XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN CHO CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

15/06/2014 09:00

Khi các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu sử dụng công cụ tài chính (CCTC) phái sinh, đặc biệt là chứng khoán phái sinh (CKPS) để phòng ngừa rủi ro thì hệ thống kế toán Việt Nam nói chung và kế toán tại các doanh nghiệp nói riêng phải có sự thay đổi tương ứng. Cho đến nay vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể về kế toán khi doanh nghiệp sử dụng CCTC phái sinh và CKPS để phòng ngừa rủi ro hoặc kinh doanh. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Tiến sĩ Hà Thị Ngọc Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính cùng nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài “Xây dựng chế độ kế toán cho CKPS” nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hỗ trợ công tác kế toán của các tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS). Tạp chí Chứng khoán xin trân trọng giới thiệu đến độc giả một số nội dung tóm lược về Đề tài này.

Tính cấp thiết của đề tài

Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động liên quan đến niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư và các dịch vụ về CKPS và TTCKPS cũng như các quy định về thuế, phí, công bố thông tin (CBTT)… thì việc nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện các quy định về kế toán CKPS cần được triển khai đồng bộ nhằm tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, giúp TTCKPS vận hành hiệu quả, ổn định, giúp các doanh nghiệp hạch toán đầy đủ, rõ ràng và minh bạch các thông tin tài chính kế toán. Đề tài được triển khai với mục đích làm rõ lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế về kế toán CKPS, đánh giá thực trạng kế toán CKPS tại Việt Nam trên hai giác độ khuôn khổ pháp luật và thực tế thực hiện, từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất về hướng dẫn chế độ kế toán đối với CKPS.

Chương I “Cơ sở lý luận và thực tiễn kinh nghiệm quốc tế về kế toán CKPS” đã tóm lược lý thuyết về CKPS và bối cảnh nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chuẩn mực kế toán quốc tế về CCTC, bao gồm cả CKPS. Tại Chương II “Thực trạng chế độ kế toán CKPS ở Việt Nam”, sau khi đề cập tới thực trạng cơ sở pháp lý về triển khai các giao dịch liên quan đến CCTC phái sinh ở Việt Nam, Đề tài tập trung đánh giá thực trạng kế toán CCTC phái sinh trong các doanh nghiệp, những kết quả đạt được cũng như những hạn chế.

Nhìn chung, thị trường tài chính đã phát triển phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, nhiều ngân hàng thương mại hoặc Sàn giao dịch đã cung cấp giao dịch phái sinh theo các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng CKPS để phòng ngừa rủi ro hoặc cho mục đích kinh doanh tại các doanh nghiệp Việt Nam nói chung vẫn còn hạn chế do CCTC phái sinh là vấn đề quá phức tạp và mới mẻ ở Việt Nam lại chưa có sự hướng dẫn đầy đủ của Nhà nước. Mặc khác, Việt Nam chưa có thị trường hoàn chỉnh như các nước phát triển và nhiều doanh nghiệp chưa triển khai việc xác định rủi ro và thực hiện chính sách quản lý rủi ro để có thể sử dụng các CCTC phái sinh cho mục đích phòng ngừa rủi ro.

Sau khi phân tích đầy đủ những yêu cầu về sự cần thiết của việc sử dụng CKPS, sự cần thiết phải hoàn thiện kế toán CKPS, cũng như phân tích cụ thể phương hướng hoàn thiện kế toán CKPS trong các doanh nghiệp ở Việt Nam. Chương III của Đề tài đã đề xuất giải pháp hoàn thiện về kế toán đối với CKPS, đồng thời đề xuất nội dung kế toán CKPS, trong đó có: nguyên tắc kế toán, tài khoản sử dụng, phương pháp kế toán và báo cáo kế toán. Đồng thời để đảm bảo cho những giải pháp mang tính khả thi, Đề tài đã đề xuất các điều kiện thực hiện giải pháp hoàn thiện kế toán CKPS ở Việt Nam. Cụ thể:

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán CKPS

Hoàn thiện kế toán CKPS ở Việt Nam phải được tiến hành đồng thời với quá trình cải cách hệ thống kế toán Việt Nam và đòi hỏi phải có chiến lược đồng bộ mà nền tảng của nó là hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý.

Hoàn thiện nguyên tắc kế toán CKPS, trong đó: Cần có hướng dẫn về nguyên tắc xác định giá trị hợp lý CKPS; Cần có các quy định về nguyên tắc kế toán CKPS theo từng loại.

Kiến nghị về hoàn thiện hệ thống tài khoản kế toán:

Thứ nhất, bổ sung tài khoản “chứng khoán phái sinh”: Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động trong giá trị hợp lý của CKPS.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản.

Quy định về kế toán CKPS cho mục đích phòng ngừa rủi ro

Các công cụ phòng ngừa rủi ro phải được ký kết với một tổ chức độc lập bên ngoài doanh nghiệp báo cáo và tổ chức độc lập bên ngoài đó phải chịu trách nhiệm bù đắp tổn thất theo hợp đồng khi rủi ro phát sinh đối với đối tượng đã được phòng ngừa rủi ro. Trường hợp các doanh nghiệp độc lập trong tập đoàn tham gia vào các giao dịch phòng ngừa rủi ro với nhau thì giao dịch phòng ngừa rủi ro đó phải được loại trừ trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Doanh nghiệp phải căn cứ vào hợp đồng gốc để xác định tính chất của rủi ro và đối tượng được phòng ngừa rủi ro để lựa chọn giao dịch phái sinh một cách phù hợp. Nếu hợp đồng gốc là hợp đồng mua, bán chứng khoán, thì rủi ro là giá trị thị trường của chứng khoán, đối tượng được phòng ngừa rủi ro là khoản thanh toán tiền mua, bán chứng khoán trong tương lai.

Điều kiện thực hiện giải pháp hoàn thiện kế toán CKPS hiện nay tại Việt Nam

Các kiến nghị hoàn thiện kế toán CKPS được đưa ra chỉ có thể thực hiện tốt khi có sự kết hợp và nỗ lực của nhiều đơn vị tham gia cả ở phạm vi vĩ mô và vi mô.

Về phía Nhà nước:

Xây dựng, điều chỉnh khung pháp lý

Bước đầu Nhà nước cần ban hành cơ sở pháp lý về cung cấp sản phẩm phái sinh. Trong thời gian tới, cần sớm ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của TTCKPS và ban hành đầy đủ các văn bản về CKPS để chuẩn hóa các nội dung đã được qui định trong một số văn bản hiện hành liên quan đến CKPS.

Nới lỏng vai trò điều hành của Nhà nước vào thị trường CKPS

Trong bối cảnh hội nhập ở nước ta hiện nay, theo lộ trình hội nhập WTO, Nhà nước cần nới lỏng dần chính sách can thiệp trực tiếp vào thị trường. Khi đó, rủi ro đối với các giao dịch sẽ dần hiện rõ, gây ra những thiệt hại lớn hơn, buộc các doanh nghiệp, cá nhân, nhà đầu tư phải quan tâm đến các loại CKPS để làm lá chắn phòng ngừa rủi ro cho chính mình.

Hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ trong công tác nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nhà đầu tư

Công tác nâng cao trình độ và nhận thức của các đối tượng có nhu cầu sử dụng CKPS cần được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, mục đích rõ ràng. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ CKPS, đề ra chiến lược phát triển thị trường để dần tiến tới chuyên nghiệp hóa các giao dịch này, làm cho chúng trở thành những giao dịch quen thuộc và phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp, giới đầu tư và các tổ chức tài chính.

Nâng cao hiệu quả thị trường thông qua việc công khai hóa và minh bạch hóa thông tin

Để phát triển TTCKPS, cần chấn chỉnh và thúc đẩy truyền thông tài chính phát triển. Thông tin tài chính cần được công khai, minh bạch hóa. Nhà nước cần tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết hơn việc CBTT ra thị trường cũng như chế tài nghiêm khắc đối với các vi phạm về CBTT.

Thay đổi một số qui định về hạch toán kế toán

Bộ Tài chính xác định phí giao dịch CKPS là một khoản chi phí hợp lý, hợp lệ được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế. Điều này sẽ góp phần khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng CKPS nhiều hơn.

Về phía các đơn vị cung cấp sản phẩm CKPS

Chủ động giới thiệu, quảng bá thông tin về các sản phẩm, dịch vụ CKPS đến các doanh nghiệp

Đối với CKPS, một trong những loại hình dịch vụ mới, khá phức tạp đối với khách hàng, việc làm này càng cần thiết nhằm xây dựng nhận thức và hiểu biết cho khách hàng, nhà phát hành và nhà hoạch định chính sách về công dụng, lợi ích và cách thức sử dụng các công cụ này, từ đó phát triển nhu cầu sử dụng CKPS.

Không ngừng cải tiến chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ CKPS tới doanh nghiệp

Các đơn vị cung cấp sản phẩm này cần nhanh chóng chuẩn hóa tổ chức các phòng, ban kinh doanh liên quan đến CKPS của mình. Tăng thẩm quyền trực tiếp kinh doanh và thẩm quyền quyết định cho các cán bộ kinh doanh CKPS.

Nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân viên

Các tổ chức cung cấp dịch vụ CKPS cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên ngành cho nhân viên của mình, thông qua các khóa học đào tạo ngắn hạn ở trong nước và nước ngoài để vừa nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vừa tạo cơ hội làm quen với môi trường kinh doanh sôi động và hiện đại của TTCKPS quốc tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức khu vực và thế giới

Các đơn vị cung cấp sản phẩm phái sinh cần mở rộng hợp tác, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm về trang bị hạ tầng kỹ thuật, công tác điều hành, quản lý thị trường CKPS, cũng như kiến thức chuyên môn cho đội ngũ nhân lực về lĩnh vực này với các tổ chức lớn trong khu vực và thế giới trong quá trình tạo lập và phát triển TTCKPS ở Việt Nam.

Tiến tới thành lập một sàn giao CKPS niêm yết tập trung

Ngoài các giải pháp cho sự phát triển TTCKPS phi tập trung ở trên, để TTCKPS thực sự phát triển và trở thành một bộ phận cơ bản của thị trường chứng khoán (TTCK), bên cạnh một thị trường phi tập trung (OTC) vẫn đang tồn tại, Nhà nước cần tiến hành tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các sàn giao dịch CKPS lớn trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, để thành lập một sàn giao dịch CKPS tập trung chính thức như ở các nước có TTCK phát triển. Việc ra đời một sàn giao dịch CKPS tập trung chính thức là một quá trình phức tạp, đòi hỏi phải hội đủ nhiều điều kiện thiết yếu, khi mà TTCKPS phi tập trung đã manh nha phát triển ở Việt Nam. Việc ra đời một sàn giao dịch CKPS tập trung chính thức sẽ đánh dấu một bước phát triển mới của TTCK Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro bằng CKPS

Nâng cao trình độ chuyên môn của nhân viên, đặc biệt là đội ngũ kế toán

Đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam cần xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ nhân viên, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như kế toán, quản lý rủi ro, chuyên gia đầu tư chứng khoán, tài chính…

Vận dụng linh hoạt CKPS trong hoạt động tại doanh nghiệp

TTCKPS rất đa dạng và phức tạp, đòi hỏi cán bộ tại doanh nghiệp phải có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực này, am hiểu các kỹ thuật nghiệp vụ CKPS. Đặc biệt là cán bộ tài chính, kế toán phải có khả năng vận dụng linh hoạt các công cụ phòng ngừa rủi ro đối với giá chứng khoán. Ngoài ra, những nhân viên thực hiện nghiệp vụ này còn phải có khả năng phân tích và dự báo để có thể kết thúc giao dịch CKPS mà không gây tổn thất cho doanh nghiệp.

Tóm lại, hoàn thiện kế toán CKPS là một công việc đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Chính điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các CKPS để phòng ngừa rủi ro, đồng thời am hiểu được quy trình cũng như phương pháp kế toán khi doanh nghiệp sử dụng loại công cụ này trong quá trình hoạt động.

Tạp chí Chứng khoán & Phòng Quản lý NCKH, Trung tâm NCKH & ĐTCK
Tìm kiếm