dựa trên dữ liệu lịch sử và mục tiêu môi trường. Mức cơ bản này được xác định dựa trên các đơn vị đã tuân thủ trong quá khứ và giấy phép từng được cấp cho những đơn vị đã thực hiện giảm lượng phát thải xuống dưới mức đó. Những đơn vị phát thải nhiều hơn mức cơ bản không nhất thiết bị xử phạt, nhưng cũng sẽ không nhận được giấy phép carbon. Trung Quốc và Úc là những nước đã sử dụng các hệ thống tín dụng và cơ sở cho sáng
kiến quỹ giảm phát thải.

 Doanh thu hàng năm

Nguồn: ICAP,2023


Báo cáo của ICAP[2] (2023) cho thấy số lượng thị trường carbon tập trung ngày càng tăng, theo đó tính đến đầu năm 2023, có 28 thị trường carbon tập trung đang hoạt động, 8 thị trường carbon tập trung đang được phát triển và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong vài năm tới, bao gồm các thị trường carbon tập trung ở Colombia, Indonesia và Việt Nam. Mười hai quốc gia khác cũng đang xem xét vai trò của thị trường carbon tập trung trong tổ hợp chính sách về biến đổi khí hậu. Giá trị giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon toàn cầu năm 2023 đạt mức kỷ lục 948,75 tỷ USD, đánh dấu mức tăng 2% so với năm 2022. Thị trường dự kiến sẽ đạt 2,68 nghìn tỷ USD vào năm 2028. 

Tại Việt Nam, việc xây dựng thị trường carbon tập trung là chìa khóa thúc đẩy nước ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV). Tuy vậy, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một thị trường carbon tập trung trong nước để làm “bệ đỡ” hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chiến lược PTBV và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu có yêu cầu tiêu chuẩn về tín chỉ carbon. Thị trường carbon tập trung trong nước sẽ tổ chức các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế giao dịch, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Việc phát triển thị trường carbon tập trung trong nước đã được đặt ra từ năm 2011 tại Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới, ban hành kèm theo Quyết 
định số 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phát triển thị trường carbon tập trung trong nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương năm 2013, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016. Theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris, Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính kể từ năm 2021 theo đóng góp do quốc gia tự quyết định, đặc biệt cần nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26[3]. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương.

                                                                   Nguồn: Bộ Tài chính, 2023

Tại Hội thảo về “Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của TTCK giai đoạn 2022 - 2030 và Nâng cao nhận thức về đầu tư bền vững và có trách nhiệm tại Việt Nam” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức vào năm 2023, đại diện vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) đã trình bày “Đề án Phát triển thị trường tín chỉ carbon”. Theo đó, sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam dự kiến đến năm 2028 sẽ chính thức vận hành, với quan điểm phát triển: (i). Chủ động phát triển thị trường carbon trong nước phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển của quốc gia, cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với quốc tế và xu hướng phát triển thị trường carbon toàn cầu, góp phần tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước trong việc tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; (ii). Xây dựng thị trường carbon trong nước theo mô hình tập trung, hoạt động thống nhất dưới sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế; (iii). Đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường carbon, tăng sức cạnh tranh của quốc gia theo hướng phát triển kinh tế phát thải ít carbon và tăng trưởng xanh gắn liền với PTBV.
Quan điểm xây dựng thị trường carbon tập trung trong nước theo mô hình tập trung, hoạt động thống nhất dưới sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế, trong đó cần lưu ý:
Thứ nhất, về hàng hóa có thể được phân loại theo một số cách khác nhau như: Tại Liên minh châu Âu, Hệ thống giao dịch phát thải - ETS là công cụ tài chính theo quy định, theo Điều 11(5) của Quy định đăng ký ETS của EU; trong khi tại Nhật Bản, ETS lại không được coi là công cụ tài chính; New Zealand, Cơ quan quản lý tài chính hiện không có trách nhiệm hoặc quyền hạn quản lý đối với ETS do Luật thị trường tài chính trong nước, ETS không phải là sản phẩm tài chính và không được phát hành hay giao dịch như sản phẩm tài chính.
Thứ hai, cần có một khuôn khổ rõ ràng và mạnh mẽ về giám sát, tuân thủ và thực thi. Hoạt động quản lý, giám sát thị trường cần được hỗ trợ bằng nguồn lực đầy đủ, khả năng tiếp cận dữ liệu thị trường thực tế và khả năng phân tích. 

Thứ ba, tăng tính minh bạch và khả năng dự báo về (i) tổng lượng phát thải carbon mà chính phủ dự định áp đặt; (ii) số lượng giấy phép dự định cấp miễn phí; (iii) số tiền giấy phép dự định bán đấu giá; và (iv) cơ chế đấu giá. 

Thứ tư, xây dựng khuôn khổ pháp lý cần có những quy định để tránh hành vi lạm dụng thị trường. Tại châu Âu, MIFID II/MIFIR và MAR (Chỉ thị về công cụ tài chính tại châu Âu) nghiêm cấm giao dịch nội gián, công bố thông tin trái pháp luật thông tin nội bộ và thao túng thị trường. Quy định bao gồm (i) xác định hành vi thông đồng hoặc thao túng giá trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp; (ii) kiểm tra đảm bảo các quy tắc và thủ tục được tuân thủ nghiêm chỉnh;
Thứ năm, cần chú trọng đến vai trò, chức năng của các sở giao dịch trong thực thi giám sát giao dịch để ngăn chặn sự thao túng, bóp méo giá và làm gián đoạn quá trình thanh toán.
Thực tế thế giới đã chứng minh việc triển khai thị trường carbon tập trung giúp các doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, thúc đẩy phát triển công nghiệp phát thải thấp, chuyển đổi mô hình nền kinh tế theo hướng carbon thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính theo quy định của Thỏa thuận Paris.

Danh mục tài liệu tham khảo

SSC (2023), tài liệu hội thảo về “Nâng cao Nhận thức và Năng lực về Đầu tư bền vững và có trách nhiệm trên thị trường chứng khoán và hoạt động đầu tư của các quỹ xanh, bền vững”.

SSC (2023), tài liệu hội thảo “kinh nghiệm quốc tế về Trái phiếu xanh và hoạt động công bố thông tin đối với Trái phiếu xanh”

IOSCO (2023), Compliance Carbon Markets

Và các trang thông tin điện tử www.mof.gov.vn; www.mpi.gov.vn; www.ssc.gov.vn;  www.unpri.org...

[1] https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/quan-ly-tin-chi-cac-bon-va-trao-doi-han-ngach-phat-thai-huong-toi-thi-truong-cac-bon-viet-nam-101422.htm

[2] International Carbon Action Partnership- Hợp tác quốc tế hành động carbon

[3] Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)

TS. Nguyễn Thanh Huyền, Nguyễn Phương Linh
(Tạp chí Chứng khoán, số 306)
Tìm kiếm