KINH TẾ VIỆT NAM THÁNG 1+2/2016 - DẤU HIỆU KHẢ QUAN

15/03/2016 18:14
Theo dòng sự kiện

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý các thành viên Chính phủ nỗ lực phấn đấu nâng chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2016 lên mức khoảng 7%.

 

Tín hiệu từ con số thống kê

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, dù nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nhưng nhiều chỉ số kinh tế vẫn tăng khả quan, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ như: sự cải thiện về sức mua và tổng cầu hàng hóa, tăng trưởng tín dụng, thu nội địa… Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có nhiều dấu hiệu khả quan. 

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2016 giảm 3,8% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng Hai, cả nước có 5.584 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 53,8 nghìn tỷ đồng, giảm 19% về số lượng và tăng 17,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 44,9%; có 2.544 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 69,2% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời có 4.015 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động.

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 113 nghìn tỷ đồng. Quy mô doanh nghiệp lớn hơn, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 44,4%. Vì thế, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ tăng 1% nhưng lại tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. 

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm nay là 7.416 doanh nghiệp, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số rất đáng ghi nhận thể hiện sự phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế, khác biệt rõ so với năm ngoái. 

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 2 tháng đầu năm là 2.195 doanh nghiệp, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm tới 93,4%. 

Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu năm nay là 16.471 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 7.220 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 9.251 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. 

Cũng có góc nhìn khả quan về kinh tế Việt Nam, Ngân hàng HSBC dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như năm ngoái, tuy nhiên HSBC cũng đưa ra dự báo thận trọng về kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2016 và có thể sẽ tăng lên 6,8% trong năm 2017. Ngân hàng này dự báo như vậy bởi ở các nước trong khu vực, tình hình xuất khẩu chậm đang ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam lại đang thể hiện sự phục hồi mạnh nhất. 

Trong tháng 2, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam của Nikkei1  vẫn nằm trên mức không thay đổi, đạt 50,3 điểm với tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với tháng 01/2016. Điều đáng khích lệ là đơn hàng xuất khẩu mới vẫn tăng trong khi nhu cầu tuyển dụng duy trì ổn định. 

Trong năm 2015, ngành sản xuất đã tăng trưởng 10,6% và đóng góp 1,6 điểm phần trăm vào mức tăng 6,7% của GDP. Ngân hàng này kỳ vọng, sản lượng sản xuất sẽ vẫn ổn định trong năm 2016 và dự đoán sẽ tăng 10,7%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng Hai vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) ước tính đạt 10.432 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương đạt 2.235 tỷ đồng; vốn địa phương đạt 8.197 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 25,3 nghìn tỷ đồng, bằng 10,2% kế hoạch năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015. 

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài tính từ đầu năm đến thời điểm 20/02/2016 đã thu hút 291 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1.905,1 triệu USD, tăng 96,6% về số dự án và tăng 167,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, có 137 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp bổ sung vốn với 898,3 triệu USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 2.803,4 triệu USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng đầu năm ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2015. 

Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 2 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 1.995 triệu USD, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký. 

Theo Bộ Tài chính, trong hai tháng đầu năm 2016, tổng thu ngân sách đạt hơn 160.000 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó thu nội địa đạt gần 140.000 tỷ đồng, bằng 17,8% dự toán. 

Cũng theo Bộ Tài chính, tổng chi NSNN trong hai tháng đầu năm ước đạt 185.590 tỷ đồng, bằng 14,6% dự toán. Bội chi NSNN qua đó ước đạt 25.470 tỷ đồng, bằng 10% dự toán năm. 

Tháng Hai năm nay là thời điểm Tết Nguyên đán nên thị trường trong nước sôi động với sản phẩm hàng hóa phong phú, đa dạng. Giá cả thị trường những ngày trước, trong và sau Tết tăng nhẹ so với ngày thường, nhưng không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá do nguồn hàng được cung ứng dồi dào.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện trong tháng Một năm nay đạt 13.363 triệu USD, thấp hơn 437 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện thấp hơn 230 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện thấp hơn 150 triệu USD; gạo thấp hơn 25 triệu USD; dầu thô thấp hơn 23 triệu USD; cao su thấp hơn 19 triệu USD.

Do là tháng Tết nên kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Hai năm nay ước đạt 10,3 tỷ USD, giảm 22,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 2,9 tỷ USD, giảm 30,5%; khu vực có vốn ĐTNN (kể cả dầu thô) đạt 7,4 tỷ USD, giảm 19,5%.

Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 23,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) (kể cả dầu thô) đạt 16,6 tỷ USD, tăng 2,3%. 

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Hai ước tính đạt 10,2 tỷ USD, giảm 19% so với tháng trước. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 2 tháng đầu năm ước tính đạt 22,8 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Cán cân thương mại thực hiện tháng Một xuất siêu 765 triệu USD. Tháng Hai ước tính xuất siêu 100 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 878 triệu USD; khu vực có vốn ĐTNN (kể cả dầu thô) xuất siêu 978 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm xuất siêu 865 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 2,1 tỷ USD; khu vực có vốn ĐTNN (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,9 tỷ USD. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2016 tăng 0,42% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết tăng lên và tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 2 tháng đầu năm tăng 1,03% so với cùng kỳ năm 2015. 

Lạm phát cơ bản tháng 02/2016 tăng 0,56% so với tháng trước và tăng 1,93% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản 2 tháng đầu năm nay tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2015.

Thị trường cổ phiếu tháng 2/2016 có xu hướng phục hồi nhẹ nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2015 của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Xu hướng bán ròng của nhà ĐTNN đã có dấu hiệu giảm rõ nét. Tính từ đầu tháng 2, khối ngoại chỉ bán ròng 191 tỷ đồng giá trị cổ phiếu niêm yết. Rủi ro rút vốn của khối ngoại thấp và chỉ mang tính thời điểm. Theo phân tích của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, những dòng vốn đầu tư trung, dài hạn vẫn chiếm tỷ trọng chủ đạo và các cơ hội đầu tư dài hạn trên thị trường Việt Nam là hấp dẫn.

 

Thủ tưởng gợi ý chỉ tiêu tăng trưởng

Tại phiên họp Chính phủ tháng 2 vừa qua, nhìn lại tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, thành tích quan trọng nhất là mức tăng trưởng GDP đạt 6,68%, cao hơn mức báo cáo trước Quốc hội trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là sự sụt giảm mạnh của giá dầu. 

Trên tinh thần đó, định hướng phấn đấu của Chính phủ trong năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý các thành viên Chính phủ nỗ lực phấn đấu nâng chỉ tiêu từ 6,7% lên mức khoảng 7% trong năm 2016 trên cơ sở đà phục hồi kinh tế đất nước năm 2015 và những năm vừa qua.

Mặc dù vậy, Thủ tướng cũng cho rằng cải thiện môi trường đầu tư dù đã có kết quả bước đầu nhưng còn chưa nhất quán, thủ tục hành chính còn rất phiền hà, khó khăn. Từ thực tế này, Thủ tướng yêu cầu chú trọng hơn nữa nhiệm vụ cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi, tận dụng tốt các hiệp định thương mại vừa được ký kết để tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; triển khai đồng bộ, nhất quán các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014. 

Nền kinh tế trong nước cũng như thế giới vẫn còn những khó khăn nhất định, sự giảm sút của thương mại toàn cầu và nhất là sự xuống dốc của giá dầu thô. Phân tích, dự liệu trước những vấn đề này, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu tổng hợp, các chuyên gia tham mưu, đề xuất Chính phủ để có những chủ trương, giải pháp ứng phó kịp thời.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến giá dầu thô thế giới, đánh giá tác động của các Hiệp định thương mại tự do để chủ động đề xuất giải pháp cân đối nguồn thu NSNN; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán NSNN; quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm. 

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo tăng trưởng dư nợ tín dụng hợp lý gắn với triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng. 

Liên quan đến những diễn biến gần đây trên thị trường tiền tệ, khi một số ngân hàng thương mại đã nâng mạnh lãi suất dài hạn lên tới 8%, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính – Bộ Tài chính) phân tích, ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế chưa thể “vững” để “chịu đựng” được lãi suất cao. Chính vì thế, NHNN sẽ phải tìm mọi cách để ổn định lãi suất. 

Bên cạnh đó, với chính sách tỷ giá mới, tình trạng đô la hóa đang giảm, người dân có xu hướng chuyển từ ngoại tệ sang gửi tiết kiệm bằng tiền đồng. Do đó, sẽ làm tăng thanh khoản và lãi suất huy động sẽ ổn định. 

Cuối tháng 1/2016, Thống đốc NHNN đã ban hành văn bản số 297/ NHNN-TTGSNH về việc chấn chỉnh việc thực hiện lãi suất huy động. Văn bản nhấn mạnh, các tổ chức tín dụng (TCTD) không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn. 

Thực tế là lãi suất huy động đang phải chịu những áp lực như huy động vốn trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng cao, nhu cầu tín dụng trung và dài hạn gia tăng, kỳ vọng lạm phát năm 2016 cao hơn cùng với đó là mục tiêu tăng trưởng cao hơn. 

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ CSTT (NHNN) nhấn mạnh, trong điều kiện thách thức như vậy, NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các TCTD có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế; 

“NHNN cũng đồng thời điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp tương quan với lãi suất thị trường, đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá”, ông Bùi Quốc Dũng khẳng định. 

Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục có các giải pháp, công cụ điều hành mới, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và điều kiện của thị trường tiền tệ nhằm nâng cao khả năng điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường phù hợp với mục tiêu CSTT.

Với những giải pháp đồng bộ, việc thực hiện mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi. 

Đây cũng là những điều kiện để hỗ trợ cho sản xuất và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2016. 

Chú thích:

Một chỉ số tổng hợp về ngành sản xuất của Việt Nam.

Nguyễn Thanh
Tìm kiếm