MỘT NĂM ẤN TƯỢNG VỚI NHIỀU XÚC CẢM

15/01/2014 09:00
Lượt xem: 442
Năm 2013 đã đi qua với nhiều cung bậc cảm xúc trong bức tranh thị trường tài chính - tiền tệ nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng. Nhân dịp năm mới, Tạp chí Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về một số nội dung xoay quanh những chuyển động của TTCK Việt Nam trong năm 2013 và dự báo cho năm 2014.

Thưa Ông! Ông nhìn nhận thế nào về bức tranh kinh tế vĩ mô nói chung, thị trường tài chính - tiền tệ và đặc biệt là TTCK nói riêng trong năm 2013?

Năm 2013 đi qua với nhiều cung bậc cảm xúc trong bức tranh thị trường tài chính, tiền tệ nói chung và TTCK nói riêng. Vào những tháng cuối cùng của năm, những ai lạc quan nhất cũng khó hình dung được một năm đầy rẫy những khó khăn của nền kinh tế và hoạt động của khu vực doanh nghiệp lại là năm có thu ngân sách hoàn thành và vượt chỉ tiêu năm (đạt 101%), các chỉ số kinh tế vĩ mô khác nằm trong kế hoạch và giới hạn kiểm soát (tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,42%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm ở mức 6,04%). TTCK vượt qua cơn “bĩ cực” để hồi phục ấn tượng với mức tăng trưởng 22% so với cuối năm 2012 và đứng trong Top 10 TTCK có mức tăng trưởng tốt nhất toàn cầu. Đặc biệt, mặc dù thị trường vốn nói chung còn gặp nhiều khó khăn do tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng kênh dẫn vốn qua TTCK có mức tăng trưởng khá ấn tượng, tổng mức huy động vốn qua TTCK đạt 220.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư toàn thị trường, trong đó kênh phát hành thông qua trái phiếu chính phủ (TPCP) chiếm khoảng 181.000 tỷ đồng, góp phần đưa thị trường trái phiếu Việt Nam xếp vào nhóm thị trường trái phiếu có mức tăng trưởng tốt nhất châu Á.

Những thành quả nêu trên đạt được là nhờ các chủ trương, chính sách quyết liệt của Chính phủ ngay từ những tháng đầu năm 2013 với các Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế cũng như các chính sách trong việc thực thi tái cấu trúc các khu vực của nền kinh tế. Trong đó, phải kể đến những thành công bước đầu trên một số mặt sau:

(i) Xử lý nợ xấu ngân hàng với việc ra đời Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC) và khoản mua nợ trên 30.000 tỷ nợ xấu từ các ngân hàng thương mại (NHTM), qua đó góp phần lành mạnh hóa nợ xấu và gia tăng vốn khả dụng cho các NHTM;

(ii) Xử lý bài toán về kênh đầu tư kinh doanh vàng, vốn gây nhiều bất ổn và tranh cãi trong suốt nhiều năm qua. Cơ chế đấu thầu và độc quyền nhập vàng qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã góp phần kiềm chế tình trạng bất ổn về cung, cầu giá vàng và các cơn sốt ngoại tệ để nhập khẩu vàng điều tiết trong nước, qua đó tăng dự trữ ngoại hối quốc gia và thu về cho ngân sách trên 9.000 tỷ đồng;

(iii) Tái cấu trúc các trung gian tài chính, thông qua hợp nhất, sáp nhập, giải thể các ngân hàng, tổ chức tài chính và các công ty chứng khoán (CtyCK), góp phần giảm số lượng, nâng cao vị thế và tiềm lực tài chính của các trung gian tài chính trên thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán.

Ông có đánh giá gì về các nhóm giải pháp chính sách mà cơ quan quản lý TTCK đưa ra từ những thông điệp đầu năm 2013, việc thực thi đến đâu và còn những nhóm giải pháp nào chưa được thực hiện?

 

Nhận thức được nhiệm vụ góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và thị trường vốn năm 2013, toàn ngành Chứng khoán đã xây dựng, công bố và triển khai thực thi các nhóm giải pháp cấp bách để hỗ trợ phát triển thị trường trong năm 2013. Trong đó, phải kể đến những nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường như giảm phí lưu ký chứng khoán (giảm 20%); đơn giản hóa thủ tục cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN); kéo dài thời gian giao dịch phiên buổi chiều và đưa vào áp dụng một số loại lệnh giao dịch mới; nâng tỷ lệ giao dịch ký quỹ lên 50%; thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhằm gia tăng hàng hóa cho thị trường... Ngoài ra, một số nhóm giải pháp đang trong quá trình xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cũng có hiệu ứng tích cực đến thị trường như: nới “room” sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng; cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được mua lại cổ phần để sở hữu đến 100% vốn điều lệ CtyCK trong nước; hướng dẫn về pháp lý để đưa vào áp dụng một số sản phẩm mới như Quỹ hoán đổi danh mục đầu tư (ETF); chứng quyền (Covered Warant)...

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhóm giải pháp chưa được triển khai, mất nhiều thời gian và đòi hỏi phải có văn bản hướng dẫn xử lý trong thời gian tới như việc đưa tín dụng chứng khoán ra khỏi tín dụng phi sản xuất; cho phép cơ chế phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá; miễn, giảm thuế đối với cổ tức và các sản phẩm đầu tư mới như các quỹ mở, quỹ bất động sản, quỹ hưu trí tự nguyện... Vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường thông qua các sản phẩm ưu đãi có tính kích hoạt như chính sách thuế, phí để hỗ trợ thị trường và qua đó góp phần giảm tải các kênh hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp từ tín dụng ngân hàng. Việc huy động vốn qua kênh TTCK không chỉ đơn thuần là tạo lập vốn chủ động của doanh nghiệp mà còn góp phần giúp doanh nghiệp cải thiện hơn vấn đề quản trị công ty và minh bạch hóa hoạt động thông qua cơ chế công bố thông tin công khai. 

Bên cạnh điểm sáng của thị trường như đã nói trên, năm qua cũng ghi nhận một năm mà có quá ít doanh nghiệp lên niêm yết, nhưng lại có số doanh nghiệp hủy niêm yết nhiều nhất từ trước tới nay (kể cả bắt buộc và tự nguyện). Phải chăng chức năng cơ bản của TTCK trong năm 2013 có vấn đề bất cập?

Như tôi đã nói ở trên, do cơ chế phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá chưa được tháo gỡ, nên doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại khi tham gia TTCK với mục tiêu phát hành chứng khoán để huy động vốn. Nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn lớn, tuy nhiên nhiều công ty lại có giá cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá nên không thể phát hành thêm được. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã có ý định tạm thời rút lui khỏi niêm yết để cấu trúc lại công ty, sau đó, khi thị trường thuận lợi mới quay trở lại niêm yết. Ngoài ra, cũng phải kể đến các trường hợp một số cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc do công ty bị thua lỗ 3 năm liên tiếp, hoặc có lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu. Đối với các trường hợp này, UBCKNN cũng như các Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) cân nhắc và xem xét để ra quyết định hủy bỏ niêm yết trên cơ sở quy định pháp luật và cũng tính đến cơ chế bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông nhỏ. Đối với các trường hợp hủy niêm yết tự nguyện, cần có cơ chế để tránh việc doanh nghiệp tham gia vào TTCK để huy động vốn, sau đó chủ động hủy bỏ niêm yết để trốn tránh nghĩa vụ minh bạch với các cổ đông. Đồng thời, sau khi hủy niêm yết, cơ quan quản lý cũng yêu cầu công ty nếu còn đủ điều kiện là công ty đại chúng, cần phải đăng ký giao dịch trên thị trường UpCom để hỗ trợ thanh khoản cho các cổ đông giao dịch được thuận tiện.

Mặt khác, theo quan điểm của tôi, việc cấu trúc lại khu vực hàng hóa của thị trường niêm yết theo hướng nâng cao chất lượng hàng hóa là cần thiết. Ngoài việc áp dụng các tiêu chuẩn niêm yết mới theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP cho các doanh nghiệp vào niêm yết mới và không áp dụng ngược lại đối với các doanh nghiệp đã niêm yết trước đây để tránh xáo trộn trên thị trường, nhưng cần thiết phải cấu trúc lại chất lượng hàng hóa theo hướng doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, quản trị công ty tốt và minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Vì vậy, việc sàng lọc ra khỏi thị trường đối với những công ty có vốn điều lệ không đáp ứng được quy định, hoạt động kinh doanh thua lỗ lớn và thiếu minh bạch là cần thiết. Song song với đó, chúng ta cần thành lập một khu vực để các công ty hủy niêm yết đăng ký giao dịch nhằm đảm bảo thanh khoản cho cổ đông.

Ông có thể cho biết những giải pháp, chính sách phát triển TTCK năm 2014 sẽ tập trung vào nhóm nào và kỳ vọng gì vào thị trường?

Theo tôi, những diễn biến về kinh tế vĩ mô trong cuối năm 2013 và định hướng trong năm 2014 cho phép chúng ta lạc quan hơn về bức trang TTCK trong năm 2014. Trong đó, phải kể đến dự báo mức tăng trưởng trong năm tới cao hơn mức của năm 2013 và mức lạm phát trong giới hạn kiểm soát cho phép. Việc tái cấu trúc khu vực DNNN và khu vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán sẽ góp phần giúp cho các định chế tài chính trung gian hoạt động lành mạnh và hiệu quả hơn. Đối với lĩnh vực chứng khoán, năm 2014 cơ quan quản lý cũng đẩy mạnh tập trung vào nhóm các giải pháp cấu trúc lại thị trường, trong đó có việc phát triển các sản mới để đa dạng hóa kênh đầu tư và phân tán rủi ro cho nhà đầu tư như các sản phẩm quy mô, quy ETF, quỹ hưu trí tự nguyện và bước đầu thiết lập các sản phẩm phái sinh cơ bản dựa trên chỉ số, dựa trên TPCP cũng sẽ hỗ trợ thêm sản phẩm đầu tư cho thị trường. Ngoài ra, việc hoàn thiện các quy định phát luật về nới lỏng tỷ lệ sở hữu cho nhà ĐTNN; tăng cường quản trị công ty; công bố thông tin và cơ chế thoái vốn, đấu giá cổ phẩn hóa của donah nghiệp cũng sẽ thu hút được các đồng vốn ĐTNN vào TTCK, giúp thị trường có bước khởi sắc hơn.

 Xin trân trọng cảm ơn Ông!

 

 

 

 

 

 

 

Nam Khánh
Tìm kiếm