TÁI CẤU TRÚC THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM - Góp phần phát triển TTCK bền vững

15/04/2014 09:00
Trên cơ sở những nội dung tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án “Tái cấu trúc TTCK và Doanh nghiệp bảo hiểm”, TS. Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cùng nhóm nghiên cứu đã triển khai Đề tài “Tái cấu trúc TTCK Việt Nam”. Việc nghiên cứu đề tài này nhằm hướng tới mục tiêu đánh giá thực trạng cũng như sự phát triển của TTCK Việt Nam trong thời gian qua, đánh giá những mặt cụ thể về công tác tái cấu trúc TTCK trong thời gian 2012 - 2013, từ đó đề ra phương hướng phát triển bền vững TTCK Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Đề tài được đánh giá là có tính khả thi cao, cả về thực tiễn và lý thuyết. Tạp chí Chứng khoán xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tóm lược một số nội dung của Đề tài này.

Tính cấp thiết của đề tài Cùng với sự biến động của thị trường tài chính toàn cầu, cũng như những tác động của quá trình toàn cầu hóa, đầu những năm 1990, các nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa sự phát triển của thị trường tài chính và sự phát triển kinh tế một lần nữa lại được chú ý bởi rất nhiều nhà kinh tế. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, tất cả các nền kinh tế đều phải tiến hành những cải cách kinh tế, tái cấu trúc thị trường tài chính trong đó có TTCK nhằm đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Sự phát triển năng động của TTCK trong phạm vi một quốc gia sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập thị trường vốn nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tại Việt Nam, thực hiện Nghị quyết TW3 và Nghị quyết kỳ họp thứ 2 – Quốc hội Khóa 13 về việc tái cấu trúc nền kinh tế và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng Đề án “Tái cấu trúc TTCK và Doanh nghiệp bảo hiểm”. Đề án bao gồm: tái cấu trúc hàng hóa, tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, tái cấu trúc hệ thống các trung gian tài chính (tổ chức kinh doanh chứng khoán, dịch vụ chứng khoán, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát), tái cấu trúc các tổ chức thị trường (Sở Giao dịch Chứng khoán - SGDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán - TTLKCK). Việc tái cấu trúc TTCK Việt Nam theo Đề án “Tái cấu trúc TTCK và Doanh nghiệp bảo hiểm” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở để TTCK phát triển trong thời gian tới. Xuất phát từ vai trò đó của Đề án, việc nghiên cứu Đề tài “Tái cấu trúc TTCK Việt Nam” có tính cấp thiết cao, cả về thực tiễn và lý thuyết.

Đề tài hướng tới các mục tiêu sau: (i) Nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tái cấu trúc TTCK; (ii) Đánh giá thực trạng và sự phát triển của TTCK Việt Nam; (iii) Lộ trình, nội dung và phương hướng thực hiện tái cấu trúc TTCK Việt Nam trong thời gian tới. Với phạm vi nghiên cứu là Tái cấu trúc TTCK Việt Nam, Đề tài tập trung nghiên cứu các đối tượng sau: Lý thuyết về cấu trúc tài chính; Tổng quan nghiên cứu và thực tiễn tái cấu trúc TTCK trên thế giới; Kinh nghiệm tái cấu trúc thị trường tài chính của một số nền kinh tế trên thế giới; Sự phát triển nói chung của TTCK Việt Nam; Nội dung tái cấu trúc TTCK và đánh giá hoạt động tái cấu trúc trên những mặt cụ thể; Phương hướng tái cấu trúc TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Những đóng góp của đề tài: (i) Làm rõ những vấn đề lý luận về tái cấu trúc TTCK trên thế giới; (ii) Kinh nghiệm tái cấu trúc thị trường tài chính của một số nước; (iii) Đánh giá việc thực hiện tái cấu trúc TTCK Việt Nam trong thời gian qua; (iv) Đề xuất phương hướng thực hiện tái cấu trúc TTCK trong thời gian tới.

Sau khi giới thiệu lý thuyết và các nghiên cứu về cấu trúc hệ thống tài chính, các quan điểm về cấu trúc tài chính tối ưu; thực tiễn tái cấu trúc TTCK trên thế giới và kinh nghiệm của một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc… trong việc tái cấu trúc thị trường tài chính tại Chương I “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tái cấu trúc TTCK”, nhóm nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu “Thực trạng TTCK Việt Nam giai đoạn 2000 - 2012” (Chương II). Tại Chương II, nhóm nghiên cứu đã giới thiệu khái quát về tình hình hoạt động của TTCK Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2012, thể hiện qua những thành tựu về quy mô và hàng hóa của TTCK, về niêm yết và giao dịch chứng khoán, về hệ thống cơ sở nhà đầu tư, hệ thống các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán, tổ chức thị trường cũng như hoạt động quản lý, giám sát TTCK. Bên cạnh đó, Đề tài đã đưa ra những đánh giá sơ lược về quá trình xây dựng và thực thi hệ thống pháp lý về chứng khoán và TTCK theo 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 2000 - 2005 (trước khi Luật Chứng khoán ra đời) có 81 văn bản pháp luật về chứng khoán và TTCK (trong đó có 04 Nghị định, 08 Thông tư và 69 Quyết định) đã được ban hành; Giai đoạn 2006 - 2012 đã ghi nhận dấu mốc quan trọng trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý về chứng khoán và TTCK với việc ra đời của Luật Chứng khoán số 70 đã được Quốc hội ban hành ngày 29/6/2006 thay thế các Nghị định 48/1998/NĐ-CP, Nghị định 144/2003/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007; và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2010 cùng nhiều Nghị định và văn bản hướng dẫn dưới Luật.

Cũng trong Chương II, Đề tài đi sâu vào tổng hợp, đánh giá các hoạt động của TTCK trên các phương diện cụ thể như về cơ sở hàng hóa (trong đó có hoạt động phát hành, hoạt động niêm yết, hoạt động cổ phần hóa (CPH), hoạt động công bố thông tin (CBTT) và hoạt động quản trị công ty (QTCty)); về thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) (cả thị trường sơ cấp và thứ cấp); về cơ sở nhà đầu tư; về hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán (gồm các công ty chứng khoán (CtyCK), công ty quản lý quỹ (CtyQLQ) và Quỹ đầu tư); về hoạt động của các SGDCK, TTLKCK. Ngoài ra, Đề tài cũng đề cập tới thực trạng về chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Trong chương III “Lộ trình và giải pháp tái cấu trúc TTCK Việt Nam”, Đề tài đã tập trung vào một số nội dung chính sau:

Định hướng phát triển TTCK đến năm 2020

Trọng tâm và định hướng phát triển TTCK Việt Nam là hướng tới sự tự do hóa và thể chế hóa TTCK.

Cấu trúc TTCK Việt Nam đến năm 2020 cần được xây dựng dựa trên các thành phần và mối tương quan như sau:

- Bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa cung - cầu của TTCK, trong đó chú trọng tới tương quan giữa quá trình CPH các doanh nghiệp nhà nước, phát hành chứng khoán của các công ty đại chúng với năng lực tài chính của các nhà đầu tư.

- Hình thành nền tảng nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp vững mạnh dựa trên nền tảng phát triển các nhà đầu tư tổ chức.

- Phát triển hợp lý quy mô các định chế trung gian tài chính trên TTCK đi đôi với bảo đảm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp cũng như năng lực quản lý rủi ro trên TTCK.

- Xây dựng cấu trúc sản phẩm trên thị trường phù hợp với nhu cầu, trình độ hiểu biết và năng lực quản lý rủi ro của các nhà đầu tư trên thị trường; trong đó trọng tâm vẫn là phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu.

Mục tiêu tái cấu trúc TTCK

- Nâng cao chất lượng hàng hóa kết hợp với việc đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, dịch vụ cung cấp trên TTCK; tập trung phát triển thị trường TPCP.

- Thu hẹp số lượng các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đặc biệt là các CtyCK; xử lý, thanh lọc các tổ chức hoạt động yếu kém, không hiệu quả.

- Đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư; tập trung phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức.

- Tái cấu trúc tổ chức thị trường, tái cấu trúc các SGDCK theo các mục tiêu phát triển dài hạn của TTCK Việt Nam đã được đề ra trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, bảo đảm thị trường hoạt động lành mạnh, ổn định, vững chắc, được quản lý, giám sát chặt chẽ.

Nội dung tái cấu trúc TTCK

Tái cấu trúc cơ sở hàng hóa, tập trung vào 4 nội dung chủ yếu sau:

+ Nâng cao chất lượng phát hành, niêm yết, đăng ký giao dịch;

+ Tăng cường hoạt động CBTT;

+ Tăng cường công tác QTCty;

+ Hoàn thiện công tác CPH.

Tái cấu trúc thị trường TPCP, TPDN.

Trọng tâm của công tác tái cấu trúc thị trường TPCP và TPDN tập trung vào những nội dung sau: i) Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản pháp lý quy định về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và TPDN phù hợp với Luật Chứng khoán và các thông lệ quốc tế, bao gồm các sản phẩm mới theo sự phát triển của thị trường; ii) Triển khai cho phép giao dịch thứ cấp tín phiếu kho bạc nhà nước (KBNN) tại hệ thống giao dịch TPCP, từng bước thiết lập một thị trường nợ công thứ cấp đồng bộ, thống nhất; iii) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiêu chuẩn và điều kiện phát hành; thực hiện cơ chế cấp Giấy chứng nhận đăng ký phát hành treo, từng bước tiến tới việc thực hiện đăng ký phát hành trên cơ sở công bố đầy đủ thông tin;

Tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư

Công tác tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư được thực hiện trên 3 phương diện sau: Một là, tập trung phát triển mạnh nhà đầu tư tổ chức, làm nền tảng hỗ trợ sự tăng trưởng của TTCK, định hướng bởi hoạt động đầu tư giá trị của các nhà đầu tư tổ chức; Hai là, tiếp tục duy trì sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư cá nhân, cải thiện mức độ thanh khoản của thị trường; Ba là, thu hút vốn FII trung và dài hạn, góp phần phát triển TTCK, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, bổ sung nguồn vốn đầu tư cho sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán

Tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán trên TTCK Việt Nam bao gồm tái cấu trúc CtyCK và tái cấu trúc CtyQLQ và ngân hàng giám sát.

*Đối với các CtyCK

Trên cơ sở Thông tư 226/2010/ TT-BTC (Thông tư 226) của Bộ Tài chính về chỉ tiêu an toàn tài chính và các văn bản hướng dẫn về chứng khoán và TTCK cũng như kết quả kinh doanh đã kiểm toán của các CtyCK, cơ quan quản lý (UBCKNN) tiến hành rà soát phân loại các CtyCK theo mức độ rủi ro giảm dần trên 02 chỉ tiêu sau: Vốn khả dụng/tổng rủi ro (bao gồm rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán, và rủi ro hoạt động) và tỷ lệ lỗ lũy kế/vốn điều lệ.

Kể từ năm 2012, UBCKNN triển khai các biện pháp nhằm tăng cường năng lực quản trị và hoạt động của các CtyCK dựa trên ba trụ cột chính:

- Quy định về mức độ đủ vốn: Thông tư 226 quy định về tỷ lệ an toàn vốn khả dụng thực chất là một quy định về mức độ đủ vốn. Quy định về mức độ đủ vốn ra đời nhằm đảm bảo rằng các CtyCK sẽ có đủ vốn để hấp thụ các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động, tránh cho các công ty này rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Một khi công ty mất thanh khoản, khả năng công ty rơi vào tình trạng phá sản là vô cùng lớn.

- Quy định về hướng dẫn thông lệ khuôn khổ quản lý rủi ro cho các CtyCK: UBCKNN sẽ nghiên cứu và ban hành quy định các thông lệ về khuôn khổ quản lý rủi ro để các CtyCK áp dụng. Hướng dẫn khuôn khổ rủi ro sẽ đưa ra các rủi ro mà CtyCK gặp phải, đồng thời đề ra các quy định, quy trình quản lý rủi ro mà các CtyCK phải thực hiện nhằm phòng ngừa và quản lý các rủi ro đó.

- Hoạt động giám sát với mô hình cảnh báo sớm ứng dụng bộ chỉ tiêu CAMELS: UBCKNN sẽ nghiên cứu và ứng dụng bộ chỉ tiêu CAMELS để phân loại, đánh giá chính xác chất lượng hoạt động một cách toàn diện các CtyCK. Trên cơ sở đó, UBCKNN sẽ lên phương án kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa từ xa rủi ro hệ thống của ngành Chứng khoán.

*Đối với các CtyQLQ, ngân hàng giám sát

Mục tiêu của việc tái cấu trúc các CtyQLQ là không tăng số lượng các CtyQLQ, xử lý thanh lọc các CtyQLQ yếu kém, không có khả năng huy động tài sản để quản lý; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các CtyQLQ; Mở cửa thị trường dịch vụ quản lý tài sản theo lộ trình hội nhập đã cam kết, kết hợp với việc nâng cao sức cạnh tranh của ngành quản lý tài sản Việt Nam; Tăng cường khả năng, hiệu quả quản lý, giám sát đối với hoạt động CtyQLQ.

Việc tái cấu trúc các CtyQLQ được thực hiện dựa trên nguyên tắc: Cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích việc tái cơ cấu hệ thống các CtyQLQ theo hướng chuyên nghiệp hơn: tập trung khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng nắm quyền sở hữu, chi phối hoạt động CtyQLQ.

Tái cấu trúc SGDCK, TTCK

Trên cơ sở các mục tiêu phát triển thị trường và các nguyên tắc thực hiện tái cấu trúc tổ chức nêu trên, TTCK Việt Nam cần được cấu trúc lại theo hướng nhất thể hóa với bước đi thích hợp. Xét về tổng thể, có ba phương án như sau:

Phương án 1: Thành lập một SGDCK Việt Nam duy nhất.

Phương án 2: Thành lập công ty mẹ (holding company) sở hữu cả 2 SGDCK, TTLKCK thống nhất về công nghệ nhưng tách biệt về hàng hóa.

Phương án 3: Để 2 SGDCK tiếp tục hoạt động và vận hành độc lập

Lựa chọn mô hình tổ chức TTCK Việt Nam từ 2011 - 2020

Giai đoạn 1 (từ 2011 - 2013): Hiện đại hóa, thống nhất hệ thống công nghệ cho toàn thị trường, tiếp tục mở rộng thị trường có quản lý và tập trung phát triển các sản phẩm mới.

Giai đoạn 2 (sau năm 2013): Hợp nhất 2 SGDCK thành một SGDCK Việt Nam duy nhất.

Tái cấu trúc hệ thống lưu ký, đăng ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán

Tái cấu trúc toàn bộ hệ thống bù trừ tiền và chứng khoán giao dịch, thiết lập đầy đủ các cơ chế quản lý rủi ro cho hoạt động thanh toán bù trừ, hoàn thiện hệ thống thanh toán chứng khoán bao gồm thanh toán TPCP và thanh toán cổ phiếu, TPDN và chứng chỉ quỹ đầu tư.

Nghiên cứu và triển khai hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản là chứng khoán lưu ký tại TTLKCK.

Nghiên cứu áp dụng phi vật chất hoàn toàn đối với chứng chỉ chứng khoán ngay từ khi phát hành hoặc ngay sau khi IPO hoặc CPH, giảm chi phí chung cho Nhà nước và các tổ chức liên quan, giảm thiểu các thủ tục và chi phí liên quan đến việc thực hiện tái lưu ký, giảm thiểu thời gian hoàn tất các thủ tục đăng ký chứng khoán và niêm yết, góp phần thúc đẩy việc tham gia niêm yết của các tổ chức ngay sau khi hoàn thành IPO.

Đánh giá kết quả công tác tái cấu trúc TTCK trong hai năm 2012 - 2013

Một đặc điểm nổi bật của đề tài này là được nghiên cứu và xây dựng song song với Đề án tái cấu trúc TTCK Việt Nam. Đây là điểm rất mạnh của đề tài do có tính thực tiễn và tính ứng dụng rất cao. Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định 1826/QĐ-TTg ngày 06/12/2012 phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm”. Về cơ bản, tái cấu trúc TTCK trên các trụ cột: cơ sở hàng hóa, thị trường trái phiếu, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán, SGDCK và TTLKCK đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là về phương diện hoàn thiện cơ chế chính sách. Cụ thể:

Về cơ sở hàng hóa: tiêu chuẩn phát hành và niêm yết hàng hóa đã được nâng cao theo Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 và Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012.

Về thị trường trái phiếu: Đã thực hiện tái cơ cấu hàng hóa trên thị trường TPCP, quy mô niêm yết ở thời điểm hiện tại là 521 nghìn tỷ đồng, tăng 177,5 nghìn tỷ đồng (tương ứng 24%) so với cuối năm 2012. Cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu cũng đã được cải tiến và hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, thúc đẩy quá trình đăng ký, lưu ký, giao dịch và niêm yết trái phiếu trên thị trường thứ cấp nhằm tăng tính thanh khoản của trái phiếu.

Về cơ sở nhà đầu tư: Cùng với việc hoàn tất và ban hành một loạt văn bản hướng dẫn việc tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, quá trình tái cấu trúc hệ thống các quỹ đầu tư đã được thực hiện tương đối êm dịu, không những đã không gây xáo động đến hoạt động và tâm lý chung của thị trường, mà còn giúp bảo vệ được lợi ích của nhà đầu tư tham gia vào quy.

Về tổ chức kinh doanh chứng khoán: Trong thời gian qua, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành đồng bộ các văn bản hỗ trợ tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, cụ thể: Thông tư 210/2012/ TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động CtyCK; Thông tư 212/2012/TT-BTC ngày 05/12/2012 hướng dẫn thành lập và hoạt động CtyQLQ; Thông tư số 165/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 226/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 về chỉ tiêu an toàn tài chính và các biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính; Quyết định 247/QĐ-UBCK ngày 06/5/2013 về việc ban hành Sổ tay nghiệp vụ hướng dẫn quản lý, giám sát hoạt động của CtyQLQ và quỹ đầu tư chứng khoán; Quyết định 428/QĐ- UBCK ngày 11/7/2013 về việc ban hành Quy chế hướng dẫn thiết lập, vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho CtyQLQ và công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ tự quản lý; Quyết định 427/QĐ-UBCK ngày 11/7/2013 về việc ban hành Quy chế hướng dẫn đánh giá, xếp loại CtyQLQ; Quyết định số 617/QĐ- UBCK ngày 9/10/2013 về việc ban hành Quy chế hướng dẫn xếp loại CtyCK theo chuẩn CAMEL phân loại CtyCK nhằm thực hiện giám sát, kiểm tra hoạt động của CtyCK; Quyết định số 105/QĐ-UBCK ngày 26/02/2013 về việc ban hành kèm theo Quy chế hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho CtyCK. Trên cơ sở đó, tính đến tháng 9/2013, có 24 CtyCK và 6 CtyQLQ đã từng bước được rút khỏi thị trường dưới các hình thức như giải thể, đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt hoặc rút các nghiệp vụ kinh doanh.

Về tái cấu trúc các SGDCK và TTLKCK: Theo lộ trình tại Đề án tái cấu trúc TTCK, UBCKNN đang triển khai các nội dung chính như sau: Bộ Tài chính cũng đã xây dựng Đề án hợp nhất 2 SGDCK dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2014; Hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL) và hệ thống hạ tầng giao dịch chứng chỉ quỹ ETF đang được các SGDCK, TTLKCK và các bên liên quan tập trung hoàn chỉnh, dự kiến có thể đưa vào hoạt động đầu năm 2014; Triển khai và nghiên cứu đề án chuyển chức năng thanh toán TPCP từ NHTM sang Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và xây dựng Trung tâm thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác trung tâm (CCP).

Phương hướng thực hiện tái cấu trúc giai đoạn tới

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp cốt lõi, đột phá sau đây nhằm phát triển TTCK, đồng thời đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc:

Một là, xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý trong năm 2014 để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc TTCK và tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm.

Hai là, triển khai các sản phẩm mới và các đề án, dự án lớn: đề án TTCK phái sinh, Nghị định hướng dẫn tổ chức và hoạt động TTCK phái sinh, đề án tái cấu trúc SGDCK, triển khai giao dịch ETF, các sản phẩm trái phiếu...

Ba là, triển khai phân loại danh mục ngành nghề trình Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần tại Quyết định 55 sửa đổi về đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Bốn là, sớm ban hành các Thông tư thay thế, sửa đổi, bổ sung về vấn đề phí hoạt động chứng khoán áp dụng tại UBCKNN; về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí hoạt động chứng khoán áp dụng tại các SGDCK và TTLKCK; phí bán đấu giá cổ phần; phí hoạt động chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán.

Năm là, sớm ban hành các hướng dẫn về cơ chế tài chính, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, một số loại hình quỹ đầu tư và chế độ kế toán cho TTCK phái sinh.

Sáu là, triển khai đề án về quỹ hưu trí tự nguyện và ban hành các văn bản hướng dẫn để sớm triển khai loại hình quỹ này nhằm góp phần phát triển nhà đầu tư tổ chức và tăng sức cầu trên TTCK.

Bảy là, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về công ty định mức tín nhiệm, góp phần tăng cường tính minh bạch và phát triển thị trường trái phiếu.

Tám là, tiếp tục tích cực triển khai dự án về hạ tầng công nghệ thông tin cho toàn bộ TTCK; Đề án chuyển chức năng thanh toán từ NHTM sang NHNN.

Chín là, nghiên cứu triển khai việc đàm phán với cơ quan quản lý các TTCK châu Âu (ESMA) nhằm mở cửa thị trường quỹ tại châu Âu cho các CtyQLQ Việt Nam. Về cơ bản, sau khi UBCKNN trở thành thành viên của Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) thì đã hội tụ đủ điều kiện để có thể đàm phán. Việc đàm phán cũng cần thực hiện ngay vì sau năm 2014, các điều kiện sẽ bị nâng cao (chia sẻ thông tin về thuế quan).

Mười là, điều chỉnh lại các mức phí, lệ phí, tập trung nhiều vào các mức phí tối đa giữa các thành viên TTCK (phí quản lý tài sản, phí lưu ký, giám sát). Mười một là, yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán có phương án thoái vốn tại các CtyCK.

Với việc triển khai đồng bộ tất cả các nội dung tái cấu trúc đã nêu trên, từng bước chúng ta sẽ phát triển được TTCK một cách bền vững và góp phần vào việc phát triển nền kinh tế quốc dân.

Tạp chí Chứng khoán & Phòng Quản lý NCKH, Trung tâm NCKH & ĐTCK
Tìm kiếm